Hơn 100 năm qua, Aspirin đã góp phần giải thoát chúng ta khỏi những cơn đau. Nhưng liệu bạn đã thực sự hiểu về người bạn thân thiết này hay đang dùng một cách “vô tội vạ”?
Aspirinkhông phải là “thần dược”
Nhiều tài liệu đã được công bố để chứng minh tác dụng của Aspirin như: làm tan các cục máu đông – thủ phạm gây tắc nghẽn mạch máu; hỗ trợ phòng ngừa một số biến chứng về tim mạch, ung thư ruột và ung thư buồng trứng; ngăn chặn các tế bào ung thư tuyến tiền liệt phát triển; làm tăng khả năng thụ thai… Và không ít người tin rằng, sử dụng Aspirin đều đặn mỗi ngày có thể giảm nguy cơ ung thư.
Tuy nhiên, Hiệp hội Ung thư Mỹ lại không khuyến khích điều này. Vì theo họ, Aspirin có thể sẽ gây ra tình trạng chảy máu dạ dày nghiêm trọng trong khi hiệu quả của Aspirin đối với bệnh ung thư không cao. Báo cáo mới nhất của họ cho biết, với một lượng Aspirin ít nhất khoảng 325mg mỗi ngày, chỉ có khoảng 15% số người dùng giảm được nguy cơ ung thư.
Tác dụng xấu của aspirin đối với dạ dày cũng được PGS.TS Trương Văn Tuấn cảnh báo trong tài liệu Bản tin Bệnh viên Đại học Y học TpHCM: “Do bản chất axit cộng thêm việc dùng liều cao cho người lớn (từ 325mg đến 650mg), Aspirin trong viên nén sẽ tập trung nhiều tại dạ dày, tác động xấu đến các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày. Khi dùng lâu ngày, hậu quả thường gặp nhất là loét dạ dày với tình trạng đau bao tử và dễ có nguy cơ xuất huyết dạ dày”.
Phản bác ý kiến cho rằng Aspirin là “thần dược” giúp phòng ngừa đau tim và đột quỵ cho mọi đối tượng, TS. Jill Belch (Khoa Dược, Đại học Dundee Scotland) đã tiến hành nghiên cứu trên 1276 người (chưa mắc bệnh nhưng có nguy cơ mắc bệnh cao). Kết quả cuộc điều tra này cho thấy: Aspirin chỉ có tác dụng với những bệnh nhân đã từng đau tim, không có tác dụng phòng ngừa trước.
Aspirin không có tác dụng giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ ở những người mắc bệnh tiểu đường hay bệnh liên quan tới động mạch (lão hóa, xơ vữa động mạch…). Trái lại, người dùng có thể gặp những phản ứng phụ đáng tiếc nếu không có tiền sử bệnh mà vẫn uống thường xuyên.
Tuy còn nhiều tranh cãi về hiệu quả điều trị nhưng Aspirin vẫn trở thành loại thuốc được dùng nhiều nhất trên thế giới. Thậm chí nhiều người xem Aspirin như một phương thuốc trị bách bệnh và không cần được kê đơn. Đây là nguyên nhân gây ra phản tác dụng của thuốc đối với người dùng.
Khi nào bạn cần Aspirin?
Aspirin được chỉ định điều trị các cơn đau vừa và nhẹ, đồng thời có tác dụng hạ sốt nhờ khả năng ức chế hoạt động của loại enzym gây ra các cơn đau và sưng tấy trên cơ thể do bỏng, chấn thương, đau răng, đau cơ hoặc do virus… Aspirin còn làm giảm ngưỡng kích thích của các cơ quan cảm nhận đau. Sử dụng 80-100mg Aspirin mỗi ngày là lời khuyên của các bác sĩ để giảm bệnh tim.
Đặc biệt, aspirin được sử dụng trong các chứng viêm cấp và mạn như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp. Với tác dụng chống viêm, giảm đau, chống ngưng tập tiểu cầu nên Aspirin được sử dụng rộng rãi ở tất cả các nước trên toàn thế giới.
Nói không với Aspirin khi…
Có tiền sử loét dạ dày:
Axit có trong Aspirin có thể làm chảy máu ở dạ dày và ruột, trường hợp nặng có thể gây ra tình trạng xuất huyết dạ dày. Vì vậy những người có tiền sử loét dạ dày cần cẩn trọng với các loại thuốc có chứa Aspirin, đặc biệt là dạng viên nén.
Hiện đã có viên sủi Aspirin vitamin C (ít gây kích ứng dạ dày hơn) và viên Aspirin pH8 (dạng thuốc viên có bao màng, chỉ tan khi đã đi qua dạ dày xuống tới ruột non). Tuy thuốc dạng này an toàn hơn nhưng người đang bị viêm loét dạ dày, hành tá tràng tiến triển vẫn không nên dùng.
Rối loạn đông máu, suy gan, suy thận: Aspirin có tác dụng chống kết tập tiểu cầu (ngay cả ở liều thấp) nên làm tăng chảy máu, máu không đông. Những người đang dùng thuốc đông máu hay Methotrexat cũng không được dùng Aspirin.
Bị thủy đậu: Để hạ nhiệt cho những người bị thuỷ đậu, tuyệt đối không dùng Espirin hay các thuốc có chứa Aspirin như Aspegic, Algotropyl, Eftifar. Bạn nên dùng Acetaminophen hoặc Paracetamol để thay thế.
Phụ nữ có thai:
Ba tháng cuối của thai kỳ là thời điểm cần đặc biệt tránh dùng Aspirin. Aspirin có thể làm thai già tháng, chuyển dạ kéo dài và gây nhiều biến chứng lên thai nhi. Aspirin còn là một trong những nguyên nhân gây tăng nguy cơ chảy máu ở bà bầu.
Ngoài ra, các nhà khoa học thuộc Bệnh viện St Justine, Montreal (Canada) còn phát hiện, tỷ lệ dị tật thai nhi ở những thai phụ sử dụng Aspirin trong ba tháng đầu của thai kỳ cao hơn 2% so với những bà mẹ không dùng Aspirin. Tuy nguy cơ này rất nhỏ nhưng để đảm bảo an toàn, cá bác sĩ khuyên bà bầu nên dùng Paracetamol để thay thế khi cần thuốc giảm đau.
Trong những ngày đèn đỏ hoặc bị chứng rong kinh cũng không nên dùng aspirin vì thuốc có thể làm chảy máu nhiều hơn.
Trẻ em: Do Aspirin có mối liên hệ với hội chứng Reye (bệnh lý não gan với các đặc điểm như phù não, suy gan nhiễm mỡ tiến triển nhanh chóng) – một tình trạng hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Vì vậy trừ khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ nhi khoa, bạn không nên cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi uống Aspirin.
Làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn: Môi trường nhiều tiếng ồn cộng thêm việc sử dụng Aspirin liều cao sẽ gây độc cho trung khu thần kinh ở não, ảnh hưởng xấu đến thính lực.
Thảo Nguyên
Chưa có bình luận.