Nhiều phụ huynh không biết, việc tẩm bổ quá mức vô tình tạo ra sự mất cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, dẫn tới tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi.
Gia đình có điều kiện con vẫn suy dinh dưỡng
Chị Lê Phương, ở Hà Nội, mấy tháng nay luôn đau đầu vì đi tới đâu cũng bị mọi người quở trách chăm con kiểu gì mà nhìn bé quá còi cọc. Bé nhà chị Phương 3 tuổi nhưng cân nặng chỉ 10kg, lúc mới sinh bé nặng 3,6kg. Do chị ít sữa nên chủ yếu nuôi con bằng sữa công thức, sữa mẹ chỉ đủ một phần nhu cầu ăn của con. Trong 6 tháng đầu, bé tăng cân tốt nhưng sau 6 tháng tới khi 3 tuổi thì cân nặng của bé tăng rất ít. Chị Phương đã tìm đủ mọi cách như dùng sữa xách tay, thịt bò, cá, hoa quả nhập khẩu. Con suy dinh dưỡng, còi cọc nên cứ ai bảo cái gì bổ là chị đều mua về cho con ăn.
Chuyên gia dinh dưỡng Từ Ngữ: Trẻ nhỏ cần phải ăn đủ về lượng và cân bằng về chất để phòng chống suy dinh dưỡng, thấp còi
Tình trạng trẻ con suy dinh dưỡng thấp còi ở các đô thị lớn nước ta đang có xu hướng tăng. Theo như lý giải của Chuyên gia dinh dưỡng Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam: “Vấn đề giàu nghèo không có liên quan tới việc trẻ em suy dinh dưỡng mà bản chất của vấn đề là đứa trẻ được ăn bao nhiêu và ăn như thế nào. Dù có tiền cho con uống sữa ngoại, ăn thịt ngoại, hoa quả nhập khẩu nhưng không đủ chất thì trẻ vẫn chậm tăng cân. Còn gia đình không có điều kiện nhưng họ cho đứa trẻ ăn đủ về lượng và cân đối về chất thì trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh, ít suy dinh dưỡng”.
Chúng ta dễ thấy một thực trạng chung ở những gia đình có điều kiện là trong nhà luôn có sẵn đồ ăn, kẹo ngọt. Khi trẻ nhỏ ăn đồ ngọt thường chúng sẽ không muốn ăn cơm, dẫn đến tình trạng biếng ăn. Một số gia đình thì lại quan tâm tới con quá mức, không khuyến khích con vận động, ít tắm nắng khiến cơ thể trẻ không hấp thụ được vitamin D, dẫn tới biếng ăn, thấp còi.
Trẻ thấp còi vì mẹ kết hợp sai thực phẩm
Khi con ăn được nhiều và ăn những đồ bổ dưỡng, các mẹ thường cho rằng thế là tốt. Nhưng theo ông Từ Ngữ thì đó là một quan điểm sai lầm phổ biến của các bà mẹ hiện nay.
“Bồi bổ có nghĩa là cân đối chứ không phải là quá mức. Khi mẹ cho con ăn quá nhiều thịt sẽ dẫn tới thừa protein. Cơ thể trẻ có nhiều protein sẽ làm cho canxi trong cơ thể bị hạ thấp, dẫn tới tình trạng thiếu canxi nên suy dinh dưỡng, thấp còi là điều dễ hiểu”, ông Từ Ngữ nói.
Chưa kể tới việc cho trẻ ăn bổ dưỡng quá sẽ dẫn tới mất cân đối về chất, dễ khiến cho chất này kìm hãm chất kia. Ông Từ Ngữ khẳng định: “Chất bổ ở đây là phải cân đối giữa các thực phẩm, chất dinh dưỡng, vi chất… Suy dinh dưỡng thấp còi chính là ăn không đủ về lượng và mất cân đối về chất”.
Mẹ kết hợp sai thực phẩm con dễ bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Ảnh minh họa.
Một số trường hợp mẹ còn kết hợp thực phẩm sai nguyên tắc, vô tình tạo thói quen xấu cho con. Thói quen xấu dễ bắt gặp nhất ở các bà mẹ là cho con vừa ăn cơm vừa uống nước có ga. “Bản chất nước có ga đã gây ra cảm giác no bụng, trẻ sẽ không muốn ăn cơm. Uống nước có ga trong bữa ăn còn gây cản trở hoạt động co bóp của dạ dày, ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn của trẻ. Hay việc mẹ dầm cam với sữa cũng làm mất đi chất dinh dưỡng mà không hay biết. Cam có chứa acid cao khi gặp protein trong sữa sẽ làm cho protein biến chất”, ông Từ Ngữ giải thích.
Bố mẹ thấp bé, con khó cao lớn
Trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi còn liên quan tới yếu tố bệnh tật. Thường những đứa trẻ hay ốm thì khả năng suy dinh dưỡng cũng rất cao do trẻ không ăn đủ về lượng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trẻ ăn rất nhiều và khỏe mạnh nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Ông Từ Ngữ lý giải: “Nguyên nhân thuộc về yếu tố cá thể gặp ở những đứa trẻ có hệ chuyển hóa cao. Hoặc có thể do hệ tiêu hóa của trẻ mất cân bằng nhiễm ký sinh trùng, lượng enzymes tiết ra không đủ chuyển hóa thức ăn vào cơ thể bé. Có nghĩa là chất dinh dưỡng không được hấp thụ vào máu để nuôi cơ thể nên trẻ có ăn nhiều vẫn chậm tăng cân”.
Cũng theo vị chuyên gia này, khi bố mẹ thấp bé thì con cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thấp còi cao. Yếu tố di truyền thường liên quan tới chuyển hóa cơ bản, khẩu vị, yếu tố nội tiết … Nó sẽ quy định cân nặng, chiều cao của từng người.
Cho trẻ ăn như thế nào là đúng
Để trẻ ăn ngon cao lớn mẹ nên bổ sung cho trẻ các chế phẩm từ sữa và thực phẩm giàu protein như tôm, cua, ốc, ếch,…
Để có một bữa ăn dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe của trẻ, mẹ cần lưu ý bữa ăn của con phải đúng với lứa tuổi. Trẻ càng nhỏ thì ăn càng nhiều bữa, trẻ lớn ăn ít bữa và tiến tới ăn như người lớn ngày 3 bữa. Chế biến cho trẻ phải theo nguyên tắc từ ít tới nhiều, từ lỏng tới đặc.
Cũng theo lưu ý của chuyên gia dinh dưỡng thì khi nấu ăn cần phải chú ý tới khẩu vị của đứa trẻ, luôn khuyến khích trẻ ăn những đồ ăn mới. Khi chế biến đồ ăn cho trẻ không nên dùng các sản phẩm chế biến sẵn như: giăm bông, thịt đóng hộp, xúc xích… Chế biến xong cần cho trẻ ăn luôn đểđảm bảo an toàn vệ sinh.
Để trẻ ăn tốt, cao lớn, mẹ nên bổ sung cho trẻ các chế phẩm từ sữa và những thực phẩm giàu protein như tôm, cua, ốc, ếch,… Bổ sung thêm kẽm cho trẻ từ các món thịt bò, thịt cừu, hạt bí ngô, hạt vừng… kích thích trẻ ăn ngon. Cho trẻ ăn thêm các loại rau, củ, quả và dùng các loại vitamin bổ sung tan được trong dầu và nước.
Ngoài ăn uống đủ lượng và chất ra, cha mẹ cần phải cho trẻ tắm nắng hàng ngày và vận động về thể chất để trẻ phát triển toàn diện.
Ngọc Minh
Mọi ý kiến đóng góp, bài vở, hình ảnh, clip đồng hành cùng Chiến dịch “Chống thực phẩm bẩn” xin quý vị vui lòng gửi về địa chỉ:
Tòa soạn Emdep.vn
Địa chỉ: Tầng 3- Tòa nhà Đại Phát – Ngõ 82 Duy Tân – Hà Nội
Điện thoại: 0437959783
Email: toasoan@emdep.vn,banbientap@i-com.vn
Hotline:0914926900
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.