Bệnh còi xương ở trẻ là gì
Bệnh còi xương là bệnh lý thiếu hụt thành phần can xi trong cấu tạo xương. Bệnh xuất hiện ở những trẻ có hệ xương đang phát triển, với nhu cầu hấp thụ can xi cao nhưng không được đáp ứng kịp thời và đầy đủ.
Đối tượng còi xương
+ Trẻ sinh non, sinh ra nhẹ cân, sinh đôi trở lên,sinh vào mùa đông;
+ Trẻ không được bú mẹ;
+ Trẻ có hệ miễn dịch kém;
+ Trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài;
+ Trẻ suy dinh dưỡng;
+ Trẻ thừa cân, béo phì;
+ Trẻ dưới 3 tuổi.
Nguyên nhân còi xương
+ Trẻ bị còi xương từ trong bào thai do người mẹ có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, cân đối;
+ Trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ, không được tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời;
+ Trẻ có chế độ ăn nhiều tinh bột, đạm, chất béo, ít can xi và vitamin sẽ phát triển cân nặng cơ bắp, làm cho hệ xương phải chống đỡ quá sức, dẫn đến còi xương ở trẻ;
+ Hàng ngày, thời gian cho trẻ vận động ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng ít;
+ Bổ sung can xi không đúng cách;
+ Những trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ dễ bị còi xương do nhu cầu can xi không được đáp ứng đầy đủ và kịp thời;
+ Những trẻ bị thừa cân, béo phì do hệ xương phải chống đỡ một khối lượng cơ bắp, mỡ thịt quá sức dẫn đến còi xương.
Biểu hiện còi xương
+ Khi ngủ trẻ bị ra nhiều mồ hôi ở đầu, cổ, gáy, lưng và ngực;
+ Trẻ ngủ không ngon giấc, dễ cáu gắt, giật mình;
+ Ở trẻ sơ sinh, biểu hiện còi xương như xương đầu mềm, đầu bị méo bẹp, thóp trước rộng, bờ thóp mềm, thời gian để thóp liền chậm, tóc rụng vùng sau đầu thành hình vành khăn;
+ Ở trẻ lớn hơn, biểu hiện còi xương như răng mọc chậm, răng mọc lộn xộn, chậm biết lẫy, chậm biết ngồi, chậm biết đứng, chậm biết đi, tóc thưa, ngủ nghiến răng;
+ Xương lồng ngực nhô ra, xương chậu biến dạng, xương cột sống gù vẹo, các xương dài bè ra, chân cong vòng kiềng;
+ Trẻ bị thiếu máu, da xanh;
+ Chiều cao thấp hơn so với quy đinh;
+ Trường hợp còi xương nặng sẽ có biểu hiện hạ can xi trong máu như co giật, co cứng.
Cách chữa trị bệnh còi xương
+ Nếu thấy con có những biểu hiện còi xương, bố mẹ nên đưa con đi khám dinh dưỡng, uống can xi liều bổ sung, kết hợp uống vitamin D.
+ Tùy từng lứa tuổi và thể trạng của trẻ mà bố mẹ có thể bổ sung liều can xi tăng cường phù hợp để phòng tránh và điều trị còi xương. Ví dụ: bé gái sinh thường khỏe mạnh, sinh vào mùa đông, cân nặng 3kg, sinh ra ở tuần 38 của thai kỳ, sau khi sinh được chỉ định uống stérogyl 20ml để phòng tránh còi xương, liều uống 2 giọt/ngày vào buổi sáng trước khi ra tắm nắng, uống đến 18 tháng; Bé gái 41 tháng tuổi, nặng 17kg, cao 1m, có xuất hiện một số biểu hiện thiếu can xi như da xanh, nhợt nhạt, tóc thưa, đi bộ một quãng đường ngắn đã bị mỏi chân, khi chơi hay bị ngã, ngủ ra mồ hôi ở đầu, cổ, gáy, nghiến răng. Sau khi khám dinh dưỡng định kỳ, bác sĩ kết luận bé bị còi xương ở mức độ nhẹ và được chỉ định bổ sung can xi, vitamin D, vitamin tổng hợp, với đơn thuốc cụ thể như sau: calcium corbière 5ml 60 ống, uống 1 ống/ngày, sau ăn sáng; Aquadetrim vitamin D3 10ml, uống 4 giọt/ngày, sau ăn sáng; vitamin tổng hợp 100ml, uống 5ml/ngày sau ăn sáng.
+ Hàng ngày, bố mẹ cần cho con tắm nắng để tổng hợp vitamin D, giúp chuyển hóa và hấp thụ can xi tốt hơn. Do dưới da đã có sẵn tiền tố vitamin D, khi trẻ tắm nắng, da được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời rồi tổng hợp thành vitamin D. Tùy từng ngày thời tiết khác nhau mà cho con tắm nắng khoảng từ 15 đến 30 phút vào buổi sáng trước 9h và buổi chiều sau 5h.
+ Ngoài ra, bố mẹ cần xây dựng cho trẻ chế độ ăn đầy đủ, cân đối để tránh việc trẻ bị suy dinh dưỡng hay béo phì là nguyên nhân dẫn đến còi xương.
+ Đối với những trẻ còi xương do suy dinh dưỡng, ngoài việc uống bổ sung can xi, vitamin D, trẻ cần kết hợp thêm chế độ ăn giàu dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe. Ngược lại, với trẻ còi xương do béo phì, ngoài việc uống bổ sung can xi, vitamin D, trẻ cần kết hợp chế độ ăn giảm tinh bột, đạm, chất béo, tăng thực phẩm giàu can xi như tôm, cua, trứng, sữa tách béo, rau xanh đậm màu…
Cách phòng tránh bệnh còi xương
+ Về phía người mẹ, trong thời gian mang thai, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ để thai nhi phát triển tốt nhất. Ngoài ra, trong suốt thai kỳ, mẹ nên uống bổ sung can xi để phòng tránh hiện tượng thiếu can xi ở cả mẹ và con. Nếu mẹ mang thai vào mùa đông và không có điều kiện tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, ở ba tháng cuối thai kỳ, mỗi ngày mẹ nên uống tăng cường liều vitamin D 1000 đơn vị hoặc uống liều duy nhất 100.000 đơn vị.
+ Với trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ sinh thiếu tháng và cân nặng thấp thì cần bổ sung can xi liều cao theo quy định;
+ Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì đến khi trẻ trên 2 tuổi rồi mới nên cai sữa;
+ Khi trẻ đến độ tuổi ăn dặm, bố mẹ cần duy trì cho con chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối; chế độ vận động hợp lý theo lứa tuổi;
+ Cho trẻ tắm nắng thường xuyên, đúng cách để tổng hợp vitamin D giúp tổng hợp, hấp thụ, chuyển hóa can xi;
+ Khám dinh dưỡng định kỳ cho trẻ để bổ sung can xi kịp thời, đầy đủ;
+ Bổ sung can xi đúng cách: đúng liều, đúng độ tuổi, bổ sung can xi kết hợp vitamin D;
Trẻ bị còi xương sẽ gây ra những biến dạng ở hệ xương, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển cơ thể. Có những biến dạng của hệ xương do còi xương sẽ theo trẻ suốt đời. Đặc biệt ở bé gái, những biến dạng này làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sinh sản như chân vòng kiềng, dị tật xương chậu. Để phòng tránh bệnh còi xương, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, chế độ vận động hợp lý, kết hợp bổ sung can xi kịp thời, đầy đủ. Ngoài ra, hàng ngày trẻ cũng cần được hoạt động ngoài trời và tắm nắng để tổng hợp vitamin D giúp chuyển hóa và hấp thụ can xi tốt hơn.
Khương Thùy
Nguồn: congioilam.com
Chưa có bình luận.