Uống nhiều nước, không uống nước lạnh, ăn hành tây… là những cách tránh say nắng hữu hiệu nhất.
Say nắng hay sốc nhiệt là tình trạng dễ xảy ra trong mùa nắng nóng. Hội chứng này gây ra nhiều nguy cơ cho sức khỏe của chúng ta, thậm chí còn có thể dẫn đến tử vong.
Đau đầu, chóng mặt, da xanh xao, nhiệt độ cao, mệt mỏi, buồn nôn… là những triệu chứng của say nhiệt. Nếu các triệu chứng trên có dấu hiệu nghiêm trọng, hãy đi khám bác sĩ ngay khi có thể.
Người cao tuổi, người có sức khỏe yếu, người phải làm việc ngoài trời, trẻ nhỏ và cả động vật nuôi là các đối tượng dễ bị say nắng nhất.
Để tránh say nắng, việc giữ cho cơ thể không bị mất nước là điều cực kì quan trọng. Bạn cũng nên hạn chế ra ngoài trong khoảng thời gian từ 13-15h vì lúc này ánh nắng mặt trời rất có hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, bạn hãy tham khảo 10 biện pháp phòng chống sau đây để chăm sóc bản thân tốt hơn trong mùa hè này.
1. Uống nước
Hãy uống đủ lượng nước cần thiết để cơ thể không bị thiếu nước. Bạn nhớ luôn mang theo một chai nước mỗi khi ra ngoài.
2. Không uống đồ uống lạnh
Dù rất hấp dẫn trong mùa hè nóng nực, đồ uống lạnh có thể gây ra những cơn đau bụng. Thay vào đó, bạn chỉ nên uống các thức uống mát mà thôi.
3. Tránh đồ uống có cồn và chất caffeine
Đây là hai thức uống hoàn toàn phải tránh trong mùa này. Tốt nhất, bạn nên uống nước ép hoa quả hoặc nước giải khát chứa đường và muối.
4. Ăn rau củ quả tươi
Sa-lát và rau củ quả tươi là những thứ cần có mặt trong thực đơn của bạn. Rau quả và trái cây, như dưa chuột và dưa hấu, là những thứ không thể thiếu trong thời tiết này vì chúng có khả năng cung cấp một lượng nước rất lớn.
5. Thử ăn hành tây
Hầu hết các bác sĩ đông y đều khuyến khích ăn hành sống hoặc uống nước ép hành như một cách phòng chống kiệt sức do say nắng hiệu quả.
6. Dùng đồ uống chứa chất điện giải
Các thức uống như Aam panna (được làm từ xoài xanh, đường thốt nốt và tinh bột nghệ rang) hoặc nước dừa có thể giúp cơ thể hạ nhiệt và cung cấp các chất điện giải tự nhiên.
Các loại nước này tốt hơn nhiều so với đồ uống tăng lực có nhiều đường và chất hóa học. Một cốc nước chanh đường hoặc muối trước khi ra ngoài trời nắng cũng hạn chế khả năng say nắng.
7. Kiểm tra mồ hôi
Con người thật may mắn khi cơ thể có cơ chế tự điều chỉnh nhiệt độ về mức lý tưởng. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên, chúng ta sẽ tiết mồ hôi nhiều hơn để tự làm mát cơ thể.
Nếu không ra mồ hôi thì phải cẩn thận, vì đây có thể là báo hiệu cho tình trạng say nắng. Hãy để ý kĩ các dấu hiệu và có biện pháp phòng ngừa ngay khi cần thiết.
8. Tránh ra ngoài trời vào giữa trưa
Cách tốt nhất để tránh say nắng là ở trong nhà hoặc tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng vào thời điểm nóng nhất trong ngày.
Nếu cần phải ra ngoài, bạn hãy dùng ô hoặc mũ rộng vành và kính râm, đồng thời mặc đồ nhẹ nhàng và rộng rãi. Bạn cũng cần dùng kem chống nắng có chỉ số SPF 15 hoặc cao hơn.
9. Tránh các hoạt động tốn sức
Việc vui chơi hoặc làm việc ngoài trời có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Bạn hãy tránh những thời điểm cao điểm nắng nóng hoặc xếp lịch làm việc vào khoảng thời gian mát mẻ hơn như sáng sớm hoặc buổi tối.
10. Kiểm tra trước khi đi
Đừng bao giờ để quên trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ trong xe hơi dù chỉ là vài phút vì nhiệt độ ở bãi đỗ xe ngoài trời có thể tăng cao một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, bạn nên tránh đến những nơi đông người trong không gian đóng. Những nơi này thường không thoáng khí nên khả năng bạn bị ảnh hưởng bởi hơi nóng là rất cao.
Theo Trí thức trẻ
Nguồn: TTOnline
Chưa có bình luận.