Nhiều chị em sản phụ truyền tai nhau để những giọt sữa non đầu tiên của thai kỳ để dành cho con. Tuy nhiên, theo các bác sĩ việc làm này không có tác dụng gì.
Đẻ non vì nặn sữa non
Mang thai ở tuần thứ 36, chị Nguyễn Thanh Hoa, Chùa Bộc, Hà Nội được bạn bè kháo nặn sữa non để dành cho con và nặn sữa để tránh sau khi sinh mất sữa và tắc tia sữa. Tối nào trước khi đi ngủ, chị Hoa cũng hì hụi cả tiếng đồng hồ ngồi vê đầu ti nặn sữa non với hi vọng dành được những dòng sữa non đầu tiên cho con.
Dù bụng to, đau lưng, chị Hoa vẫn cố nặng từng giọt một. Ngày nào nhiều thì được 2 ml, có ngày nặn đỏ cả ngực chỉ được vài giọt sữa màu vàng nhạt. Chị Hoa trân trọng từng giọt, chị lấy xilanh hút vào rồi cho vào túi chuyên dụng đựng sữa để vào một khay trong ngăn đá.
Nhiều lần nặn quá, đầu ti của chị Hoa đau nên trước khi nặn chị phải massager vài phút rồi mới nặn, vừa dễ ra sữa non, vừa đỡ đau. Đêm hôm ấy, chị vừa đi ngủ thấy bụng đau và có cơn co tử cung như muốn sinh. Chị và chồng vội vàng vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương để sinh. Chị Hoa lo lắng vì chưa đến ngày sinh nên hai vợ chồng đi thẳng vào viện với hi vọng được các bác sĩ đầu ngành can thiệp.
Sau khi khám, bác sĩ thấy chị bắt đầu xuất hiện cơn co tử cung, càng ngày càng nhiều nhưng tử cung không mở. Sau 1 ngày nằm viện, chị Hoa vẫn xuất hiện cơn co tử cung và xuất huyết âm đạo. Các bác sĩ phải mổ cấp cứu để cứu hai mẹ con chị Hoa. Khi tỉnh lại trong phòng hậu sinh, chị Hoa mới kể lại việc mình thường xuyên nặn sữa non để vào tủ lạnh cho con dùng dần. Tuy nhiên, con chị bị vàng da phải chiếu điện nên không về nằm chung với mẹ được. Toàn bộ sữa non của chị đành bỏ lại ở nhà.
Nhiều mẹ có thói quen không tốt là tích sữa trong tủ lạnh.
Trường hợp của sản phụ Lê Ánh Nguyệt trú tại Phú Diễn, Hà Nội cũng tương tự. Chị Nguyệt mang thai ở tuần 31, vì thấy trên mạng mọi người truyền kinh nghiệm nặn sữa non để lưu lại cho con uống. Chị Nguyệt cũng nghiến răng chịu đau nặn sữa. Sau vài lần nặn sữa, chị Nguyệt thấy đau bụng. Chị đi siêu âm, bác sĩ cảnh báo có thể sinh non bất cứ lúc nào vì thường xuyên xuất hiện cơn co tử cung. Chị Nguyệt phải nằm treo chân và theo dõi. Bác sĩ nghiêm cấm chị không được nặn sữa non vì nặn sữa có thể gây đẻ non.
Nguy hiểm cho bà mẹ và thai nhi
Bác sĩ Nguyễn Văn Hà – Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, các bác sĩ sản khoa đều không khuyến khích chị em phụ nữ khi mang thai nặn sữa non.
Ở phụ nữ mang thai giai đoạn tạo sữa bắt đầu từ tuần 16- 20. Lúc này, trong bầu vú mẹ diễn ra quá trình hoàn chỉnh của tế bào tạo sữa và những giọt sữa non đầu tiên. Ở giai đoạn này, khoảng cách giữa các nang sữa còn chưa kín, do đó sự lưu thông qua lại giữa huyết thanh (máu) và sữa khá cao, vì vậy sữa non có thể có màu hơi đỏ của máu, màu hồng, màu vàng cam hoặc màu vàng nhạt.
Dù sữa non là tốt nhưng nặn sữa non rất nguy hiểm cho bà mẹ và thai nhi. Khi nặn sữa, đầu vú bị kích thích tăng tiết oxytocin nội sinh và có nguy cơ gây chuyển dạ sinh non, thậm chí có trường hợp còn xuất hiện cơn co tử cung dồn dập, gây xuất huyết tử cung nhất là ở những người nhau tiền đạo, bánh nhau thấp. Vì thế, các bác sĩ đều khuyên chị em không nên nặn sữa non, ngay cả quan hệ tình dục cũng hết sức nhẹ nhàng và tránh kích thích mạnh.
Các bác sĩ thường khuyên chị em nên cho bé bú nhiều sau khi sinh để bé được hưởng nhừng dòng sữa non từ mẹ mà vẫn đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Còn về mặt dinh dưỡng bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng sữa non rất tốt vì trong sữa non chứa nhiều kháng thể, chứa nhiều năng lượng tốt cho trẻ. Nhưng nếu các bà mẹ nặn ra rồi bảo quản tủ lạnh với ngày sử dụng lên đến 1- 2 tháng thì không nên vì bảo quan lâu nhất là tủ lạnh thông thường dùng chung cho cả gia đình, mở ra đóng vào nhiều lần vừa làm giá trị dinh dưỡng bị mất đi vừa nhiễm vi khuẩn. Sữa mẹ là tốt và tốt nhất là cho trẻ bú trực tiếp – bác sĩ Hưng cho biết.
Theo Ph.Thúy/Infonet
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.