Theo Đông y, xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng chỉ thống. Thường được dùng trị cảm sốt, cúm, trị ho, viêm họng, viêm phổi, sưng amidan,…
Xuyên tâm liên. Ảnh: TL |
Còn có tên khác là cây công cộng, khổ đởm thảo, nhất kiến hỷ, là cây nhỏ sống 1 – 2 năm, mọc thẳng đứng, có thể cao đến 1m. Thân vuông, phân nhánh nhiều, các cành mọc theo 4 hướng. Lá mọc đối, có cuống ngắn, phiến lá hình trứng. Hoa nhỏ, màu trắng có điểm hường, mọc thành chùm ở nách lá hay ở ngọn cành. Quả nang dài. Hạt hình trụ, thuôn dài, màu nâu nhạt. Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất của cây thu hái vào đầu thu khi cây bắt đầu ra hoa, cắt thành từng đoạn, phơi hoặc sấy.
Theo Đông y, xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng chỉ thống. Thường được dùng trị cảm sốt, cúm, trị ho, viêm họng, viêm phổi, sưng amidan, viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, khí hư, đau bụng kinh, viêm nhiễm đường ruột, huyết áp cao, đau nhức cơ thể, tê thấp, mụn nhọt, vết thương giải phẫu, bỏng. Dùng ngoài giã đắp mụn nhọt, ghẻ lở. Dùng ngoài không kể liều lượng giã đắp hoặc nấu nước rửa. Có thể chế thuốc mỡ để bôi.
Một số bài thuốc sử dụng xuyên tâm liên:
Viêm amidan: Xuyên tâm liên, huyền sâm, mạch môn, kim ngân hoa mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
Viêm phế quản: Xuyên tâm liên, huyền sâm, mạch môn mỗi thứ 12g: vỏ quýt lâu năm, cam thảo mỗi thứ 4g. Sắc đặc uống ngày một thang, chia 2 – 3 lần uống trong ngày.
Lở ngứa, rôm sảy, mụn nhọt: Lá xuyên tâm liên 1 nắm giã nát với rượu, dùng để xoa, đắp tại chỗ. Kết hợp cho uống thuốc sắc: Kim ngân hoa, sài đất, bèo cái, lá trắc bá, lá tre. Mỗi thứ một nắm nhỏ, sắc đặc uống ngày một thang, chia 2 – 3 lần. Dùng đến khi khỏi.
Rượu bổ (dùng trong những trường hợp yếu mệt): Rễ cây xuyên tâm liên phơi khô, lô hội 30g, rượu 40 độ vừa đủ 1 lít. Ngày dùng 4-16g rượu.
Bác sĩ Thu Vân
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Chưa có bình luận.