Có lẽ mọi thứ đều là lần trải nghiệm đầu tiên của họ, vì quả thực với việc ăn uống kham khổ, chắt chiu từng đồng thì họ chưa từng nghĩ đến việc gói bánh chưng hay làm mâm cỗ tất niên, kiếm cành đào chơi Tết…
Chuyện tình “về chung một nhà” chỉ sau lần gặp đầu tiên của đôi vợ chồng già
Vợ chồng ông Thành và bà Thủy, 2 nhân vật xuất hiện trong bộ ảnh “Tết đoàn viên” hiện đang sống cùng nhau trong một con thuyền bằng nứa được dựng tạm bợ thành ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nằm nép mình bên bờ sông Hồng.
Trong ngôi nhà ấy chẳng có gì đáng giá ngoài những vật dụng sinh hoạt được ông Thành nhặt từ bãi rác mang về.
Ông bà năm nay đều đã ngoài 80 tuổi, ông vốn là người dân tộc Mường, quê ở Thanh Hóa. Năm lên 10 tuổi thì bố mẹ không may qua đời, khiến ông phải một mình lang bạt ra Hà Nội mưu sinh ở khắp các bến tàu, bến xe, ai thuê gì thì làm đấy, miễn là ra tiền và không vi phạm pháp luật.
Duyên số đưa họ đến bên nhau, hai mảnh đời bất hạnh tìm nhau để nương tựa, giúp đỡ lúc ốm đau, trái gió trở trời.
Dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn còn nhớ từng chi tiết trong câu chuyện đời mình: “Tôi vẫn còn nhớ hôm đó là ngày 26/9/1969. Sau khi mang ốc đi bán, trên đường trở về qua ga Long Biên, tôi tình cờ nhìn thấy một người phụ nữ đang quét gạo rơi ở sân ga.
Nhìn thấy hình ảnh đó, trong lòng tôi dấy lên sự thương cảm, tôi đánh liều hỏi bà ấy về ở chung với tôi. Khi nghe tôi nói vậy, bà ấy khóc, rồi đồng ý về cùng tôi. Đó là giây phút, tôi không bao giờ quên được“.
Hai ông bà sống cùng nhau trong một con thuyền bằng nứa được dựng tạm bợ thành ngôi nhà nhỏ ven sông Hồng
Bà Thủy sinh năm 1938, mồ côi mẹ từ nhỏ, bố lấy vợ hai, nên bà bị mẹ ghẻ mắng chửi tối ngày. Không thể chấp nhận cuộc sống như vậy, bà bỏ nhà ra Hà Nội. Những ngày đầu, bà phải lang thang tự kiếm sống như ông Thành, tối đến chui vào các toa tàu để ngủ.
Điều khiến tôi bất ngờ nhất là trong suốt 47 năm qua, từ khi về sống chung với nhau 2 ông bà chưa từng cưới xin thế nhưng họ vẫn yêu thương, sống với nhau đến tận bây giờ.
Hiện tại, bà Thủy chỉ loanh quanh ở nhà cơm nước, một mình ông Thành thức khuya dậy sớm đi nhặt rác kiếm tiền về trang trải cuộc sống.
Một cái Tết đặc biệt, chưa từng có suốt hơn 80 năm qua dành cho hai ông bà
Không có con cháu, cụ ông cụ bà nương tựa vào nhau để sống. Dẫu tình nghĩa vợ chồng lúc nào cũng keo sơn, thắm đượm, nhưng không tránh khỏi nhiều lúc ông bà chạnh lòng, cảm thấy trống trải.
Do đó, ông bà rất mừng khi có người đến thăm hỏi, chuyện trò. Cảm giác “thèm” một gia đình sum họp, đông vui lại càng khắc khoải hơn vào những ngày Tết đoàn viên đang cận kề.
Cảm nhận được điều đó, nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải (HAILECAO), sinh năm 1984, quê Hưng Yên – “cha đẻ” của nhiều bộ ảnh cưới đẹp mê hồn, người con thân thiết đối với ông Thành bà Thủy, đã đứng ra chuẩn bị một cái Tết thật đặc biệt dành tặng đôi vợ chồng già.
Nhiếp ảnh gia 8x tâm sự: “Không phải ai trong chúng ta cũng may mắn có được cuộc sống đầy đủ những giá trị về cả vật chất lẫn tinh thần, mà đặc biệt với hai nhân vật có chuyện tình “một không hai” này.
Với ông bà thì một cái Tết truyền thống đủ đầy, được sum vầy bên con cháu là điều thực sự họ chưa từng dám nghĩ đến.
Do đó, mình mong muốn với chút sức mọn của mình có thể mang đến không khí Tết đoàn viên sum họp, con cháu quây quần ấm cúng dành tặng ông bà trong những ngày giáp Tết“.
Nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải là một người con thân thiết đối với ông bà
Nghĩ là làm, nhiếp ảnh gia cùng một vài người bạn chuẩn bị đầy đủ đồ gói bánh chưng, nguyên liệu để soạn mâm cỗ tất niên, cúng ông Công ông Táo lên trời cùng áo quần mới, rồi mang đến chiếc ghe nhỏ ven sông Hồng, như mang cả không khí Tết đặc biệt dành tặng đến ông bà.
Họ còn đưa ông bà đi thăm quan vườn đào và tặng đôi vợ chồng già một cành đào tươi thắm đón Tết.
Lê Cao Hải chia sẻ: “Các bạn có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc xen lẫn hồi hộp, có phần căng thẳng của ông bà qua những bức ảnh, khi lần đầu tiên được hướng dẫn và tự tay gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cỗ cúng.
Hôm ấy thực sự rất vui và ấm áp, ông bà xem mình như con trong nhà, mình vừa chụp ảnh, vừa tâm sự, hát hò say sưa với ông bà như con vậy.
Ông bảo đón bao nhiêu cái Tết trong đời rồi nhưng đây là lần đầu tiên ông thấy hạnh phúc, đủ đầy và đầm ấm như thế. Không những thế, ông bà còn xúc động vô cùng khi cảm nhận được tấm lòng , tình cảm mà tụi mình dành cho ông bà”.
Cùng đến với không khí Tết rộn ràng, ấm áp tại ngôi nhà đơn sơ nép mình bên sông Hồng:
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: ĐKN
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…