Những tháng ngày bác sĩ Nguyễn Đức Quỳnh cần mẫn trên giảng đường là khoảng thời gian cha mẹ anh thầm lặng mưu sinh.
Sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghề y, thế nhưng ước mơ một ngày được khoác chiếc blouse trắng lại hiện hữu trong tâm trí bác sĩ Nguyễn Đức Quỳnh (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) từ bao giờ không hay.
Trước đó, khi biết tin con trai đỗ Đại học Y Hà Nội, vợ chồng ông bà Lục (bố mẹ của Quỳnh) quyết định rời quê tới thủ đô để chăm sóc con. “Quỳnh yếu lắm, hơi tý là ốm đau nên chúng tôi không yên tâm, đành từ bỏ ruộng vườn ở quê để lên đây cày đường phố”, người mẹ chia sẻ.
Trong suốt 6 năm con học đại học, người mẹ tảo tần ấy hàng ngày bán từng cốc trà ở chợ, còn bố chạy xe máy chở hàng kiếm tiền cho con ăn học. “Mình ở quê lên đấy có nghề ngỗng gì đâu, đành học hỏi, bắt chước người đi trước, cũng kiếm được đồng ra đồng vào để nuôi cả nhà”, bà Lục tâm sự.
Không phụ công sức của bố mẹ, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, Quỳnh tham gia khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa định hướng chuyên ngành truyền nhiễm. Kết thúc khóa học với vị trí xuất sắc, chàng trai sinh năm 1990 được viện giữ lại và từ đó tới nay anh công tác tại khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Anh cũng là một trong những bác sĩ trẻ nhất khoa.
Công việc hàng ngày của Quỳnh bắt đầu từ 7h30, kết thúc lúc 16h30.
Tuy nhiên, khối lượng công việc đồ sộ, rất hiếm khi anh được về đúng giờ.
Mỗi buổi trực của Quỳnh kéo dài 24 tiếng. Thậm chí vào những dịp nghỉ lễ anh còn phải làm việc nhiều thời gian hơn so với ngày thường.
Hàng ngày sau khi giao ban, anh đi hết 7 phòng bệnh với 21 giường để thăm, khám cho các bệnh nhân.
“Nhìn, sờ, gõ, nghe” là 4 động tác hàng ngày đối với bất cứ bác sĩ nào khi đi thăm khám bệnh nhân.
Rửa tay sạch sẽ, đeo khẩu trang, mũ y tế là những quy định bắt buộc khi bác sĩ bước vào phòng hồi sức tích cực.
“Ca đầu tiên tôi được tham gia sử dụng kỹ thuật mới; tim phổi ngoài cơ thể với nhiều thủ thuật rất khó và mới mẻ trên toàn thế giới. Lúc ấy mạng sống của bệnh nhân đã nằm cả trong tay bác sĩ. Thật may mắn, ca mổ thành công”, Quỳnh nhớ lại.
Sau khi kiểm tra các phòng bệnh, Quỳnh trở lại phòng trực bổ sung thông tin vào hồ sơ bệnh án.
Tạm xong việc, anh tranh thủ ăn sáng khi đồng hồ cũng gần điểm đến giờ cơm trưa.
Cả ngày ở trong phòng bệnh bí bách nên các bác sĩ ở đây còn trồng thêm một vài cây hoa vừa để hít thở không khí trong lành vừa có nơi giải trí.
Bên cạnh công việc chuyên môn, Quỳnh cũng hướng dẫn cho các bác sĩ thực tập. ”Nhìn các bạn ấy cũng như mình 2,3 năm về trước, mọi thứ còn nhiều bỡ ngỡ, giữa việc học với thực tế là cả một khoảng cách. Vì thế giúp gì được cho mọi người thì mình cố gắng hết sức”, anh nói.
“Là một bác sĩ hồi sức cấp cứu, tiếp xúc thường xuyên với những trường hợp cận kề với cái chết, tôi luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa. Niềm vui của chúng tôi đơn giản lắm, chỉ cần bệnh nhân khỏi bệnh ra viện là ai cũng thấy hạnh phúc lắm rồi”, Quỳnh chia sẻ.
“Có một danh nhân đã từng nói đằng sau một thầy thuốc giỏi là cả một nghĩa trang. Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng học tập và làm việc nhiều hơn nữa, hạn chế tối đa những sai sót trong y khoa”, bác sĩ 9X tâm sự.
Tự nhận mình là một người sống khá khép kín. Thời gian rảnh, anh thường dành cho việc đọc sách và tự học tiếng Anh, bởi “chọn nghề này xác định là sẽ phải học cả đời”.
Quỳnh Trang
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.