Bố mẹ cần dạy cho trẻ về những đối tượng ‘an toàn’ và cách xử lý nếu gặp nguy hiểm.
Những vụ xâm hại trẻ em liên tiếp xảy ra đã trở thành đề tài “nóng” hơn bao giờ hết trên các diễn đàn dành cho cha mẹ. Bên cạnh những bức xúc và mong muốn vụ việc được đưa ra ánh sáng, các ông bố, bà mẹ đều mang trong lòng một nỗi niềm lo lắng chung là làm sao bảo vệ con mình khỏi “yêu râu xanh” vì chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, thậm chí cả những người đã quen biết với gia đình.
Nhiều phương pháp giáo dục giới tính và phòng tránh nguy cơ xâm hại được giới thiệu cho trẻ em và dưới đây là 3 nguyên tắc cha mẹ không nên bỏ qua. Bằng những hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu, bố mẹ có thể trang bị cho con kiến thức đầy đủ vì khi các con biết tự bảo vệ chính mình có lẽ là phương pháp tốt hơn cả.
1. Quy tắc 3 bước do UNFPA chia sẻ
Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam UNFPA chia sẻ một đoạn video dài 4 phút của tổ chức How to tell your child cung cấp cho phụ huynh 3 bước cần làm để phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em.
– Biết về 5 mối nguy hiểm trẻ dễ gặp phải bao gồm:
Báo động Nhìn: Khi có người nhìn vào vùng kín của trẻ, hoặc bắt trẻ nhìn vào vùng kín của họ.
Báo động Nói: Nói chuyện về vùng kín với trẻ.
Báo động Chạm: Khi ai đó sờ vào vùng kín của trẻ, hoặc dụ dỗ trẻ sờ vào vùng kín của người đó.
Báo động Bắt cóc: Đưa trẻ đến khu vực vắng mà không có sự cho phép của cha mẹ.
Báo động Ôm: Bế trẻ nhỏ theo cách không đúng đắn.
– Hành động nếu thấy một trong những báo động trên. Bố mẹ (hoặc người lớn) cần đứng lên bảo vệ trẻ và thông báo với cơ quan chức năng. Trong trường hợp điều đáng tiếc xảy ra, đừng đổ lỗi cho trẻ.
– Chia sẻ những thông tin này cho mọi người.
2. Quy tắc quần lót
Năm 2014, Hiệp hội Quốc gia Phòng Chống Bạo hành Trẻ em (NSPCC) đưa ra PANTS rules (Quy tắc quần lót), kêu gọi phụ huynh hãy dạy con mình bảo vệ bản thân trước các hành vi dâm ô, sàm sỡ. Quy tắc này bao gồm 5 bước nhấn mạnh sự riêng tư giới tính của trẻ.
P – Private (Riêng tư): Trẻ cần ghi nhớ rằng không ai có thể được phép nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ, y tá phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, họ cần có sự đồng ý của bé trước khi chạm vào cơ thể bé.
A – Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con): Hãy cho bé biết rằng cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói: “Không”.
N – No means no (Không là không): Trẻ cần nhận thức được rằng trẻ có quyền nói “không” với những động chạm trẻ không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.
T – Talk (Nói về những điều bí mật): Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật “tốt” và “xấu”. Những bí mật “tốt” có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật “xấu” là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Con cần nói ra với bố mẹ, đặc biệt là những bí mật “xấu”.
S – Speak up (Lên tiếng): Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng. Đó có thể là bố mẹ, anh chị em hoặc cô giáo…
3. Quy tắc 3 vòng tròn
Sử dụng phương pháp trực quan nên cách giải thích này giúp các bé nhận thức nhanh.
Bố mẹ giới thiệu cho bé về vòng tròn gồm có 3 màu được sắp xếp theo thứ tự từ trong ra ngoài là xanh, vàng, đỏ và mỗi vòng tròn mang một ý nghĩa khác nhau. Cụ thể là, vòng màu xanh bên trong cùng chính tượng trưng cho bố mẹ đẻ – những người chăm sóc, dạy dỗ bé nên được phép động vào một số bộ phận trên cơ thể của bé, trừ khu vực đồ lót.
Phần ở giữa vòng tròn màu xanh và vàng là tượng trưng cho người nhà như ông bà, anh chị em… Những người này chỉ được cầm tay con, hạn chế tối đa động vào khu vực khác.
Khoảng giữa vòng tròn màu vàng và đỏ là những người quen (hàng xóm, bạn của bố mẹ…) và con chỉ nên bắt tay nếu họ yêu cầu, tuyệt đối không cho họ động vào các phần khác trên cơ thể.
Bên ngoài vòng tròn màu đỏ là người lạ và con tuyệt đối xua tay khi họ đến quá gần, nếu cần thì con nên chạy trốn khỏi họ.
Theo Ngoisao.net
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.