Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:52

Các bệnh truyền nhiễm có khả năng diễn biến thành dịch, gây bệnh đồng thời cho nhiều người, bệnh có thể phòng được bằng tiêm phòng vacxin tạo miễn dịch với bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.

Bệnh truyền nhiễm là các bệnh có mầm bệnh là các vi sinh vật – virus, vi khuẩn, vi nấm, các loại giun sán, ký sinh đơn bào. Các tác nhân vi sinh này có khả năng xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.

Nguồn lây của các bệnh truyền nhiễm có thể là người hoặc động vật nhiễm bệnh, môi trường nước, đất, hoặc thức ăn, côn trùng trung gian, nơi các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm tồn tại trước khi lây truyền cho một vật chủ mới.

Đường lây truyền là cách các mầm bệnh vi sinh xâm nhập vào cơ thể người để gây bệnh. Mỗi tác nhân gây bệnh có những cách riêng để lây lan từ người bệnh hoặc người nhiễm sang người lành, một số vi sinh này có thể có nhiều cách lây khác nhau. Các tác nhân vi sinh có thể lây qua đường hô hấp khi người chưa nhiễm bệnh hít phải các giọt tiết hô hấp từ người bệnh khi ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc thông thường (các virus cúm, sởi, quai bị, một số vi khuẩn gây bệnh ở đường hô hấp, viêm màng não, v.v..); xâm nhập qua đường tiêu hoá do nuốt phải các tác nhân gây bệnh trong thức ăn và nước uống (vi khuẩn tả, thương hàn, lỵ, các virus đường ruột như virus gây bệnh tay-chân-miệng, virus bại liệt, v.v..); lây qua các vết đốt của động vật chân đốt (sốt mò, sốt rét, sốt xuất huyết dengue, viêm não Nhật Bản, v.v..); lây theo các dịch cơ thể qua tiếp xúc tình dục, tiêm chích, truyền máu (HIV, giang mai, lậu, viêm gan B và C, v.v..); lây qua vết cắn của động vật (dại, bệnh chuột cắn, v.v..). Một số bệnh có khả năng lây truyền dọc từ mẹ sang con (HIV, viêm gan B, giang mai, v.v…).

Thời gian ủ bệnh là khoảng thời gian tính từ thời điểm tiếp xúc với nguồn lây cho đến khi người bệnh có những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Các tác nhân vi sinh nhân bản trong cơ thể hoặc tiết ra độc tố, làm rối loạn chức năng của các cơ quan và gây biểu hiện bệnh. Mỗi loại tác nhân hoặc một nhóm tác nhân sẽ gây những triệu chứng và dấu hiệu bệnh đặc trưng, phát hiện qua thăm khám lâm sàng hoặc các xét nghiệm cận lâm sàng. Sự có mặt của các tác nhân gây bệnh được phát hiện qua các xét nghiệm vi sinh như nuôi cấy các bệnh phẩm từ người bệnh, phát hiện kháng nguyên hoặc kháng thể trong các dịch cơ thể của người bệnh.

Rất nhiều các bệnh truyền nhiễm có thể tự khỏi sau một thời gian có biểu hiện triệu chứng, sau khi cơ thể sản sinh các cơ chế miễn dịch loại trừ được tác nhân gây bệnh (sởi, rubella, quai bị, v.v..). Tuy nhiên, một số trường hợp có diễn biến nặng và có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị phù hợp (viêm não do Herpes, viêm phổi do thuỷ đậu ở những người suy giảm miễn dịch, v.v..). Nhiều bệnh cần điều trị căn nguyên để cứu sống người bệnh hoặc giảm thiểu biến chứng (viêm màng não do vi khuẩn hoặc nấm, bạch hầu, thương hàn, v.v..). Một số bệnh có thể để lại di chứng về chức năng (ví dụ, tình trạng liệt sau bại liệt, chậm phát triển trí tuệ ở trẻ sau viêm não). Nhiều bệnh sau khi khỏi sẽ để lại miễn dịch suốt đời, người đã bị bệnh không mắc lại bệnh đó lần hai (quai bị, sởi, v.v..). Một số tác nhân gây bệnh tồn tại lâu dài trong cơ thể, gây bệnh mạn tính (như HIV, viêm gan virus B, C), có thể dẫn tới hậu quả trầm trọng (HIV gây suy giảm miễn dịch, viêm gan B, C gây xơ gan, ung thư gan, v.v..).

Tính chất dịch tễ học của các bệnh truyền nhiễm rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Một số bệnh tồn tại ở những vùng địa lý nhất định, liên quan đến các yếu tố khí hậu và sự tồn tại của các loài thú và các động vật chân đốt trung gian truyền bệnh (muỗi, mò, ve bét). Những nơi này được gọi là vùng lưu hành của bệnh (vùng sốt rét, vùng sốt mò, vùng giun chỉ, v.v..). Nhiều bệnh có khả năng lây lan mạnh, gây nhiều ca bệnh trong một thời gian ngắn, còn gọi là dịch (dịch sốt xuất huyết dengue, dịch tả, dịch thương hàn, v.v..).

Các biện pháp dự phòng các bệnh truyền nhiễm

Các bệnh truyền nhiễm có khả năng diễn biến thành dịch, gây bệnh đồng thời cho nhiều người, nhiều bệnh truyền nhiễm mới tiếp tục xuất hiện và lây lan. Tuy nhiên, các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được rất hiệu quả bằng những biện pháp đơn giản. Các biện pháp phòng ngừa truyền bệnh truyền nhiễm bao gồm tiêm phòng vacxin tạo miễn dịch với bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, v.v…

Tiêm phòng vaccine

Tiêm phòng vaccine là biện pháp chủ động tạo miễn dịch cho quần thể người cảm nhiễm (người có khả năng bị lây nhiễm khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh). Tiêm phòng là một trong những biện pháp hiệu quả nhất phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Việc tiêm phòng phải được thực hiện khi người còn khoẻ mạnh và theo lịch tiêm phòng chung (ví dụ: tiêm phòng lao và viêm gan B được thực hiện từ ngay sau khi sinh, tiêm phòng sởi – lúc trẻ được 9 tháng tuổi), tiêm đủ để bảo đảm khả năng bảo vệ. Tỷ lệ người tiêm phòng càng cao, số người có miễn dịch trong cộng đồng càng lớn, và bệnh càng khó lây truyền.

Hiện nay, ở nước ta đã có chương trình tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm phổ biến như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, và viêm não Nhật Bản. Tiêm phòng uốn ván được thực hiện cho phụ nữ mang thai từ những năm 1990. Các bệnh khác có thể ngăn ngừa bằng vaccine đang được nghiên cứu và đưa vào thực hành tại Việt Nam, bao gồm thuỷ đậu, quai bị, rubella. Nhờ tiêm phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm trẻ em đã giảm hẳn về số người mắc và tử vong (bạch hầu, ho gà, uốn ván); nhiều bệnh đã được loại trừ và thanh toán (đậu mùa, bại liệt). Ngoài ra, tiêm phòng còn được thực hiện cho những trường hợp sau phơi nhiễm với các tác nhân gây bệnh (tiêm phòng dại).

Các biện pháp dự phòng khác

Vệ sinh môi trường: thu gom và xử lý rác thải, xử lý các chất thải của người và động vật hợp vệ sinh, cung cấp nước sạch. Các biện pháp này giúp ngăn ngừa sự lây truyền của các bệnh lây qua đường tiêu hoá, giảm chỗ sinh sản của muỗi truyền sốt xuất huyết dengue.

Vệ sinh thực phẩm: ăn các thức ăn đã nấu chín, uống nước đã đun sôi, đã được lọc hoặc xử lý; bảo quản các thức ăn đã chế biến một cách phù hợp (như bảo quản lạnh); ngăn không cho ruồi nhặng đậu vào thức ăn; không dùng chung các dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín. Các biện pháp này giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tiêu hoá (như tả, lỵ, thương hàn, v.v..).

Kiểm soát quần thể côn trùng: nuôi cá hoặc mesocyclop để diệt bọ gậy muỗi vằn, phun hoá chất diệt muỗi, ruồi; giảm các dụng cụ chứa nước và các vật thải rắn để hạn chế nơi sinh sản của muỗi, v.v.. Các biện pháp này giúp giảm sự lây truyền các bệnh do động vật chân đốt truyền như sốt xuất huyết dengue, sốt rét, các bệnh lây qua côn trùng và động vật chân đốt trung gian khác.

Sống lành mạnh và quan hệ tình dục an toàn: sống chung thuỷ, không quan hệ với người bán dâm, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không tiêm chích ma tuý. Sống lành mạnh giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục (như giang mai, lậu, HIV, v.v..) và các bệnh lây qua các dịch cơ thể khác (viêm gan B, viêm gan C., v.v..)

Vệ sinh cá nhân: rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ngủ màn, áp dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân khác giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua tiếp xúc và các bệnh lây qua đường tiêu hoá.

Tuyên truyền và giáo dục sức khoẻ là biện pháp quan trọng để hướng dẫn các cá nhân trong cộng đồng thực hiện tất cả các biện pháp phòng bệnh nói trên.

Các biện pháp chống dịch bệnh truyền nhiễm

Khi bị mắc bệnh truyền nhiễm, người bệnh cần đến khám ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Việc điều trị sẽ giúp bệnh nhân chóng hồi phục, tránh diễn biến nặng và tránh nguy cơ tử vong, giảm sự lây truyền bệnh ra cộng đồng.

Khi xảy ra dịch bệnh, các biện pháp sau đây được áp dụng để nhanh chóng kiểm soát sự lây truyền của bệnh, hạn chế thấp nhất bệnh tật và tử vong do bệnh:

– Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho cộng đồng về bệnh, tình hình lây lan của bệnh và các biện pháp kiểm soát, khuyến khích các cá nhân trong cộng đồng thực hiện các biện pháp chống dịch.

– Phát hiện sớm người bị bệnh, điều trị kịp thời để cứu sống người bệnh, cách ly và giảm thiểu sự phát tán tác nhân gây bệnh.

– Vệ sinh, xử lý môi trường nhiễm mầm bệnh, cung cấp nước sạch, diệt côn trùng và các biện pháp phù hợp khác.

– Tiêm phòng vaccine và dự phòng bằng kháng sinh nếu cần.

Người mắc bệnh truyền nhiễm mạn tính (viêm gan B, viêm gan C, HIV, các bệnh truyền nhiễm mạn tính khác) cần theo dõi và điều trị phù hợp, để tránh tiến triển tới các hậu quả nặng nề, giảm thiểu sự lây truyền cho cộng đồng.

CNTTCBTG – BV Bạch Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook