Thứ Ba, 14/11/2017 | 22:06

Phù chân voi hay nhiễm giun chỉ bạch huyết là căn bệnh nguy hiểm do muỗi đốt gây ra, đã từng lưu hành ở Việt Nam.

Sau khi bị muỗi cắn, một người đàn ông ở Ấn Độ bị phù chân voi khi chân trái sưng to gấp 4 lần bình thường. Nguyên nhân là do muỗi đã truyền ấu trùng giun chỉ bạch huyết vào cơ thể người đàn ông này.

Bệnh phù chân voi còn được gọi là giun chỉ bạch huyết là một bệnh nguy hiểm được gây ra do muỗi. Điều này khiến nhiều người lo lắng. Trên thực tế, căn bệnh này đã từng lưu hành ở nước ta.

Việt Nam có tồn tại bệnh 'chân voi' sau khi bị muỗi đốt?

Một bên chân sưng bất thường sau vết muỗi đốt. Ảnh: Daily Mail.

Bác sĩ Lương Trường Sơn, Phó viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM, phụ trách phòng khám da liễu Đồng Diều, cho biết giun chỉ bạch huyết đã lưu hành nhiều ở nước ta trước năm 1975, chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng, một số tỉnh Trung bộ.

Sau đó, từ năm 1976 đến năm 2000, các cuộc điều tra tỷ lệ mắc giun chỉ bạch huyết đã được Viện Sốt rét và Ký sinh trùng trung ương tiến hành trong 10 huyện của Việt Nam với tỷ lệ mắc phù voi ở miền Bắc là 2,5%. Ở miền Trung của Việt Nam, tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun chỉ bạch huyết được phát hiện tại 20 huyện là từ 0,39-13,3%.

Sau năm 2000, Việt Nam tiến hành điều tra tại 145 huyện của 50/52 tỉnh, có 77 trường hợp dương tính/115.741 người được xét nghiệm trong 12 quận, huyện. Tỷ lệ có ấu trùng giun chỉ bạch huyết là rất thấp hoặc 0%. 12 quận, huyện phát hiện ấu trùng giun chỉ bạch huyết chỉ có 6 huyện là tỷ lệ trên 1% , 6 huyện này được lựa chọn vào dự án loại trừ giun chỉ bạch huyết tại Việt Nam.

Bệnh giun chỉ tập trung nhiều ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam, chủ yếu ở vùng trồng lúa nước như châu thổ sông Hồng, 4 tỉnh trọng tâm là Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Hòa Bình. Các tỉnh Nam Trung bộ có bệnh là Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hòa.

Theo bác sĩ Sơn, hiện nay dù ấu trùng giun chỉ bạch huyết vẫn còn lưu hành trong máu nhưng tỷ lệ phát bệnh gần như rất hiếm, chỉ khoảng 0,01%.

Bệnh xảy ra do muỗi mang ấu trùng giun chỉ truyền sang người. Khi đó, ký sinh trùng sẽ định vị trong da và đi vào cơ thể con người, di chuyển vào hệ bạch huyết rồi phát triển thành giun trưởng thành.

Giun trưởng thành xâm nhập sâu vào trong hệ bạch huyết và làm rối loạn hệ thống miễn dịch. Chúng sống và tồn tại trong cơ thể từ 6-8 năm và trong suốt thời gian sống, chúng sản sinh hàng triệu ấu trùng giun chỉ lưu thông trong máu và được muỗi hút khi đốt người bệnh. Sau đó, muỗi truyền bệnh sang người lành.

Bác sĩ Sơn lưu ý người bệnh có thể bị mang ấu trùng trong cơ thể từ nhỏ, nhưng sự đau đớn, biến dạng thường xảy ra sau rất nhiều năm, gây ra tàn tật vĩnh viễn. Trong đó, một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là phù chân voi và tiểu dưỡng chấp.

Thực tế, nhiễm giun chỉ bạch huyết có thể dẫn đến các tình trạng không có triệu chứng, biểu hiện cấp tính và kéo dài mạn tính.

Ở thời kỳ cấp tính, người bệnh có thể sốt cao, xuất hiện đột ngột, kèm theo mệt mỏi và nhức đầu nhiều, thường tái phát từng đợt, mỗi đợt kéo dài 3-7 ngày. Sau sốt vài ngày, bệnh nhân có xuất hiện viêm đỏ, đau dọc theo bạch mạch, thường là mặt trong chi dưới, hạch bẹn có thể sưng to, đau.

Với thể mạn tính, bệnh nhân sút cân nhanh. Các đợt phát bệnh sẽ tự hết, nhưng xuất hiện dần hiện tượng phù voi. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị viêm hoặc phù bộ phận sinh dục với các triệu chứng như viêm thừng tinh, viêm tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn. Trường hợp viêm bạch mạch mạn tính ở bộ phận sinh dục, bệnh nhân có thể biểu hiện triệu chứng bìu voi hoặc vú voi.

Bác sĩ Sơn khuyến cáo để phòng tránh bệnh giun chỉ bạch huyết, cách tốt nhất là phải tiêu diệt muỗi. Người dân cần tránh để bị muỗi đốt và giữ môi trường sống luôn thông thoáng và sạch sẽ để ngăn ngừa muỗi sinh sôi phát triển.

HQ
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook