Để phòng tránh virus Zika và dịch sốt xuất huyết, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, Phó GĐ Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu y dược Tuệ Tĩnh, khuyên mọi người nên có cây sả và dầu tràm trong nhà.
Dùng lá sả làm chổi đuổi muỗi
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thuần thì cây sảtên khoa học là Cymbopogon citratus (L.) Pers, họ lúa (Poaceae). Trong y học cổ truyền, sả có vị đắng, tính ấm, mùi thơm, tác dụng đánh tan mùi hôi thối, trừ tà khí, giải cảm hàn thấp, nóng sốt, trị đau bụng lạnh, nôn mửa. Ở vùng cao, cây sả được đốt thành tro làm muối chấm, thường được dùng làm gia vị, làm thuốc chữa cảm lạnh, ăn không tiêu, nấu nước tắm, gội đầu.
Cây sả có tác dụng đuổi muỗi, côn trùng và rắn rất hiệu quả
Nói về khả năng đuổi muỗi của cây sả, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần cho hay: “Trong lá sả chứa nhiều tinh dầu. Người ta thường cất lấy tinh dầu chế thành các chế phẩm để trừ côn trùng trong nhà ở, làm dung dịch phòng muỗi, dung dịch làm hết ngứa do muỗi đốt. Tinh dầu sả có thể phục vụ đắc lực cho người dân sống ở những nơi nhiều muỗi, đặc biệt khi có dịch sốt xuất huyết, virus Zika do muỗi lây truyền.
Để đuổi muỗi ra khỏi nhà, chúng ta dùng vài giọt tinh dầu sả nhỏ vào xô nước lau nhà hoặc thoa tinh dầu lên quần áo. Mùi thơm của tinh dầu sả khiến cho muỗi không dám tới gần”.
Trong trường hợp không có tinh dầu sả, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần khuyên mọi người có thể lấy sả tươi. “Dùng nước lấy từ cây sả xịt hoặc phun khắp nhà. Cách đơn giản hơn nữa là lấy lá sảlàm chổi đuổi muỗi, hoặc để cây sả vào những nơi muỗi tập trung như gầm giường, sau cánh cửa, góc nhà…”, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần cho hay.
Sả là loại cây rất dễ trồng, hương thơm của sả có tác dụng thư giãn tinh thần giúp cho mọi người có giấc ngủ sâu và ngon. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, không chỉ có tác dụng đuổi muỗi, cây sả còn chữa trị được nhiều bệnh dân dã như:
– Trị tiêu chảy: Dùng 10g rễ sả; búp ổi 8g, củ riềng già 8g sắc uống tới khi cầm tiêu chảy thì dừng.
– Trị ho do cảm cúm, cảm lạnh: Dùng củ sả và gừng tươi mỗi vị 40g, sắc và uống dần trong ngày.
– Sả còn có tác dụng lợi tiểu, giải độc, giảm đau, giảm cảm giác nôn mửa…
Dầu tràm ức chế virus
Cây tràm gió chiết xuất ra dầu tràm có tác dụng sát khuẩn, đuổi côn trùng trong đó có muỗi
Dầu tràm được chiết xuất từ cây tràm gió có tên khoa học là Melaleuca cajeputi Powell (M. minor Sm.), thuộc họ Sim – Myrtaceae. Lá của cây tràm gió dùng chiết xuất tinh dầu, hàm lượng từ 0,3-0,6% tuỳ theo sự khác nhau về chất lượng của lá được sử dụng. Tinh dầu có màu vàng lục, có thành phần chủ yếu là 1,8-cineole (46,9-57,9%) kèm theo các alcohol monoterpenic: – terpineol. (-)-linalol và (-)-terpinen-4-ol.
Dầu tràm còn có một hàm lượng cao các hydrocarbon monoterpen (27,8%), một lượng nhỏ các hydrocarbon sesquiterpen và alcohol. Tinh dầu tràm có tác dụng trị ho, cảm mạo, chống viêm, hỗ trợ tiêu hóa…
“Trong thời chiến tranh ở Việt Nam dầu tràm được cấp phát cho bộ đội để phòng trừ muỗi sốt rét và cảm lạnh. Hương thơm của dầu tràm rất dễ chịu, lại có tính sát khuẩn, ức chế virus. Đặc biệt đang trong mùa cao điểm sốt, cúm, người ta còn dùng tinh dầu tràm pha loãng để lau sàn ở các bệnh viện nhằm sát khuẩn và đuổi côn trùng, trong đó có muỗi” – PGS.TS Nguyễn Duy Thuần nói.
Cũng tương tự với tinh dầu sả để đuổi muỗi, chúng ta có thể nhỏ một vài tinh dầu tràm ở góc nhà; thoa tinh dầu tràm lên quần áo; pha loãng tinh dầu tràm để lau nhà hoặc xịt phòng…
Mùa hè là thời điểm bùng phát của dịch sốt xuất huyết, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần cũng lưu ý: “Mọi người cần phải cảnh giác cao độ với dịch bệnh liên quan tới muỗi, hạn chế đi tới vùng dịch để tránh lây nhiễm. Cần phải dọn sạch nhà cửa, kiểm tra những dụng cụ chứa nước để hạn chế ấu trùng muỗi phát triển. Ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.”
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.