Đau răng, sưng bọng răng, đau lợi là những chứng bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Theo Đông y, sưng lợi, đau răng, sưng bọng răng thuộc “phong nha đông thống”.
Đau răng, sưng bọng răng, đau lợi là những chứng bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Theo Đông y, sưng lợi, đau răng, sưng bọng răng thuộc “phong nha đông thống”. Bệnh có thể tái phát từng đợt hoặc tự nhiên xảy ra khi gặp gió lạnh, sau khi ăn thức ăn lạ: thịt trâu, thịt gà cũng như một vài thực phẩm khác. Bệnh tuy không nghiêm trọng nhưng nếu không chữa trị ngay, lâu ngày ảnh hưởng đến ăn uống và toàn bộ cơ thể.
Người bệnh có biểu hiện sưng bọng ở một hay nhiều chân răng, có thể ở một hoặc cả hai bên hàm răng, thường sưng khu vực xương hàm. Nếu sưng cả hai bên làm cho má sưng to, ăn uống kém; mạch tế sác. Nguyên nhân do kinh vị hỏa thịnh phối hợp với phong nhiệt tà ở bên ngoài xâm nhập lưu trú, làm phong nhiệt hóa hỏa tại vùng lợi và chân răng gây sưng. Nếu phong tà mạnh làm bọng răng đau nhức khó chịu, người bệnh sốt hoặc sưng tấy một hoặc cả hai bên hàm răng. Phép chữa là khu phong thanh nhiệt, trừ thấp.
Bạch chỉ là vị thuốc trong bài thuốc bôi trị đau răng , sưng bọng răng.
Thuốc uống
Bài 1: Thanh vị tán gia giảm: liên kiều 8g, bạch chỉ 10g, quy vĩ 12g, sinh địa 12g, đơn bì 12g, thăng ma 12g, hoàng liên 10g, phòng phong 12g, thạch cao 12g, sinh khương 3 lát, đại táo 5 quả. Sắc uống trong ngày.
Bài 2: thạch cao 20g, thăng ma 15g, hoàng liên 10g. Sắc uống trong ngày. Dùng 5 – 7 thang.
Bài 3: Trị nha tiên đơn: sinh địa 32g, huyền sâm 32g, thục địa 32g, thạch cao 20g, chi tử 8g, tri mẫu 4g, hoàng cầm 4g, hoàng liên 4g. Sắc uống trong ngày.
Thuốc dùng tại chỗ
Bài 1: Bảo nha tán: thạch cao 40g, xuyên ô chế 40g, thảo ô chế 40g, hoa tiêu 40g. Tán bột mịn. Xát thuốc vào chân răng, khi ra nhiều nước bọt thì nhổ đi không được nuốt.
Bài 2: bạch chỉ 4g, tế tân 4g, cao lương khương 4g, tất bát 4g, xuyên tiêu 4g, hương phụ 4g, phòng phong 4g. Sao giòn, tán bột. Xát thuốc vào chỗ đau.
Để tăng hiệu quả điều trị, nên kết hợp châm cứu:
Châm tả các huyệt thiếu hải, thương dương, thái uyên, liên tuyền, nhiên cốc, nội đình, hợp cốc, ngư tế. Châm bổ các huyệt vị du, tỳ du, nội quan, thận du, huyết hải.
TS. Nguyễn Đức Quang
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Chưa có bình luận.