Áp lực cuộc sống, công việc, học hành khiến tỷ lệ trí thức trẻ nhập viện tâm thần ngày càng gia tăng.
Phát bệnh tâm thần vì thăng chức
Đ. (quê Hưng Yên) là sinh viên của một trường đại học lớn có chương trình học tập khá “nặng”. Dù sức khỏe kém, thân hình gầy gò song Đ. vẫn cố hết sức học tập. Khi đang là sinh viên năm thứ 4, áp lực học tập quá lớn đã khiến cậu sinh viên này lo lắng đến mức thường xuyên mất ngủ, ăn uống kém. Khi được gia đình đưa vào thăm khám tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), các bác sỹ cho biết Đ. đã bị rối loạn tâm thần.
Viện Sức khỏe tâm thần cũng từng đón nhận một thầy giáo phát bệnh tâm thần do được… lên làm sếp. Thầy giáo này dạy văn cho một trường THCS ở Sơn La. Vì chuyên môn rất tốt nên vị thầy giáo được cân nhắc lên làm hiệu trưởng trường. Phải đảm đương trọng trách mới khiến thầy giáo này lo lắng, áp lực và luôn thấy công việc vượt quá tầm kiểm soát của mình. Sau đó, vị thầy giáo đã có những biểu hiện như khóc lóc, sợ hãi cho rằng mình là người bất tài, không giải quyết được việc gì và phải nhập viện tâm thần để điều trị.
Áp lực công việc, học tập khiến nhiều trí thức lo âu, mất ngủ dẫn đến tâm thần (ảnh minh họa)
Công tác lâu năm tại Viện sức khỏe tâm thần, bác sỹ Nguyễn Văn Dũng cho biết, mỗi năm nơi đây điều trị cho cả nghìn bệnh nhân nội trú và hàng chục nghìn bệnh nhân ngoại trú. Trong số các bệnh nhân, có không ít người là giới trí thức như sinh viên, giáo viên, nhân viên văn phòng… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trí này. Đó có thể là do nguyên nhân nội sinh, tức là chứng bệnh vốn đã tiềm ẩn sẵn trong cơ thể người đó, khi chịu sự tác động, thay đổi của các yếu tố bên ngoài thì bệnh bộc phát. Nguyên nhân ngoại sinh là do những áp lực trong công việc, học tập khiến họ cảm thấy bản thân không đáp ứng được sự kỳ vọng của mọi người dẫn đến lo âu, mất ngủ rồi sinh bệnh. Người sống nội tâm, khi gặp phải những sang chấn tâm lý (mâu thuẫn bạn bè, đồng nghiệp, gia đình…) cũng dễ bị “sốc”, dẫn tới tâm thần.
Không nên quá ham công tiếc việc
Việc điều trị cho các bệnh nhân tâm thần phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Những bệnh nhân rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc thì công tác điều trị dễ hơn. Với những trường hợp bệnh nhân bị rối loạn tâm thần lại vừa suy nhược cơ thể, vừa dị ứng với thuốc, bản thân bệnh nhân lại đang mắc các chứng bệnh khác về tim, gan, phổi, các bệnh suy giảm miễn dịch thì việc điều trị sẽ rất khó khăn. Những người bị loạn thần, thời gian điều trị thường phải từ 3 – 6 tháng mới có kết quả.
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng
Để tránh bệnh nhân bị tái phát lại thì việc điều trị tái hòa nhập cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng việc điều trị tái hòa nhập cộng đồng cho bệnh nhân thì lại phụ thuộc khá nhiều vào chính gia đình và bệnh nhân. Ví dụ như gia đình có điều kiện để mua thuốc đầy đủ, bệnh nhân tuân thủ việc uống thuốc đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ, thành viên gia đình được trang bị đủ kiến thức về tâm thần thì khả năng tái phát của bệnh nhân sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, thực tế là có một số bệnh nhân thường giấu gia đình không uống thuốc hoặc giả vờ uống thuốc rồi nhè ra mà gia đình bệnh nhân không biết. Rồi nhiều gia đình chưa có các kiến thức nền tảng đúng đắn về việc điều trị tâm thần để hỗ trợ giúp đỡ cho bệnh nhân… Mà như thế thì tỷ lệ điều trị thất bại là rất lớn.
Bác sỹ Dũng khuyến cáo, giới trí thức không nên ham công tiếc việc quá, cần chú trọng cân bằng cuộc sống, vừa làm việc, vừa nghỉ ngơi hợp lý. Vì trí thức lao động đầu óc nhiều nên cần dành thời gian để tham gia các hoạt động lao động chân tay, hoặc tập thể dục thể thao thường xuyên. Khi có những hiện tượng như rối loạn giấc ngủ, ăn uống kém hay tính tình thay đổi, thường xuyên cảm thấy bứt rứt, lo âu thì cần đi thăm khám ngay. Bởi giấu diếm tình trạng bệnh của mình sẽ khiến bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho công tác điều trị sau này.
Phương Linh
Mọi ý kiến đóng góp, bài vở, hình ảnh, clip đồng hành cùng Chiến dịch “Chống thực phẩm bẩn” xin quý vị vui lòng gửi về địa chỉ:
Tòa soạn Emdep.vn
Địa chỉ: Tầng 3- Tòa nhà Đại Phát – Ngõ 82 Duy Tân – Hà Nội
Điện thoại: 0437959783
Email: toasoan@emdep.vn,banbientap@i-com.vn
Hotline:0914926900
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.