Sợ phải chịu cảnh bon chen chờ đợi, không ít các bậc cha mẹ “chơi sang” dùng dịch vụ tiêm tại nhà. Việc tiêm bình thường hay tiêm vắc xin tại nhà tiềm ẩn nguy hiểm nhất định.
Tăng nguy cơ tai biến
Ngại phải xếp hàng, chờ đợi tới lượt tiêm không ít các bậc phụ huynh đã lựa chọn dịch vụ tiêm tại nhà. Chị Phạm Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, chị thường quyết định lựa chọn dịch vụ tiêm tại nhà vì ntiên lợi. Cả gia đình không phải khăn gói kéo nhau đi tiêm và chờ nhiều tiếng đồng hồ.
Hiện nay, trên mạng có những người là y tá rao cả dịch vụ tiêm truyền tại nhà bất cứ giờ nào miễn liên hệ qua điện thoại. Mỗi lần tiêm hoặc truyền dao động từ 150.000 đồng – 200.000 đồng.
Theo bác sĩ Nguyễn Hải Hà, Phụ trách Trung tâm Vắc xin, dịch vụ tiêm tạinhà tiện lợi cho phụ huynh nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ không an toàn cho sức khỏe trẻ nhỏ.
Dịch vụ tiêm tại nhà làm tăng nguy cơ tai biến cho trẻ nếu không thực hiện đúng quy trình.
Có những bà mẹ con sử dụng dịch vụ tiêm vắc xin tại nhà, tuy nhiên, theo bác sĩ Hải Hà, khi vắc xin trong quá trình vận chuyển nếu không được bảo quản ở nhiệt độ chuẩn sẽ dễ làm giảm đi chất lượng. Vắc xin luôn được bảo quản trong tủ chuyên dụng với nhiệt độ từ 2-8 độ C. Nếu để vắc xin trong thùng đá để vận chuyển, nhiệt độ thùng đá có thể thấp hơn hoặc cao hơn nhiệt độ chuẩn do phụ thuộc vào thời tiết. Khi nhiệt độ bảo quản bị thay đổi, chất lượng sẽ không đảm bảo. Nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng kháng thể liên quan tới hiệu quả phòng bệnh và tăng nguy cơ tai biến.
Yếu tố làm ảnh hưởng tới chất lượng việc tiêm tại nhà còn liên quan tới việc thăm khám trước tiêm.“Trẻ trước khi tiêm cần phải được thăm khám cẩn thận xem có đủ tiêu chuẩn sức khỏe để tiêm hay không. Nếu người thăm khám cho trẻ không có năng lực sẽ đánh giá không đúng tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ không đủ sức khỏe để tiêm có thể dân tới những tai biến nghiêm trọng”, bác sĩ Hải nói.
Nguy hiểm nhất của việc tiêm vắc xin tại nhà là không có đủ phương tiện và năng lực để cấp cứu nếu xảy ra sốc phản vệ. Sốc phản vệ trong tiêm chủng rất hiếm nhưng tỷ lệ xảy ra vẫn có khoảng 1/1.000.000 liều. Trong trường hợp xảy ra sốc phản vệ, tại gia đình, rất khó có đủ các phương tiện y tế và người tiêm cũng khó chắc chắn đảm bảo năng lực chuyên môn xử trí để cấp cứu cho trẻ (nếu xảy ra sốc).
Nên dừng tiêm trẻ nếu có dấu hiệu nguy hiểm này
Bác sĩ Hải Hà cho biết, tạm dừng việc tiêm chủng trong trường hợp trẻ đang sốt, mắc phải các bệnh cấp tính, nhiễm trùng. Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng, trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B. Trẻ con cân nặng dưới 2000g, trừ trường hợp mẹ bị nhiễm viêm gan B thì trẻ cần được tiêm vắc xin – huyết thanh kháng viêm gan B ngay sau sinh và nên trong vòng 24h sau sinh. Trẻ đang điều trị thuốc corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày.
Để phòng tránh tai biến khi tiêm bác sĩ Hải Hà khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không sử dụng dịch vụ tiêm tại nhà. Cho trẻ tiêm tại các cơ sở y tế được cấp giấy phép và đủ điều kiện tiêm chủng. Chỉ tiêm chủng trẻ khi hoàn toàn khỏe mạnh, không còn triệu chứng của bệnh. Sau tiêm trẻ cần phải được theo dõi 30 phút.
Nếu trẻ sốt sau tiêm cho trẻ uống thuốc hạ sốt và theo dõi trẻ. Trẻ có những dấu hiệu bất thường sốt cao trên 39 độ không dứt, li bì, tím tái, khó thở, co giật… xuất hiện hạch lao cần nhanh chóng đứa trẻ tới có sở y tế gần nhất. Tuyệt đối, không đắt khoai tây, chanh lên vết thương của trẻ dễ khiến nhiễm trùng áp xe tại vị trí tiêm.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.