Chỉnh nha là cách xếp thẳng răng và hàm, giúp bé có nụ cười rạng rỡ và tự tin hơn trong giao tiếp sau này.
Chỉnh nha càng sớm càng tốt
Trong khi răng bố mẹ ai cũng thẳng đều tăm tắp thì chẳng hiểu đột biến gen kiểu gì mà cu Tít nhà chị Mai (2 tuổi) lại có hàm răng hô đến là xấu. Lo sợ con sau này sẽ mặc cảm với bạn bè, chị quyết định đưa bé đến phòng khám nha khoa để nắn chỉnh lại hàm răng. Tuy nhiên, trái với mong đợi của chị, bác sĩ lại trấn an chị cần bình tĩnh vì đây chưa phải là thời điểm có thể tiến hành chỉnh nha, dù rõ ràng răng của bé cần phải được can thiệp để đảm bảo tính thẩm mỹ sau này.
Ảnh minh họa |
Vậy đâu là khoảng thời gian chỉnh răng tốt nhất cho bé? Đây rõ ràng không chỉ là băn khoăn của riêng chị Mai.
Trả lời câu hỏi này, BS. Lê Thanh Bình (Khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.Hồ Chí Minh) khẳng định: “Trong trường hợp bé bị móm, khớp cắn sâu hay cắn hô ra ngoài, cha mẹ cần chỉnh nha cho trẻ sớm (7-8 tuổi). Với những bé khớp cắn lệch lạc do cung hàm bất đối xứng với răng (cung hàm nhỏ, răng to) thì chỉnh sau 12 tuổi). Những rối loạn về khớp cắn hoặc các rối loạn khác nặng hơn thì nên chờ sau khi thay xong toàn bộ răng sẽ chỉnh”.
Chính vì vậy, để biết chuẩn xác thời điểm “vàng”, bạn cần đưa bé đến gặp nha sĩ ngay khi phát hiện hàm răng của bé có sự phát triển lệch lạc. Tuy nhiên, dù là trường hợp nào thì việc niềng răng cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Bởi lẽ, khi bé còn nhỏ, xương hàm còn mềm nên dễ uốn chỉnh hơn. Cũng vì thế mà thời gian đeo niềng sẽ được rút ngắn, cũng như chi phí sẽ giảm. Một lý do quan trọng khác là khi tuổi còn nhỏ, bé chưa ý thức nhiều về thẩm mỹ nên ít cảm thấy ngại với mọi người xung quanh khi phải đeo niềng.
Cần loại bỏ thói quen có hại
Để đạt được hiệu quả như ý, chăm sóc răng miệng sau khi chỉnh nha là vô cùng quan trọng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, đầu tiên, bạn cần chú ý đến chế độ ăn uống của bé. Việc cắt giảm đồ ngọt, khoai tây chiên, soda… Bởi lẽ, những thực phẩm chứa đường và tinh bột như thế này thường sinh ra axit và bợn răng nên có thể gây sâu răng cũng như các bệnh về lợi.
Các loại thực phẩm cứng, rắn, dai cũng nên loại trừ vì chúng là nguyên nhân gây ra các tổn thương hoặc làm đứt niềng răng. Đồ ăn lý tưởng cho trẻ trong giai đoạn này phải mềm, dễ nhai và được cắt thành từng miếng nhỏ. Đặc biệt, trong những ngày đầu vừa mới niềng răng xong, bạn chỉ nên cho bé ăn cháo, súp, uống sữa hay những thực phẩm ít phải vận động cơ hàm.
Với những trẻ có thói quen nhai đá, cắn môi, mút ngón tay hay thở bằng miệng, bạn cần yêu cầu bé từ bỏ ngay vì các hành động này có thể ảnh hưởng đến cấu trúc răng đang được định hình. Nhiều bé khi mới niềng răng thường thấy vướng víu, khó chịu nên hay lấy lưỡi đẩy răng, lâu dần sẽ khiến cơ hàm bị tác động nên cha mẹ cũng cần nhắc bé tuyệt đối không được làm.
Nếu như ngày trước, việc chải răng thường xuyên vốn đã rất cần thiết thì trong giai đoạn này, việc đó còn quan trọng hơn, bởi vì việc niềng răng sẽ tạo ra rất nhiều những khoảng trống nhỏ trong miệng, khiến thức ăn mắc vào đó nhiều hơn. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn sẽ có điều kiện sinh sôi, đặc biệt là ở khung niềng răng, dẫn đến hơi thở có mùi khó chịu cũng như sâu răng, viêm lợi phát triển.
Do đó, để tránh tình trạng này, bé nhà bạn cần được đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, nhất là sau khi ăn thịt hoặc tinh bột. Bên cạnh đó, bạn cũng cần dành thời gian để hướng dẫn bé xỉa sạch thực ăn đang bám ở khoảng trống giữa niềng răng và dây dẫn. Việc này lý tưởng nhất là được thực hiện bằng chỉ nha khoa.
Ngoài những yếu tố trên, bé nhà bạn cũng cần hạn chế những trò vận động mạnh như đá bóng, đá cầu… vì nó rất dễ dẫn đến những va chạm vùng mặt. Và nếu trường hợp xấu này xảy ra, niềng răng có thể bị xô lệch và khi đó, bé cần đến gặp bác sĩ ngay và bạn không nên tự ý căn chỉnh cho bé.
Ảnh minh họa |
Những dấu hiệu cần chỉnh răng cho trẻ
Khớp cắn ngược (móm): Hàm dưới nhô quá về phía trước hoặc hàm trên lùi quá về phía sau. Hiện tượng này xảy ra khi ở động tác cắn bình thường của bệnh nhân, răng hàm trên cắn vào bên trong răng hàm dưới.
Hô hàm trên: Hàm trên nhô quá nhiều về phía trước, hoặc hàm dưới lùi quá về phía sau.
Khớp cắn hở: Khi cắn 2 hàm răng lại, răng hàm phía sau chạm nhau nhưng răng cửa vẫn hở. Răng trên và các răng dưới không chạm nhau.
Khớp cắn sâu: Khi cắn lại, răng hàm trên che khuất răng hàm dưới.
Răng chen chúc: Hai hàm vào đúng vị trí nhưng trên mỗi hàm, răng mọc không đều, khấp khểnh, chen chúc. Nguyên nhân do răng quá to hay xương hàm cung răng quá nhỏ không đủ chỗ để các răng sắp xếp.
Răng thưa: Nếu mất răng một vài răng, răng quá nhỏ hoặc cung răng quá rộng, khoảng cách giữa các răng có thể thưa ra, khiến cho vẻ bề ngoài xấu, làm mất thẩm mỹ của cung răng và nụ cười.
Bạn có biết? Hiện nay có các phương pháp chỉnh nha như: niềng răng mắc cài kim loại, niềng răng không mắc cài, niềng răng mắc cài sứ, niềng răng mặt lưỡi. Trong đó, lựa chọn phương pháp mắc cài kim loại thường được chỉ định nhiều nhất. Bởi trẻ em là độ tuổi chưa để ý nhiều đến vấn đề thẩm mỹ trong quá trình niềng răng nên mắc cài kim loại khá phù hợp. Bên cạnh đó, mắc cài kim loại tạo ra lực kéo bền bỉ nhất, tạo ra hiệu quả tốt nhất, rút ngắn đáng kể thời gian điều trị so với các phương pháp khác. |
An Nhiên
Chưa có bình luận.