Cấp cứu tim mạch là một lĩnh vực rất quan trọng, đòi hỏi người thầy thuốc phải luôn cập nhật kiến thức mới, những kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị thì mới có thể xử lý khẩn trương và chính xác nhiều tình huống nguy kịch.
Cấp cứu tim mạch là một lĩnh vực rất quan trọng, đòi hỏi người thầy thuốc phải luôn cập nhật kiến thức mới, những kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị thì mới có thể xử lý khẩn trương và chính xác nhiều tình huống nguy kịch. Tuy nhiên đó mới chỉ là điều kiện cần. Nhận thức của cộng đồng, của chính bản thân người bệnh để làm sao đến bệnh viện (BV) kịp thời là điều kiện đủ để người thầy thuốc tạo thêm cơ hội sống cho người bệnh. Phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam về những tiến bộ mới trong tim mạch và các giải pháp đồng bộ để kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân (BN) tim mạch.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng (thứ năm từ phải sang) cùng ê kíp ca can thiệp thay van động mạch chủ qua da đầu tiên tại Việt Nam năm 2012. Ảnh: CTV
PV: Hội nghị khoa học tim mạch toàn quốc vừa qua bàn về một chủ đề rất được giới chuyên môn quan tâm, đó là “Tiếp cận mới trong cấp cứu tim mạch”. Những thành tựu mới đó là gì và khả năng ứng dụng tại Việt Nam, thưa PGS?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Bệnh tim mạch phần lớn là bệnh có tính chất cấp cứu hoặc có những đợt cấp, hoặc chính rối loạn tim mạch là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cần cấp cứu của những bệnh lý khác. Các bệnh lý tim mạch có tỷ lệ tử vong sẽ rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời như nhồi máu cơ tim cấp, thuyên tắc động mạch phổi cấp, tách thành động mạch chủ, suy tim cấp, phù phổi cấp, động mạch ngoại biên tắc cấp, cấp cứu tim mạch ở phụ nữ có thai…
Chúng ta đã có những tiến bộ về kỹ thuật hồi sinh tim phổi, các máy hỗ trợ tim phổi nhân tạo để có thể áp dụng thật sớm khi BN không may bị ngừng tuần hoàn. Các kỹ thuật trong chẩn đoán hình ảnh, siêu âm cấp cứu tại giường, siêu âm thực quản, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp để định dạng nhanh hay loại trừ có hay không các bệnh lý tim mạch trong vòng 1 giờ đồng hồ… Các thuốc chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu, giảm mỡ máu và các thuốc hỗ trợ cho tim đã giúp cứu sống BN trong giai đoạn cấp rất cao và ít để lại biến chứng. Đặc biệt các kỹ thuật cao trong hồi sức tim mạch (như chống sốc tim, hỗ trợ tuần hoàn…) hoặc trong can thiệp tim mạch như can thiệp cấp cứu các bệnh lý động mạch vành, bệnh van tim, đặt stent graft khi động mạch chủ tách ra dọa vỡ… Với những trường hợp bệnh nặng, phức tạp không thể can thiệp được thì phẫu thuật tim mở với rất nhiều tiến bộ hiện nay là giải pháp không thể thay thế để cứu sống BN.
PV: PGS đánh giá lĩnh vực tim mạch can thiệp của Việt Nam có những kỹ thuật gì ngang tầm thế giới?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Chúng ta có những gì và chưa làm được gì, điều đó phải đánh giá trên tổng thể các giải pháp mang lại cho người bệnh chứ không phải ở một vài kỹ thuật cao. Kỹ thuật cao rất quan trọng, nhưng chỉ là một công đoạn của vấn đề. Đơn cử như vấn đề với bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, giải pháp tổng thể thông qua bài học của các nước đã phát triển là làm sao phòng bệnh, nếu xảy ra bệnh thì cần được cấp cứu tái thông động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt để cứu sống BN và tránh cho BN những hậu quả về sau. Vấn đề nan giải mà chúng ta phải đối mặt là thời gian BN bị đau ngực cho tới khi được cấp cứu ở ta kéo dài từ 6-12 tiếng, có trường hợp kéo dài hàng ngày, như vậy lợi ích điều trị của người bệnh bị giảm đi rất nhiều. Ở các nước phát triển họ đã đạt đến trình độ từ lúc có biểu hiện đau ngực đến khi nong được mạch vành là dưới 2 tiếng đồng hồ, mang lại tỷ lệ sống rất cao vì cơ tim lúc đó còn tốt. Để thực hiện được “khung giờ vàng” đó trong điều kiện ở Việt Nam là rất khó, vì vậy trong vòng 6 giờ đầu nếu được can thiệp kịp thời cũng mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên chỉ có khoảng 40% BN được đưa đến BV kịp thời, 60% còn lại là muộn nên nhiều trường hợp không cứu được hoặc có sống cũng dễ bị biến chứng suy tim, rối loạn nhịp và chất lượng cuộc sống giảm sút. Như vậy, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là phải làm thế nào để cộng đồng nhận thức rõ vấn đề này. Phòng mắc bệnh là tốt nhất, nhưng nếu xảy ra thì phải có các biện pháp tổng thể: người bệnh nhận biết bệnh sớm, tuyến cơ sở có các biện pháp xử trí ban đầu kịp thời trước khi thầy thuốc chuyên khoa can thiệp… Những việc làm đó mang lại lợi ích ban đầu rất lớn, hơn là việc chúng ta chỉ chú ý thực hiện được một hay hai kỹ thuật cao tiêu biểu.
Còn nếu đánh giá trên thực tế về kỹ thuật tim mạch can thiệp, chúng ta đã triển khai được hầu hết các kỹ thuật khó mà các nước tiên tiến và trong khu vực làm được, ví dụ, can thiệp cấp cứu động mạch vành thì đều qua đường động mạch quay, thăm dò siêu âm trong lòng động mạch vành, thay van động mạch chủ qua da, sửa van hai lá qua da, đặt stent graft động mạch chủ… Ngoài ra chúng ta còn có thể thực hiện được một số kỹ thuật mang tính thực tiễn cao, kỹ năng giải quyết hơn họ vì ta phải đối mặt với bệnh đó quá nhiều, thêm nữa là chúng ta phải cố gắng giải quyết nó trong điều kiện nước mình. Chẳng hạn như kỹ thuật nong van hai lá bằng bóng (cho các bệnh nhân bị hẹp van hai lá nặng do thấp tim) chỉ qua đường tĩnh mạch, cải tiến mốc chọc vách liên nhĩ mà BN không phải gây mê, tỉnh táo trong lúc làm thủ thuật, khiến cho thủ thuật có thể tiến hành trong các bệnh cảnh cấp cứu an toàn hơn nếu phải mổ (như khi bệnh nhân hẹp van tim mà đang có thai, trong lúc suy tim nặng…), hoặc các sáng kiến trong can thiệp các bệnh tim bẩm sinh khi dùng dụng cụ bít ống động mạch để bít lỗ thông liên thất đã mang lại hiệu quả cao trong thực tế.
PV: Theo PGS, nguyên nhân đến BV muộn là do suy nghĩ của chính bản thân người bệnh hay vì những lý do khác như bị chậm trễ từ dưới cơ sở?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Có rất nhiều yếu tố chi phối điều này. Phải nâng cao nhận thức của người dân để họ hiểu ở lứa tuổi này, có những yếu tố nguy cơ nào, triệu chứng nào cảnh báo? Cần phải làm gì? Có sự hỗ trợ thế nào? Thứ hai là trang bị cho tuyến dưới chuyên môn và những phương tiện để chẩn đoán được bệnh, thực hiện được những kỹ thuật cần thiết. Tiếp đến là vấn đề kinh phí, các kỹ thuật can thiệp tim mạch rất tốn kém. Làm sao để BHYT cho toàn dân để người dân được hưởng những kỹ thuật cao, ít nhất có thể thông được mạch vành kịp thời lúc đó. Ở Viện Tim mạch Việt Nam, nếu mọi điều kiện của BN đầy đủ, chúng tôi có thể triển khai từ lúc BN vào viện đến lúc được can thiệp trong vòng 60 phút. Nhưng từ lúc BN có triệu chứng cho đến khi vào được BV thì lại quá lâu, đó là điều đáng tiếc.
PV: Bệnh tim đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Đối tượng nào dễ có nguy cơ mắc bệnh và lời khuyên của PGS làm thế nào để phòng tránh hiệu quả các bệnh lý tim mạch?
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Một người chưa bao giờ có bệnh tim cũng có thể có biến cố tim mạch bất kể lúc nào khiến ảnh hưởng tính mạng hoặc không thì cũng suốt đời mang bệnh tim. Đây là bệnh mà bất kỳ ai cũng có thể mắc, nhất là khi đời sống ngày càng cao, các yếu tố nguy cơ cũng thay đổi theo hướng bất lợi, phương Tây hóa. Tuổi trung bình bị nhồi máu cơ tim (NMCT) là khoảng 60. Nhưng ngày càng có nhiều người trẻ tuổi bị và người trẻ tuổi nhất bị NMCT chúng tôi điều trị là 28 tuổi (BN béo phì và hút thuốc lá rất nhiều). NMCT dưới 40 tuổi xưa ít gặp nhưng nay cũng tăng theo thời gian.
Có thể hoàn toàn phòng tránh được các bệnh lý tim mạch không lây nhiễm (do tăng huyết áp, động mạch vành, động mạch ngoại biên…) bằng việc tự nhận thức, tự phòng ngừa, có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, không hút thuốc lá, tránh rượu bia, tập luyện theo lời khuyên bác sĩ và đi khám bệnh định kỳ để sớm phát hiện ra bệnh (nếu có) để có chế độ điều trị phù hợp.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS!
Mai Linh (thực hiện)
Nguồn: SKĐS
Chưa có bình luận.