Thứ Ba, 13/10/2015 | 12:16

Cây đinh lăng dùng trong ẩm thực và còn có rất nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe. Thậm chí, có nghiên cứu phát hiện rễ cây có chứa thành phần gần giống nhân sâm.

Cây đinh lăng, còn được gọi với tên là “cây gỏi cá”, vì hay được dùng như một loại rau ghém ăn chung với cá. Cây có tên khoa học là Polycias fructicosa, thuộc họ nhân sâm.

Có nguồn gốc từ các quần đảo Thái Bình Dương nhưng ngày nay, đinh lăng được trồng khắp nơi, chủ yếu để làm cảnh vì dáng cây rất đẹp.

Cây có nhiều loại khác nhau ở hình dạng và kích thước của lá, có đinh lăng lá tròn, lá xẻ thùy lông chim, lá kép. Cây thường cao khoảng 1-2m. Thân nhẵn và ít phân nhánh. Lá kép mọc so le, có bẹ, mép có răng cưa không đều, chóp nhọn. Cụm hoa là một khối hình chùy ngắn, gồm nhiều tán đơn hợp lại. Mỗi tán mang nhiều hoa nhỏ có cuống ngắn.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, trong rễ đinh lăng có chứa nhiều saponin có tác dụng như nhân sâm, nhiều chất B1. Ngoài ra, rễ còn chứa khoảng 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, nhờ đó đinh lăng còn giúp tăng trí nhớ, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Người ta dùng cả thân, lá và rễ để chữa rất nhiều bệnh.

Bột rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng: thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, dẻo dai, tăng cường sức chịu đựng. Rễ đinh lăng có chứa 20 acid amin, vitamin nhóm B, các nguyên tố vi lượng, trong đó có một số acid amin mà cơ thể người không thể tổng hợp được. Kết quả nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy, nước sắc hoặc bột rễ đinh lăng lá nhỏ có tác dụng bồi bổ, tăng lực, khôi phục sức khỏe khi cơ thể bị suy nhược, giúp ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân, làm nhịp tim sớm trở lại bình thường sau khi gắng sức.

Những công dụng khác từ cây đinh lăng

– Chữa vết thương: Khi cơ thể có vết thương ngoài da, dùng lá đinh lăng giã nát đắp lên nơi bị thương.

– Phòng co giật ở trẻ: lấy lá non và lá già đinh lăng phơi khô đem lót vào gối hoặc trải giường cho trẻ nằm. Đây là cách chữa bệnh dân gian rất hiệu quả.

– Chữa đau lưng mỏi gối, chữa tê thấp: Dùng thân cành đinh lăng 20 – 30g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể phối hợp cả rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây.

-Thông tia sữa tắc, căng vú: Đây là bài thuốc chữa bệnh dân gian. Phụ nữ đang nuôi con đôi khi tự nhiên mất sữa có thể lấy rễ đinh lăng 40g, gừng tươi 3 lát, đổ 500ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng. uống liền 2 – 3 ngày.

Cây đinh lăng có công dụng như nhân sâm?

Cây đinh lăng rất dễ tìm trong cuộc sống hàng ngày. (Ảnh minh họa).

– Chữa chứng sốt lâu ngày kèm theo ho, nhức đầu, tiểu tiện vàng, khát nước:dùng rễ, cành, lá đinh lăng tươi 30g, lá hoặc vỏ chanh, vỏ quýt 10g, lá tre tươi 20g, rễ lá cành sài hồ 20g, cam thảo dây hoặc cam thảo đất 30g, chua me đất hoặc rau má tươi 30g, sắc với 750ml nước, cô còn 250ml, chia uống 2-3 lần trong ngày.

– Bồi bổ và thanh lọc cơ thể: Lá Đinh lăng tươi từ 150-200gr, nấu sôi với khoảng 1000ml nước. Sau khi sôi khoảng 5-7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên, có thể đổ tiếp thêm khoảng 200ml nước vào để nấu sôi lấy nước thứ hai. Uống trong ngày thay nước. Cách dùng này thuận tiện vì lá tươi thu hái quanh năm, còn rễ thì sau nhiều năm mới thu hoạch được, nên có thể dùng lá thay rễ cũng đảm bảo được tác dụng tốt cho cơ thể.

– Chữa liệt dương: Dùng rễ đinh lăng kết hợp với hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8g; sa nhân 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

– Chữa viêm gan: Rễ đinh lăng 12g; nhân trần 20g; ý dĩ 16g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì, mỗi vị 12g; uất kim, nghệ, ngưu tất, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

– Chữa thiếu máu: Rễ đinh lăng, hà thủ ô, thục địa, hoàng tinh, mỗi vị 100g, tam thất 20g, tán bột, sắc uống ngày 100g bột hỗn hợp.

-Chữa dị ứng, ban sởi, ho, kiết lỵ: Lá đinh lăng khô 10gr sắc chung với 200ml nước, uống trong ngày.

– Chữa ho suyễn lâu năm: Lấy rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, tang bạch bì, nghệ vàng, tần dày lá tất cả đều 8gr, xương bồ 6gr, gừng khô 4gr, đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.

Tuy nhiên, do thành phần Saponin có nhiều trong rễ cây đinh lăng, chất này có tính phá huyết sẽ làm vỡ hồng cầu vì vậy chỉ dùng khi cần thiết và phải dùng đúng liều đúng cách. Càng không được dùng rễ đinh lăng với liều cao, sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy.

Lazy

(Theo Congluan)

Trích nguồn từ emdep.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook