Táo bón là chứng bệnh rất hay gặp trong thời tiết hanh khô, mặt khác nhiều người ngại uống nước do ít cảm giác khát khiến cơ thể thiếu nước, ăn uống thiếu chất xơ, rau quả.
Táo bón là chứng bệnh rất hay gặp trong thời tiết hanh khô, mặt khác nhiều người ngại uống nước do ít cảm giác khát khiến cơ thể thiếu nước, ăn uống thiếu chất xơ, rau quả. Vì vậy phân khô rắn đọng lại ở trực tràng, có khi 3 – 4 ngày không đại tiện được. Nguyên nhân theo Đông y là do khí hư, huyết hư, nhiệt tà tích tụ ở đại trường; do âm hư sinh nội nhiệt; hoặc do ăn uống không hợp lý. Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống, người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc sau.
Người bệnh táo bón nên ăn nhiều rau củ quả, uống nhiều nước,….
Táo tón do khí trệ: Người bệnh đại tiện táo kết, 3 – 4 ngày không đi ngoài được, bụng đầy bí, ậm ạch, thường gặp ở người cao tuổi, thể trạng hư yếu, người mệt mỏi, toát mồ hôi, hông sườn đầy ách, lưỡi đỏ, mắt đỏ… Nguyên tắc chữa trị: điều khí, khai trệ, nhuận trường. Dùng một trong các bài:
Bài 1: chỉ xác 12g, đại hoàng 5g, trần bì 12g, sinh địa 12g, sa sâm 16g, hoàng kỳ 10g, kim ngân hoa 14g, cam thảo 12g, rau má 16g, cỏ mực 20g, phòng sâm 16g, bạch thược 12g, bạch linh 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: trần bì 12g, chỉ xác 12g, mộc thông 16g, sinh địa 16g, sa sâm 16g, sâm hành 16g, thăng ma 10g, hồng hoa 6g, cam thảo 10g, mơ muối 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Táo bón do huyết hư: Người bệnh đại tiện táo kết, phân khô rắn, bụng đầy bí, da xanh, người gầy, niêm mạc nhợt nhạt, hay bị hoa mắt chóng mặt… Phép trị: dưỡng huyết, sinh tân, nhuận trường. Dùng một trong các bài:
Bài 1: đương quy 16g, thục địa 16g, hà thủ ô 16g, đại táo 10g, bạch thược 12g, chỉ xác 12g, đào nhân 12g, cam thảo 10g, thiên môn 16g, mạch môn 16g, hoa kim ngân tươi 15g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: đương quy 20g, ngưu tất 16g, chỉ xác 10g, trạch tả 10g, sinh địa 12g, ngân hoa 12g, nhục thung dung 12g, đại táo 10g, sa sâm 16g, hồng hoa 5g. Sắc uống ngày 1 thang.
Táo bón do nhiệt tà tích tụ ở đại trường: Người bệnh đi ngoài phân táo, bụng đầy bí, gõ hố chậu trái nghe tiếng đục, miệng khô họng ráo, khó ngủ, bụng nổi cục, chất lưỡi đỏ. Phép trị là thanh nhiệt, thông nhuận. Dùng một trong các bài:
Bài 1: sinh địa 16g, chỉ xác 12g, đào nhân 12g, hồng hoa 10g, tri mẫu 10g, hoàng bá 10g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, trần bì 12g, bạch thược 12g, liên kiều 12g, cát căn 16g, đại táo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: trần bì 12g, chỉ xác 12g, phòng sâm 16g, đương quy 16g, thiên môn 16g, mạch môn 16g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, rau má 20g, cỏ mực 20g, cát căn 16g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Lưu ý: Người bệnh nên ăn nhiều rau, hoa quả chín, kiêng ăn các chất cay nóng, khô cứng, uống đủ nước (1,5 – 2 lít nước/ngày), vận động tập luyện vừa sức, tránh ngồi lâu.
Lương y Thanh Ngọc
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Chưa có bình luận.