Thứ Ba, 18/04/2017 | 16:25

Trên da, cứ 1cm2 có 1 triệu con vi khuẩn, nếu khi rạch và tiêm mà không sát khuẩn rất có thể bị nhiễm khuẩn.

Hậu quả “khủng khiếp”

Mới đây, tại Hội thảo Khoa học “Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, BS.CKII Hoàng Văn Thành – Phó Cục trưởng Cục Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, các cơ sở khám chữa bệnh nếu không kiểm soát nhiễm khuẩn tốt sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Trong quá trình làm việc, bác sĩ Hoàng Văn Thành đã từng chứng kiến những ca mổ ruột thừa rất đơn giản thường không gây nguy hiểm tới tính mạng. Bệnh nhân đau ruột thừa đã được mổ tại tuyến cơ sở kết quả mổ tốt nhưng quá trình chăm sóc sau mổ không tốt nên bị nhiễm vi khuẩn siêu đa kháng.Điều này dẫn tới không có một loại kháng sinh nào có thể điều trị được cho bệnh nhân và hậu quả đáng buồn là bệnh nhân tử vong.

Chủ quan khi thăm bệnh nhân, nếu mắc phải loại vi khuẩn này có thể nguy hiểm tính mạng

Bệnh nhân phẫu thuật có yếu tố nguy cơ nhiễm siêu vi khuẩn đa kháng hơn so với các nhóm bệnh khác.

“Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn nếu không làm tốt sẽ phải trả giá đắt và hậu quả nó để lại rất khủng khiếp như: tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị…”, bác sĩ Hoàng Văn Thành nói.

Giảm thiểu vi khuẩn trên da bằng cách vệ sinh tay thường xuyên

Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh. Và đây thực sự là thách thức lớn của ngành y.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn(Bệnh viện Bạch Mai), tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh viện Bạch Mai đã được cải thiện rất nhiều, toàn bệnh viện có tỷ lệ nhiễm khuẩn khoảng 5%. Riêng tại khoa Hồi sức Tích cực, năm 2002 có tỷ lệ nhiễm khuẩn 29%, đến năm 2012 chỉ còn 12%. Bệnh viện đang cố gắng giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn tại khoa Hồi sức Tích cực xuống một con số.

Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, tất cả các bác sĩ khi khám cho bệnh nhân đều phải nghĩ tới nhiễm khuẩn bệnh viện. Khi biết có nhiễm khuẩn bệnh viện phải phân vùng cách ly, đặc biệt là nhiễm khuẩn gram âm. Tăng cường giám sát không chỉ đơn giản là giám sát rửa tay, mang găng tay mà tập trung giám sát tuân thủ quy trình vô khuẩn, ví dụ hút đờm có đúng không, chăm sóc ống thông tiểu có đúng không…

“Đối tượng giám sát không chỉ có bác sĩ mà còn có sinh viên thực tập, người thường tiếp xúc với nhiều bệnh nhân. Quá trình giám sát phải có sự hợp tác của người nhà bệnh nhân nhất là vào buổi tối. Nếu người nhà chăm sóc bệnh nhân rửa tay, mang găng tay không đúng sẽ nguy cơ bị nhiễm khuẩn”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nói.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm, trên da, cứ 1cm2 có 1 triệu con vi khuẩn. Để giảm vi khuẩn trên da, theo nguyên tắc là phải khử khuẩn vùng ngoài da thật tốt. Thậm chí bệnh nhân trước khi phẫu thuật sẽ phải tắm để giảm lượng vi khuẩn trên da.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng thực hiện tốt nguyên tắc khử khuẩn. Do không hiểu được mức độ của nhiễm khuẩn nên nhiều khi bệnh nhân đang nằm hồi sức, người nhà tìm mọi cách để vào thăm. Việc thăm hỏi trong bệnh viện vô tình làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn đa kháng cho bệnh nhân. Đặc biệt là nhóm bệnh nhân phẫu thuật xâm lấn có nguy cơ cao.

“Vi khuẩn đa kháng lúc nào cũng tồn tại trong bệnh viện và phổ biến nhất là vi khuẩn gram âm và trực khuẩn mủ xanh chiếm 60% gây ra viêm phổi, nhiễm trùng máu, nhiễm khuẩn vết mổ. Điều kiện thuận lợi phát triển của hai loại vi khuẩn này là ẩm ướt và có nước. Hai loại vi khuẩn trên kháng tới 80-90% kháng sinh. Nếu toàn kháng, bệnh nhân sẽ nguy hiểm. Hiện nay, Khoa Hồi sức Tích cực của bệnh viện có khoảng 7-8% bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn đa kháng trong đó 40% trường hợp bị nhiễm bị tử vong”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho hay.

Ngọc Minh

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook