Kim tiền thảo là thảo dược thiên nhiên quý bởi có công dụng rất tốt chữa nhiều bệnh đặc biệt các bệnh đường tiết niệu.
Kim tiền thảo có rất nhiều tên gọi khác nhau như: mắt trâu, vảy rồng, mắt rồng, đồng tiền lông. Kim tiền thảo thuộc dòng mọc bò, thường mọc hoang trên vùng đồi trung du, vùng núi, có sức sống bền bỉ, và được trồng bằng hạt để làm thuốc.
Các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, kim tiền thảo có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, kháng sinh, kháng viêm, hạ huyết áp. Công dụng chủ yếu lợi mật, thông tiểu tiện, thường dùng chữa sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang, phù thũng, viêm đường tiết niệu, khó tiêu. Trong Đông y và y học cổ truyền, kim tiền thảo có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để chữa bệnh bởi giá trị dược liệu cao.
Nhận biết cây kim tiền thảo rất dễ, cây cao từ 30-50 cm, có màu xanh lục. Lá cây mọc so le, gồm 3 lá chét hình tròn, có lông, cuống ngắn. Quả loại đậu, dài 14-16 mm, chứa 4-5 hạt. Hoa cây kim tiền thảo hình chùm, hình bướm, thường nở vào tháng 6 – 9, màu tím mười giờ trông bắt mắt. Cây có tuổi thọ khoảng 2-3 năm và được thay thế không ngừng.
Ở Việt Nam, kim tiền thảo thường gặp ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du phía Bắc, từ Nghệ An trở ra. Các tỉnh thuận lợi cho kim tiền thảo phát triển là Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Tây, Hoà Bình.
Kim tiền thảo trị bệnh đường tiết niệu
Những bài thuốc dùng từ kim tiền thảo
– Chữa sỏi đường tiết niệu: Đây là một bệnh thường gặp trong cộng đồng, bệnh có thể là cấp tính, hay mãn tính. Sỏi đường tiết niệu có một hay nhiều triệu chứng như: đau, tức, nặng vùng thắt lưng, cơn đau quặn thận, đái ra máu, đái buốt, đái rắt và nếu để lâu có các biểu hiện ứ nước, ứ mủ ở thận. Để chữa được bệnh này, có thể dùng kim tiền thảo 60g, nấu với 500ml nước, sắc còn 150ml, chia 2-3 uống trong ngày. Hoặc dùng kim tiền thảo 30g kết hợp với các loại cây khác như: cây râu mèo 20g, rễ cỏ tranh 12g, mã đề 10g, nấu với 750ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Liệu trình uống 30 ngày. Trong trường hợp sau phẫu thuật, có thể dùng kim tiền thảo sắc uống để phòng ngừa sỏi niệu tái phát.
– Nhiễm trùng đường tiết niệu: Kim tiền thảo 30g, mã đề 16g, kim ngân hoa 16g, bồ công anh 16g, thổ phụ linh 16g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống lúc đói bụng.
– Chữa viêm thận, phù, viêm gan, viêm túi mật: Kim tiền thảo 40g; mộc thông, ngưu tất, mỗi vị 20g; dành dành, chút chít, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa sỏi niệu gây sung huyết, chảy máu: Kim tiền thảo 40g, mã đề 20g, ý dĩ 16g, ngưu tất 12g; đào nhân, uất kim, chỉ xác, đại phúc bì, kê nội kim, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa sỏi niệu kèm theo bội nhiễm đường tiết niệu: Kim tiền thảo 40g; mã đề, tỳ giải, mỗi vị 20g; trạch tả, uất kim, ngưu tất, mỗi vị 12g, kê nội kim 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa sỏi đường tiết niệu không có cơn đau, không đái buốt, đái dắt, đái ra máu: Kim tiền thảo 20g; đảng sâm, mã đề, mỗi vị 16g; trạch tả, ý dĩ, mỗi vị 12g; bạch truật, phục linh, ba kích, kê nội kim, thỏ ty tử, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Tăng cường sự phân tiết dịch mật: liều lượng từ 15 – 30g, sắc uống hàng ngày sẽ có tác dụng điều tiết nồng độ cholesterol và nồng độ lecithin, acid, tránh xảy ra hiện tượng chênh lệch nồng độ giữa các thành phần kể trên, từ đó tránh được hiện tượng kết tụ sỏi trong túi mật.
– Tác dụng lợi tiểu: Kết hợp kim tiền thảo với một vài dược thảo có công năng lợi tiểu nhẹ, như râu mèo, râu bắp, atiso… để tăng tiến độ đào thải acid uric qua đường tiểu. Có thể sắc uống như uống nước hàng ngày.
-Tăng lưu lượng mạch vành, hạ huyết áp, làm tim đập chậm, đồng thời làm giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim. Thành phần flavonoid của kim tiền thảo cũng có tác dụng hạ huyết áp.
– Chữa bệnh trĩ: Mỗi ngày dùng toàn cây kim tiền thảo tươi 100g (nếu khô 50g) sắc uống. Uống từ 1 – 3 thang hết sưng đau, giúp co búi trí và giảm ra máu, có kết quả tốt.
Lazy
(Theo Congluan)
Trích nguồn từ emdep.vn
Chưa có bình luận.