Đôi khi, một thói quen tưởng chừng như rất nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày lại có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Nhập viện vì nghĩ hoa quả gọt vỏ là sạch, khỏi cần rửa
Lo sợ trước tình trạng hoa quả bị phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tràn lan, chị Thanh Nga (28 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) đã quán triệt tinh thần với cả nhà về việc luôn phải gọt bỏ vỏ của bất kỳ loại hoa quả nào trước khi sử dụng. Dù đó là loại củ quả ăn sống hay được nấu chín, chị không bao giờ động đến nếu phát hiện món đó chưa được gọt vỏ.
Tuy nhiên, với suy nghĩ rằng củ quả đã gọt vỏ thì coi như loại bỏ hết các chất bẩn, chất độc hại rồi, nên chị Nga nhiều khi không rửa chúng trước khi ăn. Nhất là những loại hoa quả có vỏ ngoài trông khá sạch sẽ như dưa chuột, táo, lê,… chị thường cứ thế gọt vỏ rồi ăn luôn. Đặc biệt là những hôm mang hoa quả theo tráng miệng buổi trưa ở cơ quan, chị hay ngại rửa nên nếu thấy bụi bẩn dính bên ngoài cũng chỉ lấy giấy lau qua rồi gọt vỏ ăn.
Ảnh minh họa.
Cách đây 2 tuần, chị đi chợ mua được mẻ dưa chuột ngon nên quyết định sẽ làm món dưa góp dưa chuột ăn kèm với thịt nướng cho cả nhà. Như mọi khi, chị vô tư bỏ dưa chuột ra khỏi túi nilon rồi cứ thế gọt, chế biến món ăn luôn mà không rửa. Sau bữa cơm, con gái chị bắt đầu kêu đau bụng âm ỉ. Tiếp sau đó, cả hai vợ chồng chị cũng có dấu hiệu bị "Tào Tháo đuổi". Nghi cả nhà bị ngộ độc, chị vội vàng giúp con gái nôn hết ra ngoài. Hai vợ chồng chị cũng phải làm tương tự. Sau đó, cả nhà chị bắt taxi vào viện để khám lại. Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết cả nhà chị bị ngộ độc thực phẩm do đồ ăn không đảm bảo vệ sinh. Nguyên nhân có thể là do chị không rửa sạch dưa chuột trước khi chế biến. Tay chạm vào vỏ dưa, rồi lại chạm tiếp vào dưa đã gọt vỏ, làm lây lan các loại vi khuẩn, thuốc bảo quản vào món ăn cuối cùng, gây ra tình trạng ngộ độc.
Nhiều người có cách nghĩ sai lầm giống như chị Thanh Nga, đó là cho rằng hoa quả đã gọt vỏ rồi thì cần gì phải rửa nữa. Họ tin rằng loại bỏ lớp vỏ thì vi khuẩn, mầm bệnh, thuốc trừ sâu cũng đã bị loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu như không rửa sạch củ quả trước khi gọt vỏ thì vi khuẩn, mầm bệnh và cả thuốc bảo quản thực vật sẽ dính lên tay của người gọt, rồi dính vào rau củ đã gọt vỏ và theo đường miệng đi vào cơ thể. Đây là một sai lầm vô cùng phổ biến, đe dọa sức khỏe mà không phải ai cũng ý thức được.
Cách rửa sạch từng loại rau củ trước khi chế biến
Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn thực phẩm thì người tiêu dùng cần phải rửa rau củ quả thật sạch sẽ, dù sau đó có gọt bỏ vỏ hay không. Rau xanh được chia làm 4 loại: lá, củ, quả và hoa. Đối với mỗi loại cần có cách rửa phù hợp để làm sạch bụi bẩn và hóa chất.
Ảnh minh họa.
Với loại rau ăn lá, người tiêu dùng cần chú ý làm sạch thật cẩn thận vì chúng có nguy cơ mang mầm bệnh tả cao do chứa nhiều vi khuẩn E.Coli và Salmonella trong quá trình tưới phân trực tiếp lên lá. Rau ăn lá cũng có nguy cơ bị tồn dư nhiều hóa chất kích thích và bảo quản. Vì thế, rau cần nhặt sạch, ngâm qua nước rồi rửa từng lá dưới vòi nước xối mạnh. Với cành rau nhỏ không thể rửa từng lá thì cần rửa nhiều lần trong chậu, sau đó tráng lại từng nắm nhỏ dưới vòi nước. Với rau ăn sống, sau khi rửa sạch cần ngâm qua nước muối loãng để loại bỏ khuẩn tả.
Các loại quả thường ít bị ô nhiễm hơn rau ăn lá do mọc trên cao, tuy nhiên lại dễ bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản. Đa phần mọi người khi mua hoa quả về thường ăn ngay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bạn nên rửa sạch từng quả, bọc nylon cho vào tủ lạnh 2 ngày rồi mới ăn. Đây là thời gian cần thiết để thuốc bảo quản phân hủy mà vẫn đảm bảo độ tươi ngon. Trong trường hợp muốn ăn ngay, bạn nên rửa hoa quả thật sạch dưới dòng nước và ngâm qua nước muối. Hoa quả đã ngâm nước muối thì không nên để lâu ngày trong tủ lạnh vì dễ bị hỏng.
Với các loại củ, khi chế biến nên rửa sạch vỏ, sau đó gọt và rửa lại lần nữa. Như vậy là đã hạn chế được các chất bẩn dính ngoài vỏ vào phần thịt củ mới gọt. Đối với củ, không cần ngâm nước muối hay thuốc tím trước khi sử dụng.
Rau ăn hoa được xem là loại rau đảm bảo vệ sinh nhất do ở trên cao và rất kỵ các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ngay cả khi phun thuốc, người trồng thường cũng phải đậy mặt hoa nên bạn chỉ cần rửa hoa sạch dưới vòi nước là đảm bảo an toàn.
Dương Thùy
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.