Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển, vậy nên những ai trong diện có nguy cơ cao bị bệnh thậncần được thầy thuốc kiểm tra thường xuyên. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm, sự tiến triển đến bệnh thận mạn tính chậm lại nhưng một số trường hợp chức năng thận vẫn diễn biến xấu và cuối cùng dẫn đến suy thận.
Vai trò của thận trong cơ thể?
Thận có 4 chức năng chính: giữ cân bằng dịch trong cơ thể, các chất khoáng mà cơ thể cần để duy trì hoạt động bình thường, nhất là chất kali để kiểm soát hoạt động của thần kinh và cơ, quá nhiều hay quá ít kali cũng có thể gây ra yếu cơ và vấn đề cho tim; loại bỏ các sản phẩm giáng hóa của protein (trong thực phẩm) như urê, creatinine (tạo ra trong tiến trình vận động cơ bắp); giải phóng một số hormon thiết yếu vào máu như renin (điều hòa huyết áp), erythropoietin (EPO) giúp tủy xương tạo hồng cầu và hoạt hóa vitamin D để hấp thụ canxi trong thức ăn nhằm tăng cường cho xương.
Ai có nguy cơ bị bệnh thận mạn tính và suy thận
Một số người dễ phát triển bệnh thận, nếu có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, bệnh di truyền như thận đa nang, hội chứng Alport; nhiễm khuẩn, nghẽn tắc hay bệnh bẩm sinh đường tiết niệu; bệnh Lupus ban đỏ hệ thống; bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt; dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) dài hạn như ibuprofen, ketoprofen và một số thuốc kháng sinh.
Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Để phát hiện sớm bệnh thận có ba cách: thử nước tiểu, thử máu, đo huyết áp thường xuyên.
Nguy cơ sức khỏe của bệnh thận mạn tính
Khi bệnh thận có diễn biến xấu thì nhiều vấn đề sức khỏe có thể xảy ra như thiếu máu, bệnh xương, tổn thương thần kinh và tăng huyết áp.
Tổn thương thần kinh ngoại biên: Gây yếu chân, tay hay có cảm giác kiến bò, cảm giác nóng rát hay khó chịu và bứt rứt ở bàn chân, cẳng chân, dáng đi thay đổi.
Tăng huyếp áp: Không chỉ là nguyên nhân chính gây suy thận mạn tính mà còn có thể là hậu quả của bệnh thận, gây tổn thương cho tim và mạch máu. Suy thận có tác động lớn đến huyết áp vì thận không còn duy trì được cân bằng dịch trong cơ thể. Khi dịch ứ đọng ở phổi có thể gây khó thở và suy tim do sung huyết.
Chú ý trong điều trị
Khi chức năng thận đã giảm, cần có biện pháp để giúp cơ thể loại bỏ chất muối, nước thừa và các sản phẩm giáng hóa có trong máu bằng cách điều chỉnh lượng muối, protein, phosphor, calo và các chất khác trong bữa ăn hằng ngày. Chế độ dinh dưỡng thận trọng giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và kéo dài thời gian làm việc của thận.
Về thuốc, cần dùng thuốc kiểm soát huyết áp, duy trì cân bằng về vitamin và chất khoáng, điều trị thiếu máu, thuốc giúp cho xương khỏe bằng vitamin D3, canxi… theo chỉ định của thầy thuốc.
Vận động thường xuyên vẫn rất cần thiết cho người có bệnh thận mạn tính vì giúp tăng sức khỏe, nghị lực sống, giảm huyết áp, cải thiện giấc ngủ, kiểm soát cân nặng, giảm nồng độ mỡ máu.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để giảm thiểu nguy cơ suy thận, những người có nguy cơ cao như đã nói trên không thể chủ quan mà cần tìm nguyên nhân để điều trị triệt để.
Nguyên tắc chung để phòng bệnh thận là: cần uống đủ nước mỗi ngày; thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị tăng trọng lượng và bị thừa cholesterol; hạn chế dùng muối, một yếu tố thúc đẩy tăng huyết áp; không hút thuốc lá vì hút thuốc làm bệnh thận tiến triển nhanh hơn; tập thể dục thể thao mỗi ngày; không dùng thuốc khi không có hướng dẫn của thầy thuốc vì một số thuốc có hại cho thận.
Không lạm dụng thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu; khi thận bị suy, tùy theo mức độ suy thận, người bệnh cần ăn nhạt, kiêng mỡ, giảm chất đạm; dùng thuốc chống tăng huyết áp, chống thiếu máu, theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Dấu hiệu mắc bệnh thận
Thay đổi khi đi tiểu: Những thay đổi như tiểu nhiều vào đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn/ít hơn bình thường và nước tiểu có màu nhợt/màu tối, nước tiểu có máu, cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó khăn…
Phù: Thận bị hỏng không loại bỏ được chất lỏng dư thừa nữa, do vậy chất lỏng tích tụ trong cơ thể khiến bạn bị phù ở chân, cổ chân, bàn chân, mặt…
Mệt mỏi: Những quả thận khỏe mạnh tạo ra một hormon gọi là erythropoietin, hormon này thông báo cho cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mang ôxy. Khi thận bị hỏng, chúng tạo ra ít erythropoietin hơn, cơ thể có ít các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy hơn, nên các cơ và đầu óc của bạn mệt đi nhanh chóng. Tình trạng này được gọi là thiếu máu do suy thận.
Ngứa: Thận có chức năng loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi máu. Khi thận bị suy, sự tích tụ của các chất thải này trong máu có thể gây ngứa ở da.
Hơi thở có mùi amoniac: Sự tích tụ của các chất thải trong máu (được gọi là chứng urê huyết) có thể khiến thức ăn có vị khác đi và khiến hơi thở có mùi. Bạn cũng nhận thấy rằng bạn không thích ăn thịt nữa.
Buồn nôn và nôn: Do urê huyết gây nên tình trạng buồn nôn và nôn.
Thở nông: Đó là do chất lỏng dư thừa trong cơ thể tích tụ trong hai lá phổi kèm theo tình trạng thiếu máu (sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy) sinh ra chứng thở nông.
Ớn lạnh: Thiếu máu có thể khiến bạn cảm thấy lúc nào cũng lạnh, thậm chí đang ở trong phòng có nhiệt độ ẩm.
Hoa mắt, chóng mặt và mất tập trung: Thiếu máu khiến não không được cung cấp đủ ôxy. Điều này có thể ảnh đến trí nhớ, gây mất tập trung, hoa mắt và chóng mặt.
Đau lưng/cạnh sườn: Một số bệnh nhân bệnh thận có thể bị đau ở lưng hay sườn.
Nếu có 1 trong 10 triệu chứng trên, bạn nên đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế để kiểm tra sức khỏe và được tư vấn sớm.
Theo BS. Đinh Thị Thanh/Báo Sức Khỏe & Đời Sống
Nguồn: zing
Quá trình nhai nuốt thức ăn hàng ngày không khí có thể đi vào cơ…
Hệ tiêu hóa bao gồm hệ thống các cơ quan đảm nhiệm vai trò quan…
Ô nhiễm môi trường là chủ đề được quan tâm của Việt Nam cũng như…
Muối rất cần thiết đối với cơ thể tuy nhiên thừa muối gây ra nhiều…
Theo thống kê của WHO đến thời điểm hiện tại toàn cầu có hơn 300…
Gan đảm nhiệm vai trò thanh lọc và đào thải độc tố trong cơ thể…