Thứ Bảy, 23/03/2019 | 16:20

Hướng dẫn bài tập đi với nạng, lên xuống cầu thang

Nạng là một loại dụng cụ trợ giúp di chuyển cần thiết để giúp người gặp khó khăn trong di chuyển, đi lại. Có hai loại chính: nạng nách và nạng khuỷu.

Cách chọn nạng:

Phần trên cùng của nạng (đầu nạng) phải cách hõm nách khoảng 3 – 4cm khi bạn đứng thẳng. Tay cầm của nạng ngang với khớp háng để khi cầm, khuỷu hơi gấp. Giữ chặt đầu nạng vào thân mình, chỉ dùng tay đỡ trọng lượng cơ thể chứ không dùng nách.

Chỉ định tập đi với nạng

Người bệnh liệt nửa người, liệt hai chi dưới, người bệnh tập sử dụng chân giả, nẹp chỉnh hình, trẻ bại não, bại liệt, một số bệnh lý chi dưới khác…

Chống chỉ định tập đi với nạng

Người bệnh có rối loạn tri giác nhận thức, không hiểu lệnh và không điều khiển được các cử động của cơ thể.

Chuẩn bị con người và phương tiện

© Người thực hiện

Bác sỹ chuyên khoa Phục hồi chức năng, kỹ thuật viên Vật lý trị liệu, người được đào tạo chuyên khoa.

© Phương tiện

– Nạng nách hoặc nạng khuỷu.

– Kích thước của dụng cụ này phải phù hợp với từng người bệnh vì vậy cần đo trước khi tập luyện.

+ Đo chiều cao nạng nách: Từ đất đến điểm cách hố nách 2-3 khoát ngón tay

+ Đo chiều cao nạng khuỷu: Từ sàn nhà đến cổ tay, đoạn tựa khuỷu từ khuỷu đến cổ tay.

© Người bệnh

© Hồ sơ bệnh án: Bệnh án và phiếu điều trị chuyên khoa

– Các xét nghiệm liên quan.

– Lượng giá các dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và tình trạng người bệnh.

– Đọc kỹ phiếu điều trị.

Các bước tiến hành tập đi với nạng

© Cách đi ba điểm

Đầu tiên 2 nạng được di chuyển trước, sau đó đến chân bị bệnh (yếu hơn) đưa ra trước, rồi tiếp đến chân bình thường (chân bình thường được đặt ở phía trước nạng).

© Cách đi bốn điểm luân phiên

Cách đi này tạo ra ít nhất là 3 điểm trợ giúp ở cùng một thời điểm. Nạng bên phải di chuyển trước tiên -> bàn chân trái -> nạng bên trái -> bàn chân phải.

© Cách đi hai điểm luân phiên

Kiểu đi này nhanh hơn kiểu đi 4 điểm. Nó yêu cầu thăng bằng tốt hơn vì chỉ có 2 điểm trợ giúp cơ thể cùng một lúc. Nạng trái và chân phải di chuyển lên trước cùng một lúc. Nạng phải và chân trái di chuyển lên trước cùng một lúc.

© Cách đi kiểu đu đưa

Kiểu này dùng cho những người bệnh không thể dồn trọng lượng lên một chân.

Chuẩn bị bước đi, nghiêng người về phía trước một chút và đặt nạng lên phía trước chân của bạn. Bắt đầu bước bằng nạng như thể bạn đang đi bằng chân đau, nhưng thay vì dồn trọng lượng lên chân đau thì bạn dồn trọng lượng vào nạng. Cơ thể bạn di chuyển nhịp nhàng giữa hai nạng. Kết thúc bước đi bình thường bằng chân lành. Khi chân lành tiếp đất, bạn di chuyển hai nạng về phía trước để chuẩn bị cho bước đi tiếp theo. Hãy tập trung vào nơi bạn đang đi bộ chứ không phải trên đôi chân của bạn.

© Cách lên xuống cầu thang bằng nạng

Để lên, xuống cầu thang với nạng, bạn cần phải là người có sức khỏe và có khả năng linh hoạt. Đứng trước cầu thang, một tay giữ lan can, một tay kẹp hai nạng vào giữa nách. Khi đi lên, nhấc từng bước ngắn bằng chân lành, chân đau nâng lên cao, đưa ra sau.

– Xuống cầu thang: Đặt nạng và chân yếu xuống trước, sau đó bước chân lành xuống bậc thang đó. Chân yếu luôn luôn có nạng để trợ giúp.

Một cách dễ dàng hơn là ngồi trên bậc cầu thang và dịch chuyển thân mình lên hoặc xuống từng bậc. Bắt đầu bằng cách ngồi trên bậc cầu thang thấp nhất, đưa chân đau ra phía trước, tay bên chân lành giữ hai nạng nằm phẳng so với cầu thang. Dịch mông lên hoặc xuống với sự hỗ trợ của hai tay và chân lành.

© Cách sử dụng 1 nạng

Cho nạng ở phía bên lành, cho chân liệt và một nạng bước lên cùng một lúc, tiếp theo sau là chân lành.

© Cách ngồi

Cần đảm bảo rằng chiếc ghế ngồi vào phải vững chắc. Di chuyển chân đau về phía trước, một tay giữ hai nạng, tay kia vịn ghế và kiểm tra độ chắc chắn của ghế. Khi cảm thấy ghế vững vàng, từ từ hạ thấp thân mình xuống ghế, hai nạng để cùng nhau vào một vị trí thuận tiện (ngang tầm với). Để đứng lên, dịch người ra phía trước một chút, cầm lấy hai nạng, cùng nạng hỗ trợ để đẩy mình lên và đứng lên bằng chân lành.

Theo dõi

Theo dõi tình trạng, mạch, nhiệt độ, huyết áp của người bệnh trong và sau khi làm kỹ thuật.

Tai biến và xử trí trong bài tập đi với nạng

– Trong khi tập với nạng, người bệnh có thể bị ngã hoặc dụng cụ bị gẫy.

– Xử trí: kiểm tra kỹ dụng cụ trước khi tập, phải luôn có một người đi cạnh để trợ giúp người bệnh.

Yhocvn.net (Trích theo hướng dẫn Bài tập đi với nạng của BYT)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook