Thứ Ba, 15/08/2017 | 06:25

Bắt trẻ nhịn ăn, nhịn uống khi bị tiêu chảy mục đích để ngăn không cho trẻ đi ngoài nhiều lần là sai lầm tai hại của phụ huynh.

Lơ mơ, kiệt sức vì nhịn ăn điều trị tiêu chảy

Con bị tiêu chảy nhiều, cứ ăn vào lại đi ngoài, thay vì đưa con đi khám, có bố mẹ nghĩ ra cách cho con nhịn ăn, nhịn uống để không còn đi ngoài và tự khỏi. Quan niệm sai lầm này đã khiến cho nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mất nước, người suy kiệt chỉ còn da bọc xương.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Đại học Y Dược học HCM chia sẻ, quan điểm cho con nhịn ăn để ngừng tiêu chảy còn khá phổ biến.

Bác sĩ đã từng gặp bệnh nhi đang bú mẹ bị tiêu chảy, bà ngoại cháu nghe người ta mách cho cháu ngừng bú sẽ hết tiêu chảy. Sau khi bé ngừng bú một ngày, khi đi khám đã xuất hiện những dấu hiệu lơ mơ do hạ đường huyết và kiệt sức vì bị bỏ đói.

Ám ảnh em bé còn da bọc xương do sai lầm không cho con ăn, uống của cha mẹ để hết tiêu chảy

Trẻ bị mất nước chỉ còn da bọc xương do tiêu chảy, ảnh BSCC.

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp do nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn thì việc ngừng cho trẻ bú, ăn, uống… không thể khỏi được bệnh. Việc không cho trẻ ăn uống sẽ dẫn tới trẻ bị suy kiệt, nguy cơ biến chứng nguy hiểm tới tính mạng cao hơn. Với những trẻ bị tả hay tiêu chảy do Rota virus có thể mất tới 50% lượng nước trong cơ thể chỉ sau 24 giờ.

“Có một nguyên tắc rất cơ bản các bố mẹ cần biết đó là con tiêu chảy mất nước bao nhiêu thì phải cho con bú hoặc uống nước bù lại bấy nhiêu hoặc thậm chí nhiều hơn”, bác sĩ Sang nói.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên bú mẹ nhiều, với trẻ dùng sữa công thức thì cho trẻ ăn tăng số lượng bữa ăn. Tuyệt đối không cho trẻ uống nước trái cây. Trẻ trên 6 tháng tuổi cần uống thêm nước và bù nước bằng Oresol.

Bác sĩ Sang khuyến cáo, nếu trẻ nôn trớ, tiêu chảy nhiều lần trong ngày và kéo dài trên 10 ngày, trẻ có thể đau bụng dữ dội, quấy khóc liên tục, lừ đừ, li bì, nghiêm trọng hơn là tiểu ít, sút cân… là mắc hội chứng dạ dày – ruột cấp tính  (Acute gastroenteritis Syndrome – A.G.E.S).

Trên thế giới có khoảng 5 tỷ trẻ em nhập viện do hội chứng này và nó cũng cướp đi sinh mạng hơn 2 triệu trẻ em mỗi năm. Dù là nơi vệ sinh sạch sẽ tiên tiến như Mỹ, Anh, hay Singapore… vẫn tốn hàng tỷ đô la mỗi năm cho việc điều trị các bé tiêu chảy. 75% số ca mắc hội chứng dạ dày – ruột cấp tính là do Rota vi rút, có khoảng 10%  trẻ bị tiêu chảy do vi khuẩn.

Phòng tiêu chảy đơn giản bằng cách nào

Theo bác sĩ Sang, cách phòng tiêu chảy đơn giản là rửa tay đúng cách. Rửa tay với xà phòng khuyến cáo trên 15 giây và khi rửa xong phải đóng vòi nước bằng khăn giấy không phải bằng tay mới rửa. Nên rửa trước khi chạm vào bé sau khi chạm vào bé, chạm vào chất thải của bé, hắt xì, cầm đồ bẩn… Chế biến thức ăn cho bé phải sạch, nguồn gốc rõ ràng, tươi ngon, thức ăn không nên để qua ngày. Chăm sóc và quản lý phân trẻ tốt.

Bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh, rửa tay đúng cách khi chăm sóc trẻ nên đưa trẻ đi uống vắc xin. Vắc xin ngừa Rota có hai loại, vắc xin ngừa rota đơn giá Rotarix® (ngừa type G1 và Non-G1: G3,G4,G9) uống 2 liều cách nhau ít nhất 4 tuần. Vào 2 tháng tuổi – 4 tháng tuổi và 6 tháng tuổi. Vắc xin ngừa rota ngũ giá Rotateq® (ngừa type G1,G2,G3,G4 và các type có chứa P1A) dùng 3 liều cách nhau tối thiểu 4 tuần và trước 32 tuần. Vào 2 tháng tuổi – 4 tháng tuổi.

 “Sau uống ngừa Rota, một số trẻ có phản ứng sốt nhẹ, đau bụng, tiêu lỏng ít, nôn nhưng đây là phản ứng tích cực cho mẹ không cần quá lo lắng”, bác sĩ Sang lưu ý.

 

 

Ngọc Minh

 

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook