Sau 10 tháng phát hiện ung thư vú, bệnh nhân nhập viện trong tình
trạng nguy kịch, bị các cơn đau hành hạ, vì đã bỏ qua tất cả cơ hội điều
trị vàng, về nhà tự chữa theo cách của mình.
Nước lã và gạo lứt = di căn khắp nơi
Khoa
Cấp cứu Hồi sức, Bệnh viện K3 đang cấp cứu cho một bệnh nhân bị ung thư
vú nhưng đã di căn toàn thân do bệnh nhân đã từ bỏ các biện pháp khác
mà về nhà điều trị bằng ngồi thiền, nhịn ăn.
Bệnh nhân N. sinh năm
1979, quê ở Hà Tĩnh, nhập viện trong tình trạng ung thư vú giai đoạn
cuối, khối u to, di căn xương, phổi, gan nên bệnh nhân rất đau đớn.
N.
là giáo viên ở địa phương. 10 tháng trước bệnh nhân đã phát hiện ung
thư vú. Lúc ấy khối u rất nhỏ. Các bác sĩ khuyên mổ nhưng bệnh nhân
không mổ mà về nhà điều trị theo cách khác.
Suốt thời gian đó, chị N. chỉ ngồi thiền, uống nước lã và ăn gạo lứt. Chị hi vọng với cách đó có thể đẩy lùi được bệnh ung thư.
Tuy
nhiên, trong 10 tháng ở nhà tự điều trị, bệnh nhanh chóng di căn và chị
N. thì suy kiệt vì không ăn uống gì. 2 tháng trước, chị đã đau đớn và
suy kiệt nhiều nhưng gia đình và bản thân người bệnh vẫn tin vào cách
chữa này nên không đến viện.
Vào bệnh viện K với “thân tàn, ma dại”, da xanh, chân phù, chị N, chỉ biết nằm nghiến răng chịu đựng những cơn đau hành hạ.
Các
bác sĩ điều trị trong khoa biết hoàn cảnh của chị nhưng cũng không thể
giúp được gì cho bệnh nhân ngoài tiêm giảm đau vì bệnh đã ở giai đoạn
quá muộn, khối u đã to không thể mổ được, bệnh lại di căn xa.
Trường
hợp của bệnh nhân N. ai cũng tiếc bởi bệnh của chị là ung thư vú, khi
phát hiện chỉ là khối u nhỏ, nếu phẫu thuật có thể chữa được bệnh vì đến
nay bệnh ung thư vú vẫn là bệnh có tiên lượng tốt nhất, bệnh nhân có
thể sống tới 90 tuổi sau khi điều trị.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh
Nghĩa, Khoa Hồi sức của Bệnh viện K cơ sở 3 xót xa cho biết, trường hợp
của bệnh nhân N. thực sự là điều đáng tiếc khi tự mình tước đi cơ hội
sống.
Hay bệnh nhân Nguyễn Thị V. 42 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội phát hiện ung thư vú và lúc ấy chị rất sợ động dao kéo.
Có
lúc bác sĩ Nghĩa phải đến tận nhà tư vấn vì thực sự mong muốn bệnh nhân
vào viện điều trị phẫu thuật. Nhưng bệnh nhân vẫn không chọn phẫu
thuật.
Đến khi bệnh nhân vào viện với thân tàn, lực kiệt và cầu
cứu bác sĩ với tâm nguyện “bây giờ bác sĩ nói gì tôi cũng nghe theo”,
tuy nhiên điều này đã quá muộn màng bởi vì lúc này bác sĩ chỉ còn biết
động viên bệnh nhân vì bệnh quá nặng, vượt quá sự phát triển và can
thiệp của y học.
Đây thực sự là điều đáng tiếc cho bệnh nhân.
Khi nào nên dùng thuốc nam?
Thạc
sĩ Nghĩa cho biết anh thường xuyên gặp những bệnh nhân bị suy đa phủ
tạng vì uống thuốc nam trong quá trình điều trị ung thư.
Ở nơi
“đầu sóng ngọn gió” tiếp nhận các bệnh nhân nặng, thạc sĩ Nghĩa rất hay
gặp các bệnh nhân tìm đến các bài thuốc này, bài thuốc kia. BS Nghĩa
khẳng định, đó cũng là do hệ thống y tế chưa tốt.
Bệnh nhân chưa được tư vấn tâm lý tốt khi chẩn đoán ung thư. Hầu như khi phát hiện ung thư ai cũng rất hoang mang.
Nếu được
bác sĩ chuyên ngành ung bướu tư vấn kỹ, giúp họ tin tưởng vào y học
hiện đại sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhưng đa số ngành y tế chúng ta còn thiếu
điều này.
Có những bệnh nhân đi chụp Xquang bác sĩ bảo có khối u
nghi ung thư, nhưng khi về phòng khám ban đầu bác sĩ khám lại không tư
vấn được và yêu cầu họ về theo dõi thêm.
Trong thời gian theo dõi thêm này, có biết bao bệnh nhân tìm đến các bài thuốc khác để chạy chữa cho mình.
Thạc sĩ Nghĩa ưu phiền “trách bệnh nhân một, trách bác sĩ và truyền thông 10 phần”.
Thạc
sĩ Nghĩa cho biết việc uống thuốc nam cũng được nhưng chỉ dành cho
những bệnh nhân đã ở giai đoạn quá muộn, y học hiện đại không giúp được
gì cho họ thì họ có thể uống thuốc nam, thuốc bắc như một cách động viên
tinh thần.
Còn trường hợp của đại đa số bệnh nhân, y học còn can
thiệp được thì không nên điều trị thêm thuốc lá, thuốc nam nào cả mà chỉ
cần có họ niềm tin vào bác sĩ thì bệnh sẽ tốt hơn.
Theo Infonet
Nguồn: TTOnline
Chưa có bình luận.