Nghe những lời ngọng nghịu đáng yêu của con, nhiều phụ huynh có thói quen cười đùa, hưởng ứng thậm chí bắt chước lại mà không biết đây có thể là một dấu hiệu bất thường ở trẻ.
Con nói ngọng, lỗi tại bố mẹ
Bé Mai, con gái anh chị Minh Sơn, Thu Phương (Ba Đình, HN) thường bập bẹ nói nhiều câu ngọng ngịu rất đáng yêu từ năm 2 tuổi. Bởi thế nên mỗi lần nghe bé nói là bố mẹ và những người thân trong nhà lại đáp lời bằng những câu bắt chước lời bé. Thấy được mọi người hưởng ứng, bé lại càng nói nhiều hơn và thích thú với giọng ngọng ngịu của mình.
Nhiều người cũng khuyên gia đình bé không nên cổ vũ con nói ngọng như vậy nhưng chị Phương tỏ ra không mấy quan tâm bởi suy nghĩ rằng, lúc tập nói trẻ nào cũng ngọng vậy, lớn lên tức khắc sẽ hết. Bản thân chị ngày bé cũng nói "ngọng líu ngọng lô" vậy mà lớn lên, chị đâu có sao.
Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như chị nghĩ. Giờ con gái chị đã vào lớp 1 nhưng bé vẫn còn ngọng khá nhiều. Đi khám bác sĩ chị được biết bé không có gì bất thường về cấu trúc lưỡi răng, lý do bé nói ngọng được xác định là do thói quen. Đến lúc này chị mới giật mình. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả từ thói quen này không hề đơn giản.
Những trẻ xem ti vi quá nhiều, hoặc nghiện game cũng có thể bị rối loạn phát âm do cung thính giác không được kích thích. Ảnh minh họa.
Bé Phương Vy, (Thành Công, HN) năm nay đã 4 tuổi nhưng vẫn còn rất ngọng dù cả gia đình đều giọng chuẩn Hà Nội và đều có ý thức chỉnh sửa từng từ cho bé từ nhỏ. Lý do khiến bé ngọng, đặc biệt là giữa chữ “l” và “n” bắt nguồn từ cô giúp việc. Cả ngày bố mẹ đi làm, bé ở nhà với cô giúp việc, mà cô giúp việc lại ngọng hai chữ trên nên vô tình khiến bé bắt chước theo.
Kém may mắn hơn, bé Ngọc, Sơn Dương, Tuyên Quang, năm nay đã lên lớp 4 rồi nhưng vẫn còn ngọng đến mức nhiều câu bé nói phải có bố mẹ phiên dịch mọi người mới hiểu được. Hồi còn bé, bé đã có biểu hiện nói ngọng nhưng do bố mẹ bé chủ quan nghĩ rằng rồi lớn lên mọi việc sẽ đâu vào đấy nên không có biện pháp can thiệp cho bé kịp thời. Hậu quả là giờ do nói quá ngọng khiến bé tự ti, xấu hổ, ngại đến lớp dẫn đến kết quả học tập kém.
Khi nào đáng lo?
Có rất nhiều lý do khiến trẻ nói ngọng. Có những trẻ nói ngọng vì ngậm núm vú giả trong thời gian quá lâu khiến cho lưỡi có xu hướng thè ra ngoài và khi phát âm, âm sẽ bị chệch.
Những trẻ xem ti vi quá nhiều, hoặc nghiện game cũng có thể bị rối loạn phát âm do cung thính giác không được kích thích.
Những trẻ có cấu tạo bẩm sinh bất thường như ngắn hàm lưỡi, sứt môi hở hàm ếch, lưỡi ngắn sẽ dễ bị nói ngọng. Ngay cả những trẻ có cấu tạo bình thường nhưng lại mắc các bệnh mãn tính như bệnh xoang mũi, viêm VA cũng dễ bị rối loạn phát âm.
Ngoài ra, môi trường sống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khiến bé nói ngọng. Những trẻ thường sống với bố mẹ, người giúp việc, hàng xóm nói ngọng trẻ cũng dễ bị ngọng theo. Với những trường hợp này, người thân cần giúp bé chỉnh sửa nói cho chuẩn càng sớm càng tốt.
Theo bác sĩ nhi Ngọc Mai, việc trẻ con nói ngọng ở thời điểm tập nói, khoảng 2 tuổi là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu lớn đến 4,5 tuổi mà trẻ vẫn còn nói ngọng nhiều thì được xem là bất thường cần đưa đến khám bác sĩ chuyên khoa để có những hướng điều trị, can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc về tâm lý.
Tùy theo tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ có cách trị liệu để tình trạng ngọng cải thiện kịp thời. Bé có thể được tập các bài trị liệu ngôn ngữ nhằm thay đổi cách phát âm, dùng lưỡi.
Trọng Nguyên
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.