Một điều tra xã hội học cho thấy 74% nhân viên văn phòng bị đau, khô họng, 73% nhức đầu, 80,9% đau lưng, 90,5% đau cổ, gáy, 46% đau mắt, 35% chảy nước mắt…
Các nhóm bệnh về cơ xương khớp
Những người làm văn phòng thường không được hấp thu vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Chế độ ăn uống không điều độ dẫn tới việc thiếu canxi làm ảnh hưởng tới quá trình hoạt động của cơ-xương-khớp. Việc ít vận động hoặc vận động quá mức đều khiến khớp bị thoái hóa, “bệnh văn phòng” chủ yếu đau vai gáy, loãng xương, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, đau thắt lưng, hội chứng ống cổ tay. ….
Theo các bác sĩ, số người đến khám về cơ xương khớp ngày càng đông trong đó những người trong độ tuổi từ 35-45 chiếm số lượng tương đối và chủ yếu là đối tượng làm việc văn phòng. Bệnh lý cơ xương khớp có những triệu chứng diễn ra âm thầm hoặc chỉ là những cơn đau, mỏi ngắn nên mọi người thường có tâm lý chủ quan và bỏ qua, đặc biệt là đối tượng trẻ. Nhưng chính sự chủ quan này đã khiến không ít trường hợp bị tàn phế hoặc để lại di chứng nặng nề cũng như việc điều trị trở nên khó khăn.
Ảnh minh họa |
Dân văn phòng có nguy cơ mắc bệnh tiêu hoá cao
Do đặc thù công việc ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt thường xuyên: thức khuya, uống không đủ nước, bỏ bữa ăn sáng, ăn uống quá nhanh, ăn nhiều vào bữa tối, tiệc tùng với rượu bia, các món ăn nhiều gia vị… nên đối tượng văn phòng có nhiều nguy cơ mắc các chứng tiêu hoá. Chính thói quen sinh hoạt, ăn uống bị đảo lộn dẫn đến hiện tượng axit trong lớp bảo vệ dạ dày bị trào ngược vào thực quản, gây kích ứng niêm mạc thực quản.
Đặc biệt là bệnh trĩ nội. Điều này là do thời gian dài ngồi lâu, đặc biệt là ngồi trên ghế mềm, tốc độ lưu thông máu ở phổi giảm chậm, tuần hoàn máu bị trở ngại, vì vậy làm cho tĩnh mạch trực trường nở to, tụ máu, đệm mông và các mô thoái hóa, mất đi hiệu quả cột trụ và cố định, gây táo bón.
Nhóm bệnh đường hô hấp
Cảm cúm, viêm hô hấp trên, dưới hay “tìm đến” dân công sở, nguyên nhân thường do sự phân phối mật độ nhân viên trong phòng làm việc chưa hợp lý (quá đông), không khí trong phòng bị ô nhiễm, chênh lệch nhiệt độ giữa phòng máy lạnh và bên ngoài quá lớn… Nhóm bệnh này thường diễn ra cấp tính, gây nhiều khó chịu, cần được điều trị sớm để cơ thể phục hồi và giảm khả năng lây lan trong môi trường làm việc.
Nhóm bệnh mạn tính không lây liên quan đến lối sống
Thừa cân- béo phì, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đột quỵ… là những bệnh rất “yêu” dân văn phòng. Nguyên nhân chính là lối sống tĩnh tại (ngồi tại chỗ, ít vận động, đi lại), chế độ dinh dưỡng không hợp lý (chế độ ăn không đa dạng, hoặc dư năng lượng, nhiều béo ít rau, bỏ bữa ăn bù…).
Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 2.2013 trên 63.048 đàn ông trung niên tại Úc chỉ ra rằng, những người ngồi trên 6 tiếng một ngày có nguy cơ mắc các chứng bệnh kinh niên như huyết áp, tim mạch, tiểu đường và ung thư cao hơn rất nhiều so với những người ngồi ít. Đối với dân văn phòng, việc ngồi nhiều chính là một trong những thủ phạm gây các bệnh tim mạch.
Nhóm bệnh này diễn tiến âm thầm nên khi phát hiện thường có biến chứng đi kèm. Hậu quả của nhóm bệnh lý này khá nặng nề: suy tim, thận, mù loà, tàn phế thậm chí tử vong!
Các nhà nhiên cứu cũng đã phân tích mối liên hệ giữa việc ngồi lâu đến sức khỏe trí tuệ, và theo những dữ liệu khảo sát trên 3.500 người tham gia, thời gian ngồi ngoài giờ làm việc (xem ti vi, lái xe và dùng máy tính) tương quan tỷ lệ nghịch với sức khỏe trí tuệ ở phụ nữ. Liên hệ này ít hơn đối với nam giới, lý do, chỉ thời gian ngồi trước máy tính mới ảnh hưởng đến sức khỏe trí tuệ của nam giới.
Bệnh về mắt
Mỏi mắt và khô mắt là 2 triệu chứng dễ nhận thấy nhất khi phải làm việc nhiều với màn hình máy tính. Nếu làm việc nhiều giờ với máy tính mà không cho mắt thư giãn sẽ khiến bạn bị đau đầu, có cảm giác nôn nao rất khó chịu.
Đặc biệt bạn phải thường phải mở to mắt hơn bình thường khi nhìn vào màn hình máy tính, do vậy, để tránh khô mắt bạn nên chớp mắt thường xuyên sẽ giúpmắt không bị mỏi và khô.
Bên cạnh đó, bạn nên chọn một chỗ ngồi gần cửa sổ có không khí và ánh sáng tự nhiên sẽ có lợi cho sức khỏe của bạn. Các nhà nghiên cứu khuyên, cứ mỗi giờ làm việc bạn nên nhắm mắt và nghỉ ngơi 3 phút để phục hồi thị lực.
Bệnh hệ tiết niệu
Nhân viên văn phòng ngồi nhiều nước tiểu lắng đọng do ít vận động. Vì thế, viêm nhiêm đường tiết niệu sinh dục hoặc sỏi đường tiết niệu ở nhân viên văn phòng là bệnh hay gặp. Trong khi đó, viêm nhiễm là tiền đề của việc sinh sỏi.
Vì thế để phòng bệnh, cần thường xuyên vệ sinh đường tiết niệu sinh dục, uống nhiều nước, chọn môn thể dục thích hợp để luyện tập thường xuyên. Khi có viêm nhiễm hoặc có sỏi thì phải đến bác sĩ chuyên khoa để chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Bình Nguyên
Chưa có bình luận.