Rối loạn nhịp tim là một vấn đề thường gặp trong cấp cứu các bệnh lý về tim mạch.
Dấu hiệu nhận biết
Có rất nhiều dạng rối loạn nhịp tim. Có những rối loạn nhịp tim chỉ gây triệu chứng nhẹ, không nguy hiểm nhưng cũng có những dạng rối loạn nhịp tim có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh
Theo BS CKI Bùi Thế Dũng – Phó trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, rối loạn nhịp tim là một trong những loại bệnh thường gặp trong dân số. Tỷ lệ các loại rối loạn nhịp như sau: rung nhĩ (1 – 2%), nhịp nhanh trên thất (1 – 2/1000)…. Tim bình thường có tần số từ 60 – 100 lần/phút, nếu vượt ngoài tần số trên được xem là rối loạn nhịp tim. Rối loạn nhịp tim bao gồm hai loại là rối loạn nhịp tim nhanh (tần số tim lớn hơn 100 lần/phút) và rối loạn nhịp tim chậm (tần số nhỏ hơn 60 lần/phút).
Rối loạn nhịp tim nếu không điều trị sẽ rất nguy hiểm. Ảnh: Shutterstock
Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra trên hai đối tượng, người có bệnh lý về tim mạch thật sự và người có trái tim bình thường. Những người có bệnh lý về tim như nhồi máu cơ tim, bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ người lớn tuổi, hoặc người có các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, phổi, tăng huyết áp, hẹp van tim… sẽ dễ bị rối loạn nhịp tim hơn.
Tuy nhiên cũng có một tỉ lệ không nhỏ rối loạn nhịp thất nguy hiểm xảy ra trên một trái tim chưa thấy có biểu hiện bệnh nền tảng nào. Và nếu không tìm được nguyên nhân để điều trị triệt để thì có nhiều khả năng rối loạn nhịp thất sẽ tái phát và có thể gây tử vong.
Ngoài ra, còn có một số loại rối loạn nhịp ít ảnh hưởng đến sức khỏe như: ngoại tâm thu, tim đập nhanh/chậm do các yếu tố tâm lý…
Phòng ngừa thế nào?
Không phải tất cả các rối loạn nhịp tim đều nguy hiểm nhưng để xác định chắc chắn được nguyên nhân và cách điều trị phù hợp, người bệnh nên đến các trung tâm lớn chuyên về tim mạch, có đủ kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại để được chẩn đoán sớm, phòng ngừa trước những nguy cơ và giải quyết tận gốc căn nguyên của bệnh.
Rối loạn nhịp tim thường liên quan đến ổ phát nhịp bất thường hoặc thoái hóa hệ thống dẫn truyền nhịp trong tim. Để phòng ngừa, theo BS Thế Dũng, trước hết cần loại trừ những yếu tố khởi phát cơn nhịp tim nhanh như tránh các chất kích thích trà, cà phê, thuốc lá, giảm stress,… Song song đó, cần phải điều trị những bệnh lý có sẵn của tim như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim… Khi nghi ngờ các triệu chứng liên quan đến rối loạn nhịp tim phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có hướng điều trị phù hợp, vì việc sử dụng thuốc chống loạn nhịp cũng có thể gây ra những rối loạn nhịp khác và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Thụy Khuê (TNO)
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.