Uy linh tiên, tên khác là mộc thông, dây ruột gà, cây mọc ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có nhiều ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà giang, Lai Châu.
Uy linh tiên, tên khác là mộc thông, dây ruột gà, cây mọc ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có nhiều ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà giang, Lai Châu. Thường gặp ở ven rừng, bờ nương rẫy, nhất là ở vùng núi đá vôi. Bộ phận dùng làm thuốc của uy linh tiên là rễ.
Rễ uy linh tiên được thu hái vào mùa thu, rửa sạch, thái nhỏ thành phiến với độ dày 1-2mm phơi hoặc sấy khô. Dược liệu có mặt ngoài màu nâu đen, có những vân nhỏ, chất chắc giòn, thịt trắng, vị hơi đắng, mùi thơm nhẹ. Theo Đông y uy linh tiên có tác dụng khu phong, hành khí, thông kinh lạc, chữa các chứng đau nhức tê bại, viêm khớp dạng thấp, đau dây thần kinh thường được dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa đau dây thần kinh cổ, cánh tay: uy linh tiên, hoàng kỳ, đương quy, bạch thược, sinh khương, mỗi vị 12g, cát căn, độc hoạt, mộc qua, mỗi vị 16g, đại táo 10g, quế chi 8g, cam thảo 6g. Sắc uống làm hai lần trong ngày.
Chữa đau dây thần kinh hông: uy linh tiên, độc hoạt, đan sâm, tang ký sinh, ngưu tất, xuyên khung, mỗi vị 12g, phòng phong, quế chi, tế tân, chỉ xác, trần bì, mỗi vị 8g. Sắc uống.
Chữa đau các khớp ở tứ chi: uy linh tiên 12g, ngũ gia bì hương, độc hoạt, tang chi, kê huyết đằng, mỗi vị 10g. Sắc uống.
Chữa tê thấp: uy linh tiên 12g, quế chi, phụ tử chế, độc hoạt, mỗi vị 8g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
Chữa thấp khớp mạn tính, sưng đau, sốt nhẹ, rêu lưỡi vàng, táo bón: uy linh tiên, cốt toái bổ, kê huyết đằng, thạch cao, đan sâm, sinh địa, rau má, độc hoạt, hy thiêm, khương hoạt, thiên hoa phấn, thổ phục linh, mỗi vị 12g, bạch chỉ 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
DS. Thủy Mai
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Chưa có bình luận.