Thứ Tư, 10/04/2019 | 15:59

Tác dụng của các phương pháp kéo giãn cột sống

Kéo giãn cột sống là một trong các phương pháp điều trị vừa cổ điển vừa hiện đại. Cổ điển vì nó được áp dụng từ giữa thế kỷ thứ 18, hiện đại vì ngày nay nó được ứng dụng rộng rãi với các máy kéo giãn cột sống hiện đại. Kéo giãn cột sống (tiếng Anh: traction therapy) là phương pháp dùng lực cơ học tác động theo chiều dọc của cột sống nhằm làm giãn nở khoảng cách các khoang gian đốt để đem lại hiệu quả điều trị.

1862 Edwin Smith đã sử dụng phương pháp kéo giãn cột sống bằng tay với mục đích điều chỉnh lệch vẹo cột sống và biến dạng cột sống do còi xương. Từ 1933 phương pháp kéo giãn cột sống được áp dụng mở rộng do W. Gayle Crutchfield (1900 – 1972) lần đầu tiên giới thiệu một dụng cụ kéo giãn cột sống cổ.

Kéo giãn cột sống là một hình thức trị liệu có thể được thực hiện bằng tay hoặc bằng máy.

Tác dụng của điều trị bằng kéo giãn cột sống

Nguyên tắc kéo dãn cột sống là để giảm áp suất tại đĩa nén. Điều này làm thẳng cột sống và cải thiện khả năng tự lành của cơ thể.

Điều chỉnh sai lệch của khớp đốt sống và cột sống:

Trong thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm do chiều cao khoang gian đốt giảm làm di lệch diện khớp đốt sống. Sự di lệch này tuy nhỏ nhưng nó sẽ thúc đẩy quá trình thoái hóa và kích thích gây đau tăng lên. Kéo giãn cột sống làm điều chỉnh di lệch, tăng tính linh hoạt của khớp đốt sống và giải phóng sự khóa cứng của các khớp đốt sống.

Đối tượng được sử dụng phương pháp kéo dãn cột sống

Đối tượng được sử dụng phương pháp kéo giãn cột sống bằng máy là: Bệnh nhân thoái hóa cột sống; dây thần kinh bị chèn ép; đĩa trượt; thoát vị đĩa đệm giai đoạn đầu, thoát vị đĩa đệm vừa và nhẹ; hội chứng đau lưng và thắt lưng do nguyên nhân ngoại vi (cơ, dây chằng); vẹo cột sống do tư thế; đau thân kinh toạ; hẹp foramina.

Tác dụng của việc kéo dãn cột sống

+ Làm giãn cơ tích cực:

Trong bệnh lý đau cột sống, sự kích thích rễ thần kinh và đau làm cơ co cứng phản xạ, sự co cứng co tác động trở lại làm cho đau càng trầm trọng hơn.

Kéo giãn cột sống trước tiên lực sẽ tác động lên cơ gây giãn cơ thụ động, giảm co cứng cơ và cắt đứt vòng xoáy bệnh lý đau. Tuy nhiên nếu khi kéo nếu tăng giảm lực quá nhanh có thể gây kích thích làm tăng co cơ, do đó cần tăng giảm lực từ từ đặc biệt là trong bệnh lý đau cấp.

+ Làm giảm áp lực nội đĩa đệm:

Lực kéo giãn dọc theo cột sống sẽ tác động vào nhiều điểm khác nhau của đoạn cột sống làm các khoang đốt được giãn rộng và có thể cao thêm trung bình 1,1mm, làm áp lực nội đĩa đệm giảm, và dẫn đến hệ quả là:

Làm tăng thẩm thấu nuôi dưỡng đĩa đệm, giúp nhân nhày và đĩa đệm căng phồng trở lại, tăng dinh dưỡng cho đĩa đệm do đó làm giảm quá trình thoái hóa của đĩa đệm.

Có thể giúp thu nhỏ thể tích đĩa đệm bị lồi hoặc thoát vị nếu khối thoát vị chưa bị xơ hóa.

Tuy nhiên cần chú ý nếu kéo với lực quá lớn, thời gian quá dài làm áp lực nội đĩa đệm giảm quá nhiều dẫn đến tăng thẩm thấu dich vào đĩa đệm có thể gây phù nề đĩa đệm làm đau tăng.

Giải phóng sự chèn ép lên các rễ và dây thần kinh sống: do làm tăng kích thước lỗ tiếp hợp, giảm thể tích khối thoát vị… từ đó làm giảm kích thích rễ và giảm đau.

Phương pháp kéo giãn cột sống

– Kéo giãn cột sống liên tục

Kéo giãn cột sống liên tục là hình thức kéo giãn mà trọng lượng kéo không thay đổi trong suốt thời gian kéo. Hình thức kéo giãn này có nhược điểm khó xác dịnh lực kéo thích hợp và bệnh nhân khó dung nạp. Với một lực kéođủ để kéo giãn cột sống lúc đầu thì theo thời gian nó sẽ trở nên quá nặng về sau, vì trương lực cơ của bệnh nhân sẽ giảm dần theo thời gian kéo. Nếu chọn lực kéo về cuối thời gian kéo phù hợp thì lực kéo đó trở nên nhẹ không đủ hiệu lực kéo trong thời gian đầu. Phương pháp kéo này có ưu điểm là phương tiện kéo đơn giản, rẻ tiền, có thể ứng dụng được ở mọi tuyến điều trị.

Kéo liên tục bao gồm các hình thức:

+ Kéo bằng lực tự trọng

Lực kéo là trọng lực của bản thân bệnh nhân. Dụng cụ kéo là một tấm ván phẳng, được đặt ở các độ dốc tăng dần, dụng cụ cố định là một đai treo lên hai nách. Đây là phương pháp kéo giãn được ứng dụng từ thế kỷ thứ 18, hiện nay vẫn còn được ứng dụng ở những cơ sở không có phương tiện kéo giãn hiện đại.

Phương pháp này có nhược điểm không kéo chọn lọc được vào vùng cột sống cần kéo, hiệu quả kéo thấp. Bệnh nhân khó chịu vì trọng lượng treo lên nách, ma sát giữa lưng bệnh nhân và tấm ván làm hạn chế lực kéo.

Khởi đầu nên để ở độ dốc 45o so với mặt sàn, các lần kéo sau tăng dần độ dốc, độ dốc tối đa có thể 90o. Thời gian kéo ban đầu nên 10 phút, về sau tăng dần lên tối đa 20 phút tuỳ khả năng chịu đựng của bệnh nhân.

+ Kéo bằng lực đối trọng

Bệnh nhân được cố định ở phần trên vùng định kéo, đai kéo được mắc vào phần dưới, lực kéo là bao cát hoặc quả tạ.

+ Kéo giãn cột sống thắt lưng:

Bệnh nhân nằm ngửa trên giường phẳng, đai cố định ngang L3 ôm lấy bờ sườn, đai kéo đặt ngang L5 ôm lấy bờ trên xương chậu. Đai kéo được nối với một dây kéo vắt qua dòng dọc ở cuối giường tạo với mặt giường một góc 30o và treo quả tạ hoặc bao cát. Mặt giường kéo tốt nhất được chia làm hai phần, phần trên cố định, phần dưới di động trượt trên bánh xe để giảm ma sát, giúp lực kéo được tốt hơn. Trọng lượng kéo khởi đầu ít nhất phải đạt 50% trọng lượng cơ thể bệnh nhân, trọng lượng kéo có thể tăng dần nhưng tối đa chỉ nên đạt tới 80% trong lượng bệnh nhân. Thời gian kéo khởi đầu nên 15 phút, các lần sau tăng dần lên tối đa 20 phút.

+ Kéo giãn cột sống cổ:

Bệnh nhân nằm ngửa trên giường phẳng, đai kéo tựa lên cằm và gáy, không cần đai cố định vì trọng lượng cơ thể và ma sát giữa cơ thể bệnh nhân với giường sẽ cố định bệnh nhân. Trọng lượng kéo khởi đầu bằng 10% trọng lượng cơ thể bệnh nhân, tăng dần trong các lần kéo sau lên tối đa 30% trọng lượng cơ thể. Thời gian kéo khởi đầu 10 phút, các lần sau tăng dần lên tối đa 20 phút.

Có thể kéo cột sống cổ ở tư thế ngồi, dây kéo được chạy qua hai dòng dọc treo trên tường. Trọng lượng kéo có thể dùng túi nước hoặc bao cát.

+ Kéo giãn dưới nước

Đây là phương pháp kéo liên tục kết hợp thuỷ trị liệu. Bệnh nhân được cố định bằng một phao giữa hai nách, bệnh nhân ở tư thế đứng thẳng. Đai kéo cố định vào thắt lưng ôm lấy bờ trên xương chậu và treo tạ kéo. Phương pháp này có ưu điểm là dưới tác dụng của nước ấm giúp thư giãn cơ tốt.

– Kéo giãn dạng xung lực

Đây là phương pháp kéo hiện đại, có hiệu quả cao, khắc phục được các nhược điểm của phương pháp kéo liên tục, bệnh nhân dễ dung nạp hơn.

Mặt giường kéo gồm hai phần, nửa trên cố định, nửa dưới di động trượt trên hệ thống bánh xe và có khoá để cố định khi cần. Máy kéo tự động hoạt động theo chương trình được đặt trước khi kéo, bao gồm lực nền và thời gian duy trì lực nền, lực kéo và thời gian duy trì lực kéo, thời gian tăng giảm từ lực nền lên lực kéo và ngược lại có thể điều chỉnh được gọi là độ dốc lên và xuống.

Hình 3. Kéo giãn kiểu xung lực

t1: thời gian tăng từ lực nền lên lực kéo (độ dốc lên)

t2: thời gian duy trì lực kéo

t3: thời gian giảm từ lực kéo xuống lực nền (độ dốc xuống)

t4: thời gian duy trì lực nền

Lực nền là lực duy trì ở trọng lượng thấp nhưng đủ để kéo giãn cột sống. Lực kéo là lực có trọng lượng kéo cao hơn lực nền để tăng cường độ giãn cột sống. Kéo dạng xung lực là trên cơ sở duy trì lực nền, trong từng khoảng thời gian ngắn tăng lên lực kéo, duy trì lực kéo một thời gian ngắn rồi trở lại lực nền. Phương pháp kéo giãn này có ưu điểm là hiệu quả kéo cao, bệnh nhân dễ dung nạp, ước lượng lực kéo cho từng bệnh nhân tương đối sát, tính an toàn cao.

+ Với kéo giãn cột sống thắt lưng lực nền tối thiểu phải bằng 50% trọng lượng cơ thể bệnh nhân, theo chúng tôi nên duy trì ở 50- 55% trọng lượng cơ thể bệnh nhân là thích hợp. Với kéo giãn cột sống cổ Lực nền tối thiểu phải bằng 10% trọng lượng cơ thể bệnh nhân.

+ Lực kéo phải lớn hơn lực nền và tăng dần vào các lần kéo sau. Với kéo giãn cột sống thắt lưng, lực kéo tối đa không vượt quá 100% trọng lượng cơ thể bệnh nhân. Theo chúng tôi, lực kéo khởi đầu nên ở mức 60% trọng lượng của bệnh nhân, các lần kéo sau tăng dần và tối đa không nên quá 80% trọng lượng bệnh nhân. Với kéo giãn cột sống cổ, Lực kéo tối đa bằng 30% trọng lượng cơ thể bệnh nhân.

+ Thời gian duy trì lực kéo 15 – 30 giây, thời gian duy trì lực nền 15 – 30 giây.

+ Độ dốc lên và xuống tuỳ tình trạng bệnh lý, nếu đau cấp tính cần tăng giảm lực từ từ (tức là t1 và t3 kéo dài).

+ Thời gian một lần kéo nên tăng dần, khởi đầu 15 phút, tối đa 20 – 25 phút, một ngày chỉ nên kéo tối đa 2 lần.

+ Sau khi kéo cần để bệnh nhân nằm nghỉ ở tư thế thư giãn ít nhất 30 phút, trước khi dậy và trong thời gian không kéo giãn cần mang đai thắt lưng.

Lưu ý:

Trong tất cả các phương pháp kéo giãn trên, lực kéo và thời gian kéo đưa ra chỉ là ước tính, có thể điều chỉnh tuỳ theo từng bệnh nhân vì lực kéo và thời gian kéo hiệu dụng đối với từng bệnh nhân còn phụ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân cụ thể.

Những người có thể lực tốt, năng tập luyện, cần lực kéo lớn hơn và thười gian kéo dài hơn. Những người có thể lực yếu, ít tập luyện, cần giảm trọng lượng kéo và thời gian kéo phù hợp. Trước khi kéo giãn nên điều trị nhiệt nóng (paraffin hoặc hồng ngoại) và điện xung để giúp thư giãn cơ vùng định kéo, giúp cho kéo giãn có hiệu quả hơn. Trong và sau khi kéo giãn, bệnh nhân phải cảm thấy dễ chịu, giảm đau. Nếu trong và sau kéo thấy đau tăng có thể trọng lượng kéo hoặc thời gian kéo chưa phù hợp, cần điều chỉnh lại. Nếu sau khi điều chỉnh, bệnh nhân vẫn đau cần xem xét lại chỉ định kéo đã thích hợp chưa.

Với sự trợ giúp của các liệu pháp vật lý nhiều người tìm thấy thành công lớn với kéo giãn cột sống. Điều trị làm giảm đau và cơ thể có nhiều khả năng tự chữa bệnh. Một số người chỉ cần điều trị trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên có những người cần điều trị trong suốt đời.

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook