Trong khi nhiều người Việt Nam cho rằng con em mình thấp còi là do bố mẹ chúng “nấm lùn” thì thực tế cho thấy: trẻ vẫn có thể cao đạt chuẩn nếu được nuôi dưỡng một cách hợp lý.
Hơn 25% trẻ em Việt thấp còi
Năm 2010, kết quả Tổng Điều tra Dinh dưỡng Quốc gia chỉ ra rằng: sau 35 năm (1975-2010), chiều cao trung bình của người Việt trưởng thành tăng thêm 4cm. Dù đã có sự cải thiện, song rõ ràng nó còn khá khiêm tốn, nhất là khi so với các nước trong khu vực. Tính ra, cứ 10 năm, người Việt mới cao thêm được 1cm, trong khi đó, cùng thời gian này, người Thái và người Trung Quốc, họ tăng thêm được 2cm.
Ảnh minh họa |
Đến năm 2013, sau nhiều nỗ lực cải cách về dinh dưỡng, công bố của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, chiều cao của người Việt Nam vẫn kém xa so với chuẩn thế giới. Cụ thể, trong khi trung bình của thế giới: nam 18 tuổi là 176,8cm và nữ là 163,7cm, thì chiều cao thanh niên Việt Nam nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn chuẩn 13,1cm và nữ chỉ đạt 153cm, kém hơn chuẩn là 10,7cm. So với thanh niên các nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc của thanh niên nước ta đều thấp hơn từ 6-10cm.
Đối với trẻ em Việt, dù nhận được nhiều sự chăm sóc về chế độ dinh dưỡng từ gia đình, thế nhưng, tình hình vẫn không khả quan hơn. Năm 2014, số liệu công bố tại Hội thảo “Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em tại Việt Nam, Lào và Campuchia” do Tổ chức Viện trợ của Ireland (Irish Aid) phối hợp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức chỉ rõ: Việt Nam có khoảng 6,5 triệu trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi, trong đó có tới gần 1,7 triệu em (chiếm 25,9%) bị suy dinh dưỡng thấp còi. Tình trạng này sẽ gây ra những hậu quả không khắc phục được đối với sự phát triển của trẻ. Chẳng hạn, với trẻ nam, nếu chiều cao khi 3 tuổi chỉ là 81 cm, thì khi 18 tuổi, trẻ chỉ có thể cao khoảng 1,58m. Trong khi đó, nếu trẻ phát triển bình thường, đạt 94cm khi 3 tuổi thì chiều cao lúc trưởng thành sẽ là 171cm.
Di truyền chỉ đóng góp 23% cho chiều cao của trẻ
Nhiều người cho rằng chiều cao là do gene quy định, nhưng thực tế, nhiều trẻ Việt Nam sống ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ… từ bé, vẫn có thể có tầm vóc ngang bằng so với thanh niên nước sở tại nhờ chế độ ăn uống, rèn luyện, nghỉ ngơi hợp lý. Như vậy, làm thế nào để cải thiện chiều cao cho trẻ Việt, đặc biệt là với những trẻ có bố mẹ “nấm lùn”? Đây là vấn đề mà có lẽ ai cũng quan tâm.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thu Mai, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Vinmec, Hà Nội, chiều cao của một người phụ thuốc vào 3 yếu tố chính là: di truyền; chế độ dinh dưỡng; hoạt động thể lực hợp lý và giấc ngủ. Trong đó, di truyền chỉ đóng góp khoảng 23% cho sự phát triển của trẻ, dinh dưỡng chiếm 32%, vận động là 20%, còn lại là các yếu tố môi trường, xã hội khác. Chính bởi vậy, cho dù bố mẹ “nấm lùn”, song nếu biết cách chăm sóc và nuôi dưỡng, trẻ hoàn toàn có thể cao đạt chuẩn.
Dinh dưỡng + vận động: Chìa khóa vàng
Vẫn theo Tiến sĩ Mai, một chế độ dinh dưỡng tốt không chỉ cung cấp đủ năng lượng mà cần đảm bảo đủ vi chất dinh dưỡng – điều mà nhiều bậc cha mẹ thường bỏ qua. Khảo sát về tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á do Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện năm 2013 khẳng định: có đến 50% trẻ thiếu hụt vi chất dinh dưỡng là: vitamin A, B1, C, D và sắt trong bữa ăn hàng ngày. Tỷ lệ thiếu vi chất ở trẻ tăng cao giai đoạn 1-2 tuổi – giai đoạn quan trọng với sự tăng trưởng, phát triển của trẻ. Do đó, để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng, bữa ăn hàng ngày cần phải đa dạng hóa các loại thực phẩm. Ngoài chú ý cho con ăn đủ các loại thịt, cá, tôm… cha mẹ cũng cần khuyến khích con ăn rau và trái cây tươi.
Trong khi vận động giúp điều hòa hoạt động hệ nội tiết sản sinh kích thích tố giúp xương phát triển, tăng chiều cao thì Việt Nam thuộc nhóm người lười vận động nhất thế giới với chỉ khoảng 15% người tập thể dục hơn 30 phút mỗi ngày (theo một nghiên cứu quốc tế năm 2012 đăng tải trên tạp chí y khoaThe Lancet(Anh). Chính bởi vậy, để cải thiện tình trạng này, hãy giúp trẻ yêu thể dục, thích thể thao ngay từ nhỏ.
Theo khuyến cáo của Tiến sĩ Mai, mỗi bậc cha mẹ cần thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời cùng các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi. Duy trì việc này mỗi ngày không chỉ giúp trẻ cao hơn mà hệ miễn dịch cũng hoạt động tốt hơn, nhờ đó, sức khỏe thể chất được cải thiện toàn diện. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra cụ thể rằng: tập luyện thể thao với cường độ vừa phải sẽ giúp trẻ giảm 25-50% số lần mắc cảm lạnh và cảm cúm trong năm.
Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng với sự phát triển chiều cao của trẻ chính là giấc ngủ. Tiến sĩ Mai cho rằng, hormone tăng trưởng do tuyến yên tiết ra cao nhất là vào khoảng 11-12 giờ đêm- khi trẻ đã ngủ say. Bởi thế, các bậc cha mẹ không nên cho trẻ ngủ quá muộn hay ngủ quá nhiều vào ban ngày. Nếu trẻ ngủ muộn hay chất lượng giấc ngủ không tốt, hormone tăng trưởng sẽ tiết ra rất ít, khiến trẻ chậm lớn so với các bạn đồng trang lứa.
An Châu
Chưa có bình luận.