Đột quỵ do tắc mạch não và đau thắt ngực do nhồi máu cơ tim là hai nguy cơ gây tử vong và tàn phế rất cao. Với sự tiến bộ của y học, trong đó việc dùng thuốc chống đông máu và can thiệp nội mạch đã cứu sống nhiều bệnh nhân.
Tuy nhiên, bệnh nhân phải được cấp cứu y khoa sớm, trong khoảng “thời gian vàng” mới cho kết quả mong đợi.
Tim, não yếu là rất nguy
Đột quỵ là tình trạng não bị tổn thương do bệnh lý: tắc mạch gây thiếu máu (nhồi máu não, nhũn não) chiếm đến 71%, xuất huyết (vỡ mạch máu não) chiếm 26% và các nguyên nhân khác chiếm 3% còn lại. Tuổi càng cao, nguy cơ đột quỵ càng lớn.
Đột quỵ là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật, đứng hàng thứ ba về bệnh gây tử vong ở người lớn, sau ung thư và tim mạch.
Theo giáo sư Stephen Davis – chủ tịch Tổ chức Đột quỵ thế giới, mỗi năm toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong. Ở Việt Nam, theo Bộ Y tế, hơn 200.000 ca đột quỵ/năm, nhồi máu não chiếm 70-80% và tỉ lệ tử vong còn cao.
Trong khi đó, ở hệ đại tuần hoàn, tim là cái bơm, đẩy máu nuôi toàn cơ thể. Bản thân cái “bơm” tim cũng được hệ thống động mạch vành, gồm hai nhánh, xuất phát từ gốc động mạch chủ đưa máu đến nuôi cơ tim.
Khi mạch vành bị hẹp lòng do co thắt hay xơ vữa, lượng máu nuôi cơ tim sẽ bị thiếu, gây ra bệnh mạch vành: bệnh cơ tim thiếu máu, thiểu năng vành hay suy vành. Nếu mảng xơ vữa bong ra, thành mạch bị tổn thương, chảy máu tạo cục huyết đông gây tắc mạch vành đột ngột hay nhồi máu cơ tim.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo mỗi năm có 2,5 triệu người chết do bệnh nhồi máu cơ tim, trong đó 25% chết ở giai đoạn cấp tính của bệnh và năm sau đó chết thêm 5-10%.
Thời gian “vàng”cứu não và tim
Các tế bào thần kinh, neuron rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy và dưỡng chất, khi bị đột quỵ, vùng não thiếu máu nuôi sẽ ngưng hoạt động rồi “chết” đi trong vòng vài giây đến vài phút. Trong đột quỵ do tắc động mạch lớn, cứ qua 1 phút có khoảng 2 triệu neuron sẽ chết. Mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều vào phát hiện và điều trị. Nếu đến viện trong 3 giờ đầu sẽ phục hồi khả quan.
Với sự tiến bộ của y học, tỉ lệ tử vong do đột quỵ đã giảm. Phương cách can thiệp nội mạch của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ (2015) được nhiều nước, kể cả Việt Nam, áp dụng cho hiệu quả đến 80%. Tuy nhiên, việc cấp cứu can thiệp nội mạch chỉ có hiệu quả nếu được tiến hành sớm, trong “giờ vàng”, sau 6 giờ sẽ không còn tác dụng.
Ở Việt Nam, kiến thức về "giờ vàng" (3-4 giờ đầu từ khi khởi phát đột quỵ) chưa được nhiều người biết nên rất nhiều bệnh nhân tàn phế vì di chứng.
Nhưng với trái tim thì thời gian lại còn cấp bách hơn nhiều. Nghiên cứu của thế giới đã cho thấy từ lúc bệnh nhân có biểu hiện đau thắt ngực hoặc quỵ xuống đến lúc được can thiệp động mạch vành dưới 2 giờ là thời gian tốt nhất, tỉ lệ sống cao nhất, đây là “thời gian vàng” để cứu tim.
Nhiều chuyên gia tim mạch tính rằng cứ trì hoãn việc tái tưới máu cho nhồi máu cơ tim cấp 30 phút thì nguy cơ tử vong sau 1 năm tăng lên 8%. Tiếc thay, ở Việt Nam, nhiều bệnh nhân đến bệnh viện quá muộn nên không cứu được hoặc để lại di chứng nặng nề.
Với sự tiến bộ của y học, tỉ lệ tử vong do đột quỵ và nhồi máu cơ tim giảm so với trước đây rất nhiều. Do đó, khi có bệnh nhân đột quỵ, không nên cố gắng sơ cứu theo thói quen, đặc biệt dùng những thủ thuật “dân gian”, thuốc nam mách miệng… sẽ làm hao phí thời gian vàng của người bệnh, mà nên đưa ngay người bệnh đến các trung tâm y tế.
TS.BS TRẦN BÁ THOẠI (TTO)
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.