Mỗi lần “lên đỉnh”, thay vì xuất ra ngoài, tinh trùng của anh Quang lại lội ngược vào bàng quang.
Đến khám vô sinh tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Đại học Y Hà Nội, anh Trần Đình Quang (37 tuổi, ở Hà Nội) rất hốt hoảng vì tình trạng xuất tinh ngược dòng của mình.
Anh cho biết mỗi lần hai vợ chồng gần gũi, anh có cảm giác phóng tinh, nhưng thực tế không có tinh dịch ra ngoài. Hai vợ chồng thử dùng bao cao su và thấy bao cao su khô, không chứa tinh dịch. Tình trạng này bắt đầu từ sau khi anh Quang bị tai nạn lao động.
Chị Nguyễn Thị Thu (30 tuổi, vợ anh Quang) chia sẻ hai vợ chồng lấy nhau được 4 năm nhưng chưa có con. Anh chị đã từng dùng biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm (tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương noãn – IVF/ICSI) nhưng không thành công.
“Chúng tôi nghĩ lại và thấy chuyện con cái là lộc trời cho nên không sốt ruột nữa. Kết quả xét nghiệm cho thấy sức khỏe cả hai vợ chồng bình thường nên hai vợ chồng mong chờ tin vui đến với mình một cách tự nhiên nhất. Nhưng cách đây một năm, anh ấy bị tai nạn lao động. Sau đó, mỗi lần quan hệ, anh không hề xuất tinh vào vợ. Hy vọng có con của chúng tôi trở nên mong manh”, chị Thu tâm sự.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà
tư vấn về vô sinh, hiếm muộn. Ảnh: Việt Hùng.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà (Trưởng bộ môn Mô – Phôi, Đại học Y Hà Nội; Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép) – người trực tiếp điều trị cho trường hợp trên – cho biết sau khi làm các xét nghiệm và kiểm tra cho thấy anh Quang có “lên đỉnh” trong mỗi lần quan hệ, nhưng thay vì xuất ra ngoài, tinh trùng lại lội ngược, đi vào trong bàng quang. Khi đi tiểu, bệnh nhân sẽ thấy nước tiểu đục do chứa tinh trùng.
Theo tiến sĩ Hà, hiện tượng xuất tinh ngược dòng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng hiếm muộn ở đàn ông.
Nguyên nhân của hiện tượng này là tổn thương gây nhiễu loạn các sợi thần kinh giao cảm trung gian vùng cổ bàng quang và vùng cơ thắt tuyến tiền liệt. Thương tổn gây nhiễu loạn này có thể là do rối loạn thần kinh hoặc tác nhân của một số biệt dược, tai nạn, phẫu thuật.
Hiện tượng này không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh nhưng để có con, người bệnh bắt buộc phải đông tinh trùng từ trong nước tiểu.
Tiến sĩ Hà nhớ lại: “Vì chất lượng tinh trùng rất yếu nên quá trình tích trữ đủ tinh trùng cho một lần làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF/ICSI) của anh Quang rất gian nan. Thậm chí, có lần sau khi ly tâm từ nước tiểu, bác sĩ chỉ thu được vài xác tinh trùng bất động, không đủ điều kiện để đông tinh”.
Cận cảnh quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương noãn). Ảnh: Việt Hùng.
Sau khi quá trình đông tinh hoàn thành, chị Thu được kích thích buồng trứng để làm IVF.
“Đối với trường hợp này, quá trình đông tinh khó khăn bao nhiêu thì hành trình tìm đủ tinh trùng từ mẫu tinh trùng đông tinh để tiến hành tiêm vào trứng gian nan bấy nhiêu. Sau 10 tiếng miệt mài trong phòng kỹ thuật, các bác sĩ mới tìm đủ 19 tinh binh để làm thụ tinh với 19 phôi của chị Thu”, tiến sĩ Hà cho hay.
Sau lần chuyển phôi đầu tiên, chị Thu có tin vui và đang mang thai tuần thứ 8. Em bé đã có tim thai và phát triển bình thường.
Về hiện tượng xuất tinh ngược, bác sĩ khuyến cáo người bệnh không được tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào để chữa trị. Bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, càng sớm càng tốt.
“Việc lọc tinh trùng từ nước tiểu cũng hoàn toàn sạch. Người bệnh không nên quá lo lắng khi mắc bệnh lý này”, tiến sĩ lưu ý.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.