“Những tháng hè, trẻ đến khám và tư vấn biếng ăn và suy dinh dưỡng thường tăng cao đột biến. Nguyên nhân của tình trạng trẻ biếng ăn “kinh niên” thường đến từ lỗi sai chăm sóc của người lớn…”.
Chưa vào hè nhưng mỗi lần cho con ăn, chị Nguyễn Thị Thúy Lan (Kim Ngưu, Hà Nội) đã phải vật lộn cả tiếng đồng hồ.
Chị tâm sự, mỗi lần cho ăn căng thẳng hơn cả đi làm. Chị Lan đã dùng mọi biện pháp từ nịnh nọt, tới dọa nạt nhưng con chị chỉ ăn được 2 thìa cháo sau đó mím chặt miệng. Có lần chị quyết tâm bỏ đói con 1 ngày để cho bé ăn bù vào bữa tối. Bé vẫn chơi bình thường, những bữa tối vẫn không ăn khiến cho chị Lan bị stress nặng về chuyện ăn uống của con.
Theo TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện dinh dưỡng Quốc gia), những tháng hè trẻ đến khám và tư vấn biếng ăn và suy dinh dưỡng thường tăng cao đột biến. Nguyên nhân của tình trạng trẻ biếng ăn “kinh niên” dolỗi sai chăm sóc của người lớn. Nhiều gia đình hiện nay vẫn cho con ăn theo kiểu hỗn hợp khiến trẻ rất sợ ăn. Có nhiều trường hợp trẻ 13-14 tháng tuổi rất sợ phải ăn, nhưng thực ra sức khỏe của trẻ hòa toàn khỏe mạnh. Nguyên nhân là do mẹ chỉ cho ăn cháo, khẩu phần ăn đơn điệu, không thay đổi cách chế biến khiến cho trẻ biếng ăn.
Bác sĩ Nga đang khám dinh dưỡng cho trẻ thiếu cân do biếng ăn.
“Nên cho trẻ ăn riêng từng loại thức ăn, ví dụ trẻ có thể ăn cơm trắng riêng, ăn thịt riêng và rau riêng… Khi cho trẻ ăn cần đưa khẩu phần ăn ra một cách từ từ. Trẻ có dấu hiệu không muốn ăn thì phải dừng ngay không bắt ép trẻ. Mùa hè trẻ lười ăn, có thể chế biến thực phẩm ở dạng nước, dạng súp. Nhưng không nên ăn loãng quá nhất là với trẻ còn nhỏ khi ăn loãng quá sẽ không đủ dinh dưỡng”,TS.BS Phan Bích Nga nói .
Rất nhiều bà mẹ hiện nay đang nhầm lẫn con lười ăn, sợ con nóng cho con ăn bột sắn dây, khoai lang. Bột sắn mát nhưng năng lượng rất thấp. Trong bột sắn, ngô, khoai lang có hành phần hạn chế hấp thu vi chất nên trẻ dễ bị thấp còi.
TS.BS Phan Bích Nga cho biết: “Để cảithiện tình trạng biếng ăn trong những ngày hè cho trẻ có cách đơn giản nhất là hãy tạo không gian thoáng mát khi ăn. Ở những gia đình không có điều hòa có thể tắm nhiều cho trẻ. Một ngày có thể tắm 2-3 lần/ngày sẽ giúp giảm bớt nhiệt, trẻ dễ chịu và ăn uống tốt hơn. Tăng cường cho con ăn rau của, trái cây tươi. Uống nước trái cây tươi bù đắp mất nước do mất mồ hôi. Cho trẻ ăn đủ chất bột đường để sản sinh năng lượng. Trẻ dưới 1 tuổi cần phải kiểm tra cân nặng hàng tháng. Nếu thấy trẻ sút cân thì phải điều chỉnh chế độ ăn của trẻ ngay”.
Một nguyên nhân biếng ăn ở trẻ mà bố mẹ ít ngờ đến mà TS. Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện y học ứng dụng) khuyến cáo là do bị dị ứng thực phẩm. Dị ứng thực phẩm ở mức nhẹ khiến cho trẻ chán ghét thức ăn, thay đổi khí sắc khi ăn… Trẻ có thể biểu hiện chán ghét khi phải ăn đồ ăn đó mà không rõ nguyên nhân. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ biếng ăn, dẫn tới suy dinh dưỡng.
Thiếu vi chất làm trẻ biếng ăn
Theo ThS. BS. Trần Khánh Vân, Phó khoa vi chất (Viện Dinh dưỡng), trẻ biếng ăn và bị suy dinh dưỡng thấp còi có thể do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu do trẻ không được bổ sung đủ vi chất hoặc do thiếu kẽm dẫn tới biếng ăn, suy dinh dưỡng và thấp còi.
Trong tuần lễ dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng Quốc gia năm 2017, bác sĩ Vân cho biết hơn 70% trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam đang thiếu vi chất kẽm.
Vi chất kẽm có liên quan tới cấu trúcvà chức năng của 300 loại enzyme. Kẽm tham giavào quá trình hình thành và phát triển của nhiều cơ quan trong cơ thể như: tạo tế bào máu, tái tạo cấu trúc tim, tạo tế bào mỡ, duy trì tế bào gốc, tái tạo các tế bào thần kinh võng mạc, phát triển phổi sơ sinh … Kẽm tham gia vào việc điều hòa gen cho việc hình thành các thành phần của xương.
“Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Thiếu kẽm còn gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần làm trẻ dễ nổi cáu”, ThS. BS. Trần Khánh Vân cho biết .
ThS. BS. Trần Khánh Vân khuyến cáo, để biết trẻ có bị biếng ăn cho thiếu kẽm hay không thì cần phải làm xét nghiệm máu. Có thể bổ sung kẽm cho trẻ bằng các chế phẩm dinh dưỡng hoặc các thực phẩm giàu kẽm như: Tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng…).
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Chưa có bình luận.