Trên thế giới, tỉ lệ suy dinh dưỡng khảo sát trong các bệnh viện ở mức 20% – 50%. Tại Việt Nam, tỉ lệ suy này vào khoảng 30% – 60%.
Suy dinh dưỡng là gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), suy dinh dưỡng là sự mất cân bằng trong việc cung cấp chất dinh dưỡng và năng lượng so với nhu cầu của cơ thể tại các tế bào nhằm đảm bảo sự phát triển, duy trì hoạt động các chức năng chuyên biệt của chúng.
Suy dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh hồi phục chậm. Ảnh: Shutterstock
Suy dinh dưỡng có thể là hậu quả của sự thiếu hụt chất dinh dưỡng trong chế độ ăn, tăng nhu cầu do tình trạng bệnh, do biến chứng của bệnh nền (như hấp thu kém, mất chất dinh dưỡng quá mức) hoặc các nguyên nhân này có thể phối hợp với nhau. Suy dinh dưỡng gặp ở người bệnh nằm viện thường là sự kết hợp của tình trạng suy mòn (do bệnh tật) và dinh dưỡng kém (hấp thu không đầy đủ chất dinh dưỡng).
Hệ lụy khủng khiếp của suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng thường được xem là 'bộ xương trong tủ' của bệnh viện do thường bị bỏ sót, không được chẩn đoán và không được điều trị.
Theo TS-BS Lâm Vĩnh Niên – Trưởng khoa Dinh Dưỡng Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM), suy dinh dưỡng làm tổn thương hoạt động chuyển hóa của tế bào, tổn thương sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Ở mức độ tế bào, suy dinh dưỡng khiến cơ thể đáp ứng kém với nhiễm khuẩn, tăng nguy cơ loét do tì đè, làm chậm lành vết thương, giảm hấp thu dinh dưỡng ở ruột, thay đổi thân nhiệt và tổn thương chức năng thận. Ở mức độ cơ thể, suy dinh dưỡng làm mất khối cơ và khối mỡ, giảm cơ hô hấp, giảm chức năng tim, teo các cơ quan nội tạng. Ở mức độ tinh thần, suy dinh dưỡng có liên quan với tình trạng mệt mỏi, cảm giác chán chường, từ đó dẫn đến chán ăn, phục hồi chậm. Suy dinh dưỡng lúc nhập viện hoặc tình trạng dinh dưỡng suy giảm trong quá trình nằm viện đã được chứng minh làm kéo dài thời gian nằm viện đến 4-5 ngày.
Ngoài ra, người bệnh suy dinh dưỡng còn dễ bị biến chứng trong thời gian nằm viện so với người được nuôi dưỡng tốt, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ tử vong.
Suy dinh dưỡng cũng là gánh nặng đối với cơ sở chăm sóc y tế. Người bệnh suy dinh dưỡng thường có tỉ lệ biến chứng cao hơn, dẫn đến cần nhiều công sức để chăm sóc điều dưỡng, cần nhiều thuốc hơn… Tất cả các vấn đề trên có thể dẫn đến tăng chi phí điều trị ngoài việc điều trị bệnh lý chính.
Ngọc Khuê (TNO)
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.