Bạn sẽ làm gì nếu đang “lâm trận” thì bị “cảnh sát nhí” tuýt còi?
Chuyện xưa kể lại rằng: Có cặp vợ chồng nhà nọ đang “mây mưa” thì bất chợt nhìn thấy thằng con bé ngồi trên giường, giương mắt nhìn và tủm tỉm cười. Xấu hổ quá, anh chồng quát lớn: “Ngủ đi, muộn rồi, ngồi đó làm gì”. Khi thằng em vừa phụng phịu nằm xuống thì tiếng thằng anh thầm thì cất lên: “Thấy chưa, tao đã bảo rồi. Cứ nằm im xem như mọi lần thì đã không bị phát hiện rồi?”.
Chẳng biết chuyện này là thật hay đùa, thế nhưng, nó cũng phản ánh đúng tình huống bi hài mà nhiều cặp vợ chồng đang phải đối mặt: bị con “bắt quả tang” khi đang “lâm trận”. Làm thế nào để có thể gỡ bí trong trường hợp này – đó là bài toán khó không của riêng ai.
Ảnh minh họa |
Bình tĩnh “chữa cháy”
Khi bị con bắt gặp như vậy, cha mẹ thường rất bối rối và xấu hổ. Nhiều người có xu hướng quát nạt: “Không được nhìn”, “Hư quá, vào phòng mà không gõ cửa”… Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Tạ Thị Thu Huế (Trung tâm tư vấn tâm lý cộng đồng SPC), việc làm này là vô nghĩa, thậm chí còn phản tác dụng. Bởi lẽ, khi tự dưng bị mắng như thế, bé sẽ rất sợ và sẽ hình thành tâm lý: phải ghi nhớ những hình ảnh này để lần sau còn tránh, không lại bị mắng. Và như thế, một cách vô tình, bạn đã khiến con mình bị ám ảnh bởi những chuyện không đáng nhớ như thế.
Không dừng lại ở việc nạt nộ, nhiều người còn ngay lập tức đuổi bé ra ngoài hay quay mặt đi chỗ khác. Ở độ tuổi còn non nớt, khi nhìn thấy những hình ảnh lạ, bé sẽ tò mò muốn biết đó là cái gì, thế nên, bé sẽ không ngay lập tức làm theo lời bạn mà còn càng nhìn chăm chú hơn để xem chuyện gì đang xảy ra, bố mẹ đang làm gì.
Chính vì những lý do trên mà Thạc sỹHuế khẳng định, trong trường hợp này, việc cần làm là giữ thái độ thật bình tĩnh, thản nhiên nhất có thể để bé không bị sợ hãi hay ấn tượng. Ngay lúc này, để có thời gian mặc quần áo, hãy đánh lạc hướng sự chú ý của bé bằng cách nhờ bé làm một việc gì đó.
Để tránh tình trạng bé sẽ hỏi kỹ hơn, chẳng hạn như: cái điều khiển ở đâu, cái mắc áo màu gì… vừa mất thời gian, vừa khiến bé tập trung hơn về phía đang có “biến cố”, bạn cần cung cấp thông tin một cách đầy đủ nhất.
Chẳng hạn, bạn có thể sai bé: Lấy hộ mẹ cái điều khiển ti vi ở trên bàn uống nước trong phòng khách, vào phòng con lấy cái gối sang đây… Tất nhiên, vì đây chỉ là giải pháp tình thế nên bạn không cần nhớ chính xác những vật dụng trong nhà đang ở vị trí nào.
Thẳng thắn đối mặt
Ngoài thái độ thật bình tĩnh, giả vờ như không có gì, bạn cần phải thẳng thắn đối mặt với những câu hỏi hóc búa của bé. Ở độ tuổi lên ba, dù có nhìn thấy, nhưng thực sự bé vẫn chưa hiểu được chuyện gì đang diễn ra.
Vì thế, nếu bé hỏi: “Bố mẹ đang làm gì đấy?”, “Sao bố mẹ lại không mặc quần áo?”…, đừng vội chối phắt: “Bố mẹ có làm gì đâu” mà hãy tìm cách hợp lý hóa hành động đó bằng những câu dễ thương như: “Bố mẹ đang tập thể dục, nóng quá nên cởi bớt quần áo ra”, hay “ Quần áo bị bẩn hết rồi, mẹ đang chuẩn bị đi giặt đây, con phụ mẹ một tay nhé”…
Sau khi giải quyết ổn thỏa tình huống lúc đấy, bạn vẫn chưa thể yên tâm cho qua chuyện này vì có thể bé vẫn còn rất nhớ. Thế nên, hãy theo dõi thái độ của bé trong vài ngày tiếp theo.
Nếu bé tiếp tục truy vấn về chuyện: tại sao bố mẹ lại làm như thế, đừng tìm cách né tránh, vì khi không hiểu, bé sẽ truy đến cùng. Do đó, hãy nói cho bé biết rằng: “Đó là cách thể hiện tình yêu giữa những người trong gia đình. Giống như khi yêu con, bố mẹ thường ôm con vào lòng”.
Và tất nhiên, để tránh việc bé đem chuyện này kể với nhiều người xung quanh, bạn đừng quên dặn bé: “Đây là bí mật của gia đình mình, con không được nói cho người khác biết nhé. Ai mà không giữ lời thì người đó sẽ thua cuộc và sẽ không được yêu”. Ở tuổi này, những câu nói kiểu như vậy sẽ giúp bé có động lực làm theo lời mẹ dặn.
Vì trẻ con rất mau quên nên nếu không phải chứng kiến chuyện này quá nhiều lần, bé sẽ nhanh chóng xóa chúng ra khỏi ký ức. Vì thế, bạn không cần quá lo lắng về mức độ ảnh hưởng đến tâm lý.
Tuy nhiên, trong trường hợp, bé thường xuyên trở thành khán giả bất đắc dĩ, nó có thể sẽ để lại nhiều ám ảnh trong thời gian dài. Khi đó, bạn cần nói chuyện với bé một cách nghiêm túc. Để tránh việc bé sẽ bắt chước làm theo, hãy phân tích cho bé hiểu có những chuyện người lớn làm thì được, còn nếu trẻ con làm thì sẽ rất hư.
Chẳng hạn, người lớn có thể chạy xe máy ngoài đường, nhưng nếu trẻ con mà làm vậy là không ngoan; hay người lớn được quyền tiêu tiền, còn các em bé thì chưa được làm việc này…
Tương tự như vậy, biểu hiện tình yêu này chỉ người lớn là được phép làm, còn trẻ em thì không được, nếu làm theo là không ngoan… Còn nếu nhận thấy tình hình rất nguy cấp và bạn không thể hóa giải, bạn hãy nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý.
Để không bị bé “bắt quả tang” – Khóa cửa phòng: Ngay cả khi bé đã được cho là ngủ say, bạn vẫn nên khóa cửa phòng cẩn thận bởi chẳng ai biết rằng bé có thể giật mình tỉnh giấc vào lúc nào. Nếu không có phòng riêng, hãy tìm không gian tránh xa tầm mắt của bé, tuyệt đối không “lâm trận” ở những không gian sinh hoạt chung như: phòng khách, phòng bếp… – Dạy con về ứng xử: Từ lúc bé còn nhỏ, hãy dạy con rằng khi cửa phòng đóng, phải gõ cửa mới được bước vào phòng. Đây là cách ứng xử chung và cũng giúp bạn tránh gặp phải những tình huống “dở khóc, dở cười”. – Sắp xếp thời gian: Việc sắp xếp thời gian cho việc ân ái nghe có vẻ cứng nhắc nhưng là giải pháp cho các bậc phụ huynh. “Tranh thủ” vào những lúc con đi học, vào giờ con hay xem phim hoạt hình hoặc những buổi bé đi về nhà bà nội, ngoại… là gợi ý hợp lý. |
Dương Phương
Chưa có bình luận.