Hiện nay, ở miền Bắc, một số trẻ bị ho gà vào Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Đây là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn ho gà (Bordetella pertusis) gây ra, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong và có thể gây thành dịch, nhất là thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho bệnh ho gà xuất hiện và bùng phát thành dịch.
Đặc điểm của bệnh ho gà
Vi khuẩn ho gà khi vào đường hô hấp sẽ bám vào các nhung mao của cơ quan này, sinh sản và giải phóng ra độc tố, làm tổn thương nhung mao, gây viêm và hoại tử. Các tổ chức hoại tử giải phóng ra chất histamin gây kích thích cực độ đường hô hấp dẫn đến xuất hiện những cơ ho dữ dội, kéo dài và không tự kiềm chế được. Đây là một loại ho rất đặc trưng của bệnh ho gà, bởi vì sau khi đã điều trị tiêu diệt hết vi khuẩn ho gà bằng kháng sinh đặc trị, triệu chứng ho vẫn còn dai dẳng trong một thời gian dài do chất histamin vẫn tồn tại trong máu của trẻ bị bệnh. Gọi là ho gà vì trẻ ho có tiếng rít như tiếng rít của con gà trống khi gần hết tiếng gáy.
Lúc trẻ được 2 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà. |
Bệnh ho gà lây lan như thế nào?
Vi khuẩn vào cơ thể khoảng 2 tuần bắt đầu sốt, ho, hắt hơi, hơi thở ra và vi khuẩn được bắn ra từ đây, người lành hít phải không khí có chứa vi khuẩn sẽ mắc bệnh nếu chưa có kháng thể chống lại chúng. Đặc biệt, trong các giọt nước bọt nhỏ li ti của người bệnh có vô số vi khuẩn ho gà. Nhiều trẻ sơ sinh bị ho gà do lây bệnh từ người trong một gia đình (anh chị em, bố mẹ hoặc người giúp việc nuôi dưỡng). Một số trường hợp (ngay cả người lớn) mặc dù đã được tiêm phòng nhưng vẫn có thể mắc bệnh ho gà tuy thể bệnh nhẹ hơn (có thể do lượng kháng thể sinh ra sau tiêm chủng đã bắt đầu giảm) và ít có biến chứng hơn.
Biểu hiện của bệnh ho gà như thế nào?
Bệnh ho gà có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh, trẻ em và có thể có cả người lớn khi chưa có miễn dịch chống lại bệnh. Các triệu chứng của bệnh ho gà thường xuất hiện trong vòng 5-7 ngày sau khi phơi nhiễm, nhưng đôi khi thời kỳ ủ bệnh kéo dài 3 tuần. Bệnh thường khởi phát bởi triệu chứng giống như cảm lạnh, có những cơn ho nhẹ, sau đó trẻ bắt đầu ho nhiều hơn và chảy nước mũi và có thể có sốt nhẹ. Sau 1-2 tuần, bắt đầu ho nhiều hơn.
Không giống như cảm lạnh, ho gà có biểu hiện một loạt các cơn ho liên tục trong nhiều tuần. Khi hít thở sẽ có những tiếng rít giống như tiếng rít ở gà trống khi gáy. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, bệnh trở nên nặng hơn, gây ho nặng hơn, xuất hiện nhiều đờm dãi. Ho kéo dài dẫn tới việc trẻ nôn ọe, không ăn được, mệt mỏi, chảy nước mắt, nước mũi, kiệt sức. Cơn ho dai dẳng khiến cho trẻ đỏ bừng mặt hay tím tái cả người, vì vậy, có thể bị suy hô hấp, tử vong do nghẹt thở.
Cần lưu ý là ở trẻ sơ sinh, ho rất ít xuất hiện hoặc thậm chí không ho nhưng có thể có hiện tượng ngừng thở tạm thời trong một thời gian ngắn. Vì vậy, đây là hiện tượng hết sức nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh khi ho gà, do đó, nếu nghi ngờ hoặc biết trẻ sơ sinh bị ho gà cần phải cho trẻ nhập viện càng sớm càng tốt, nếu không sẽ xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Trực khuẩn ho gà. |
Biến chứng do bệnh ho gà là gì?
Do ho dai dẳng, kéo dài làm cho trẻ bị kiệt sức, nhất là ở trẻ sơ sinh bởi sức đề kháng còn yếu chưa đủ để chống lại bệnh. Bệnh thường gây ra tình trạng thiếu oxy cho cơ thể dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, thiếu oxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Nguyên tắc điều trị
Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh ho gà, cần cho trẻ đến khám ở cơ sở y tế càng sớm càng tốt, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi để theo dõi cơn ho, nghẹt thở và ngừng thở. Trên cơ sở đó sẽ được hút đờm dãi, thở oxy, bù nước và bù dinh dưỡng. Nếu trẻ ho, nên bế trẻ ngồi dậy và nghiêng đầu sang một bên. Dùng kháng sinh diệt vi khuẩn là rất cần thiết được áp dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ, với trẻ lớn có thể cần chống ho, dị ứng và dinh dưỡng đủ chất. Cần làm thông thoáng đường thở bằng cách nhỏ mũi nước muối sinh lý. Nếu sốt làm mất nước, cần được bù bằng các hình thức uống nước ép trái cây, nước cháo lỏng, tăng thời gian và số lần cho bú (nếu trẻ còn bú mẹ), uống dung dịch oresol…
Theo BS Việt Bắc/Báo Sức Khỏe Đời Sống
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.