Ai cũng nghĩ bệnh tiểu đường là “đặc sản” của người cao tuổi. Nhưng giờ thì 8 tuổi đã phải nhập viện. Có đến 5% trẻ em mắc bệnh tiểu đường và phải điều trị suốt đời, lỗi do ai?
8 tuổi bị tiểu đường
Hầu hết khi nhắc đến bệnh nhân bị tiểu đường, bất kỳ ai cũng hình dung ra hình ảnh những ông già bà lão đã vào độ tuổi thất thập cổ lai hy. Không mấy ai nghĩ đến việc trẻ con sẽ mắc bệnh này.
Nhưng cách nghĩ đó đã quá xưa cũ khi gần đây rất nhiều bệnh nhân là trẻ em phải nhập viện khám và điều trị bệnh tiểu đường với mức độ bệnh nặng.
Lời cảnh báo của bác sĩ không bao giờ là lời nói suông khi mới đây, một em bé 8 tuổi (giấu tên) ở Tô Châu, Trung Quốc đã bị phát hiện bị bệnh tiểu đường tuýp 1 sau khi mẹ bé phát hiện bé có những triệu chứng “lạ” đến bất thường.
Trước đó, khi nhìn thấy con bỗng nhiên thường xuyên mệt mỏi, cơ thể uể oải, thích ngủ nhiều, ăn uống rất nhiều nhưng lại không thấy béo lên.
Dù con có diễn biến bất thường, mẹ bé vẫn nghĩ có thể con bị thiếu dinh dưỡng hoặc hấp thụ kém, nên đã tiếp tục tăng thêm khẩu phần ăn và giục bé ăn nhiều hơn.Cho đến một ngày, bé bỗng nhiên ngã gục xuống sàn nhà ngất lịm khiến bố mẹ hoảng hốt đưa ngay vào viện cấp cứu.
Theo các báo cáo và thống kê về tình trạng bệnh của trẻ ở Trung Quốc, các trẻ em mắc bệnh tiểu đường là khá phổ biến.Cụ thể, số lượng trẻ em mắc bệnh tiểu đường chiếm tỷ lệ 5% trên tổng bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đã được khám, đáng sợ hơn là tỉ lệ mắc bệnh tăng với tốc độ 10%/mỗi năm.
Trong khi đó, trẻ em đã bị bệnh tiểu đường loại 1 thì có đến khoảng 90% bệnh nhân không thể chữa khỏi, đòi hỏi phải điều trị bằng insulin suốt đời.
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường ở trẻ em
Theo các bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh cho bé cho biết, hầu hết bệnh nhi bị bệnh tiểu đường phải vào viện đều có thói quen chung là thích uống nước ngọt, ăn nhiều thức ăn chiên xào.
Trẻ bị béo phì cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường. Béo phì liên quan đến tiểu đường vì có chung nguồn gốc là thực phẩm ăn uống không hợp lý.
Trẻ thành phố gần như không có nhiều cơ hội để vận động, thể dục thể thao. Ăn nhiều thực phẩm và nuôi dưỡng không đúng cách khiến trẻ bị béo phì ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, việc cho trẻ ăn các thức ăn bổ dung dinh dưỡng quá sớm, tỉ lệ thịt nhiều hơn rau, không ăn nhiều các món ăn theo cách truyền thống là những lý do khiến trẻ bị đe dọa sức khỏe nghiêm trọng.
Ngoài ra, nếu trong gia đình có lịch sử mắc bệnh tiểu đường thì trẻ em sẽ có nguy cơ mắc bệnh với tỷ lệ cao hơn.
Phụ huynh đang nuôi con nhỏ nên chú ý thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu, lượng đường trong nước tiểu, để phòng bệnh phát hiện và điều trị sớm cho con em mình.
Những triệu chứng nghi bị tiểu đường ở trẻ em
Làm sao để biết trẻ em có mắc bệnh tiểu đường hay không quả thực cũng không đơn giản nếu như không đi khám.
Có một công thức chung để tự khám bệnh trước mà giới y học hay gọi là “3 nhiều 1 ít”. Khi bạn quan sát thấy trẻ có 3 biểu hiện tăng lên gồm đi tiểu nhiều, ăn nhiều, uống nhiều và 1 biểu hiện ít đi đó là trọng lượng giảm hoặc không tăng.
Đồng thời, có thể có những biểu hiện kèm theo như sốt, khó thở, say say hoặc thậm chí ngất xỉu và các hiện tượng khác.
Nếu cha mẹ thấy trẻ có các triệu chứng này cần phải tìm cách điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không kiểm tra chi tiết thì bệnh sẽ trở nên nặng hơn hoặc có biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ nên thường xuyên đo chiều cao, cân nặng của trẻ và so sánh với bảng tiêu chuẩn chiều cao cân nặng theo lứa tuổi hoặc trẻ bình thường cùng trang lứa để đặt ra những giả thiết khi nghi ngờ con có biểu hiện lạ.
Cách ngăn ngừa bệnh tiểu đường cho trẻ em
1. Chế độ ăn uống hợp lý
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên gương mẫu trong việc lựa chọn cho mình một lối sống lành mạnh để trẻ noi theo, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Duy trì thực đơn phù hợp và khoa học với ngày 3 bữa ăn. Chú ý đến số lượng và chất lượng của bữa sáng. Tránh các thực phẩm có hàm lượng calo cao, nên chọn đúng và đủ lượng protein, chất xơ và rau quả.
2. Cho trẻ ăn dặm kịp thời, đúng độ tuổi
Trẻ nhỏ nên được bắt đầu tập ăn dặm trong khoảng thời gian bé được 4-6 tháng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều làm tăng thêm rủi ro mắc bệnh tiểu đường loại 1 khoảng từ 0,91- 2,02 lần so với trẻ bình thường.
3. Tập thể dục, vận động hợp lý
)
Các bậc cha mẹ nên chú ý đến việc tạo cho trẻ những thói quen tập thể dục đều đặn, vận động thích hợp. Tránh để trẻ trở thành những cậu ấm cô chiêu “mũm mĩm, béo phì”.
Khi trẻ tăng cân thì phải có biện pháp giảm cân để ổn định trọng lượng. Nếu không nghiêm khắc trong việc giám sát cân nặng thì khả năng mắc bệnh sẽ nằm trong tầm tay.
Thời gian tập thể dục cho trẻ tối thiểu khoảng 4-5 giờ/tuần để có điều kiện cho trẻ tiêu thụ lượng calo dư thừa khi ăn uống.
Các chuyên gia sức khỏe và y tế cho rằng, tất cả những bệnh tật phát sinh ở trẻ em mà không phải bệnh bẩm sinh, đa phần đều có sự liên quan đến cách chăm sóc trẻ. Các bậc phụ huynh cần phải đặc biệt lưu ý.
Bệnh tiểu đường không nguy hiểm chết người như các bệnh khác, nhưng sẽ làm cho trẻ mang bệnh suốt đời và chữa trị vô cùng phức tạp.
Theo Trí thức trẻ
Nguồn: TTOnline
Chưa có bình luận.