Bột sắt được người tiêu dùng ăn vào mà không hề biết. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư đang hoành hành.
Bột sắt – chất gây ung thư nguy hiểm
Bột sắt là hóa chất không được phép cho vào thực phẩm nhưng nhiều người kinh doanh thiếu hiểu biết hoặc vì lợi nhuận vẫn cho chất độc hại này vào bún cua, chim cút rán, gà làm sẵn.
Chị Liên (Ngọc Hà, Hà Nội) chia sẻ: Tôi đi chợ, thấy trên cùng một quầy hàng, có những con gà vàng ruộm từ mỏ, đầu tới chân. Nhưng cũng có con gà trắng bệch.
Tôi không bao giờ mua gà vàng trừ khi cắt thớ thịt thấy mỡ phía trong cũng vàng thì đó là con gà ngon. Còn gà mà ngoài vàng, mỡ phía trong trắng thì cẩn thận vì có thể gà bị ngâm phẩm màu”.
Lần tìm vào nhà một người quen bán gà mổ sẵn trên đường Văn Cao, Hà Nội, phóng viên mục sở thị xem cách làm gà có tẩm bột sắt.
Gà đã cắt tiết được nhúng vào nước lạnh sau đó nhúng nước sôi khoảng 80 độ, vặt lông, mổ moi sạch.
Tiếp theo, người này chuẩn bị một chiếc chậu chứa khoảng 10 lít nước có nhiệt độ khoảng 40 độ có pha chút bột sắt bằng đầu đũa.
Bột sắt cho vào được khuấy lên cho đều. Sau đó, gà được cho vào ngâm từ 5- 10 phút thì vớt ra. Lúc này gà sẽ chuyển từ màu trắng thành màu vàng, da gà căng phồng trông rất ngon.
Sau gà, chim cút, đến bún riêu cũng bị sử dụng bột sắt để tạo màu. Bà H. người bán bún riêu cua trên phố Đội Cấn (Hà Nội) từng cho bột sắt vào bún riêu để tạo màu kể lại: “Trước đây cô không biết, nên cũng sử dụng bột sắt về nấu nước dùng. Mỗi nồi canh 20 lít chỉ cho bột sắt bằng ¼ hạt ngô thôi, màu nước canh sẽ vàng ươm, trông bát bún hấp dẫn hẳn.
Bây giờ, cô dùng hạt điều thôi, đắt hơn nhưng không hại, vì mình cũng ăn bún mà”.
Theo kết quả phân tích của Viện Công nghệ sinh học và thự phẩm, trường Đại học Công nghiệp TP. HCM, “bột sắt” là một loại màu công nghiệp chứa chất 2,4 diamioazobenzene hydrochloride.
Chất này được dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, sản xuất cao su (chất chống ôxy hóa cao su) mực in… và tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm.
Một chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: Với chất màu thực phẩm, Bộ Y tế đã quy định rõ, đối với phụ gia được phép sử dụng, trên bao bì bao giờ cũng ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học, tính năng kỹ thuật và tính chất vật lý, liều lượng, cách dùng…
Nếu dùng màu để nhuộm, đặc biệt các chất gốc azo thì rất độc, chúng có khả năng giải phóng vòng benzen, có thể gây ung thư, nhẹ thì có thể gây dị ứng. Với trẻ nhỏ việc hấp thụ quá nhiều có thể gây kích thích, hiếu động thái quá hoặc lơ đãng.
Chưa có bình luận.