Thứ Hai, 09/11/2015 | 23:31

Phụ nữ có thai, vào tháng thứ 7-8 vẫn ăn uống, ngủ và đi lại bình thường, nhưng bí tiểu tiện nếu bị nặng thì bụng dưới trướng căng,

Chữa chứng bí tiểu ở phụ nữ mang thai

Bạch truật.

Phụ nữ có thai, vào tháng thứ 7-8 vẫn ăn uống, ngủ và đi lại bình thường, nhưng bí tiểu tiện nếu bị nặng thì bụng dưới trướng căng, trong lòng bực bội, không nằm được, y học cổ truyền gọi bệnh “Bào chuyển”.

Nguyên nhân là do cổ bàng quang (niệu đạo) bị chèn ép làm bí tiểu tiện. Bệnh này có hư, có thực với các chứng trạng khác nhau tùy thể bệnh mà dùng bài thuốc thích hợp.

Chứng hư: có 2 thể

Thể khí hư: Do thể chất yếu đuối, khí trung tiêu suy kém không nâng được thai lên, để nén xuống bàng quang gây bí đái hoặc do phế khí hư yếu không thấm xuống bàng quang được làm cho thuỷ đạo không thông lợi gây bí đái. Biểu hiện là đi đái từng giọt, không thông hoặc đái luôn nhưng ít, bụng trướng, căng đau, đoản khí, hồi hộp… Trong trường hợp này cần uống thuốc để bổ khí, thăng đề.

Bài thuốc: Đương quy 8g, bạch thược 8g, nhân sâm 4g, bạch truật 12g, trần bì 6g, thăng ma 4g, thục địa 8g, xuyên khung 4g. Sắc uống ngày một thang.

Thể thận hư: Thận khí bất túc (không đầy đủ) không đủ để làm ấm dương khí của bàng quang dẫn tới công năng khí hoá bị ảnh hưởng gây bí tiểu tiện. Biểu hiện là tiểu tiện không thông, bụng dưới đầy trướng, căng đau, nằm không được, chân phù, người mệt mỏi, đại tiện lỏng…

Trong trường hợp này phải uống thuốc để ôn thận (làm ấm thận) hoà khí và thông thủy.

Bài thuốc: Sinh địa 12g, hoài sơn 12g, sơn thù 12g, trạch tả 8g, phục linh 8g, đan bì 8g, đan bì 8g, quế chi 4g, phụ tử 4g.

Chứng thực: có 2 thể.

Thể thấp nhiệt: Do lo lắng, uất giận hoặc do ăn nhiều đồ ăn béo ngọt, uất lâu hoá nhiệt làm thấp nhiệt dồn xuống bàng quang, nhiệt uất, khí kết làm cho thuỷ (nước) không thông lợi. Biểu hiện là bí đái, tiểu tiện vàng, són, bụng dưới căng trướng, đau, ngồi đứng không yên, sắc mặt đỏ, tâm phiền, đại tiện không thông khoái… Trong trường hợp này phải thanh nhiệt, trừ thấp.

Bài thuốc: Hoàng liên 12g, hoàng bá 12g, hoàng cầm 12g, hoạt thạch 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Thể khí trệ: Do ăn quá no hoặc nín đái lâu làm cho khí uất trệ lại gây bí tiểu tiện. Biểu hiện là bỗng nhiên bí đái, hoặc đái không thông, bụng dưới căng trướng, đau, trong lòng bứt rứt, không nằm được, vẫn ăn uống được bình thường. Trong trường hợp này phải điều khí, hành trệ.

Bài thuốc: Trần bì 4g, phục linh 4g, bán hạ 4g, cát cánh 4g, đại phúc bì 4g, tô ngạnh 4g, chỉ xác 4g, bạch truật 4g, chi tử 4g, cam thảo 5g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 2 lần trong ngày.

Cần lưu ý: Giữ tinh thần thư thái, thoải mái, ăn uống điều độ, đủ chất không quá no, quá đói. Hằng ngày đi lại, vận động nhẹ nhàng. Buổi tối không uống nhiều nước.

Lương y Hoài Vũ

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook