Nhiều trẻ bị viêm ruột thừa nhưng gia đình tưởng rối loạn tiêu hoá và tự cho trẻ uống thuốc. Viêm ruột thừa ở trẻ tiến triển rất nhanh, chỉ 6 – 8 giờ có thể vỡ ra, gây nhiễm trùng máu và tử vong.
Viêm ruột thừa là một bệnh lý ngoại khoa thường gặp, ngay cả ở trẻ em, nhưng dễ chẩn đoán lầm với nhiều bệnh lý khác. Các bệnh viện (BV) nhi đồng tại TPHCM đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ cấp cứu với những triệu chứng nguy hiểm do viêm ruột thừa.
Dễ nhầm với nhiều bệnh khác
Bé gái N.T.D, 13 tuổi, đau một ngày vùng bụng dưới kèm theo sốt nhẹ, tiêu lỏng. Vì gần ngày hành kinh nên bé tưởng mình bị đau bụng kinh, ráng chịu đựng và không nói với cha mẹ. Đến khi hết chịu nổi, bé mới nói và được gia đình đưa đi khám tại BV Nhi đồng 2, các bác sĩ đã phát hiện bé bị viêm ruột thừa hoá mủ. Gần đây, BV Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận bé trai T.T.L, 6 tuổi, trong tình trạng bị viêm ruột thừa, trong tình trạng nhiễm trùng khắp ổ bụng. Trước đó, bệnh nhi đau bụng vùng quanh rốn 2 ngày, kèm theo sốt, buồn nôn và tiêu chảy 2 – 3 lần/ngày, gia đình tưởng bé bị rối loạn tiêu hoá nên tự dùng thuốc ở nhà. Sau uống thuốc một ngày mà bé vẫn còn đau bụng đồng thời sốt nhiều hơn, bụng gồng cứng. Khi gia đình đưa bé vào khám tại BV mới hay bệnh đã ở giai đoạn trễ. Cả hai bệnh nhi này đều được nhập viện và phẫu thuật cấp cứu kịp thời trong đêm.
Bác sĩ Trương Quang Định, Phó Giám dốc BV Nhi đồng 2, cho biết trường hợp trẻ viêm ruột thừa bị chẩn đoán nhầm như trên là khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân làm cho lòng ruột thừa bị tắc nghẽn như do sỏi phân, quá sản tổ chức limpho ở thành ruột thừa, dị vật… khiến cho ruột thừa bị viêm, sưng lên và nhiễm trùng. Còn theo thạc sĩ – bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, ruột thừa không có chức năng tiêu hoá nhưng nếu vì một lý do nào đó như u phân, búi giun khiến nó bị tắc nghẽn, ruột thừa sẽ sưng lên, bội nhiễm vi khuẩn gây ra phản ứng viêm. Triệu chứng của viêm ruột thừa rất đa dạng và dễ bị chẩn đoán lầm với nhiều bệnh lý khác. Trong nhiều trường hợp, triệu chứng của viêm ruột thừa không điển hình, đặc biệt ở trẻ em, do ruột thừa di động nhiều hoặc rất dễ chẩn đoán lầm với rối loạn tiêu hoá. Một số trường hợp khác, ruột thừa dài thay có vị trí bất thường có thể gây ra nhiều triệu chứng không đặc hiệu như ruột thừa nằm sát bàng quang sẽ gây ra triệu chứng tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu lắt nhắt nhiều lần.
Trẻ càng nhỏ càng nguy hiểm
Theo bác sĩ Trương Anh Mậu, Khoa Ngoại – BV Nhi đồng 2, viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí cả trẻ 3 – 4 tuổi. Trẻ bị viêm ruột thừa càng nhỏ càng nguy hiểm vì khả năng hợp tác của bệnh nhi kém. Những trường hợp này rất khó chẩn đoán vì trẻ chưa có khả năng diễn đạt rõ ràng tình trạng đau của mình và không dễ phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác. Viêm ruột thừa ở trẻ tiến triển rất nhanh, chỉ 6 – 8 giờ có thể vỡ ra. Do vậy, việc phát hiện và chẩn đoán sớm viêm ruột thừa để phẫu thuật cắt bỏ rất cần thiết nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên với trẻ em, điểm đau rất khó xác định vì trẻ đa phần gặp bác sĩ là sợ, kêu khóc, không miêu tả được là đau ở đâu, thậm chí khám bụng chỗ nào cũng kêu đau. Các biện pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm không phải lúc nào cũng phát hiện tổn thương viêm ruột thừa.
Nhận biết trẻ bị viêm ruột thừa
Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau vùng bụng dưới bên phải, thường bắt đầu ở vùng quanh rốn, sốt nhẹ, buồn nôn và nôn, tiêu lỏng, bụng chướng. Trẻ bị viêm ruột thừa thường có môi khô, lưỡi dơ biểu hiện tình trạng nhiễm trùng. Phần lớn trẻ có sốt nhẹ, khoảng 38oC – 38,5oC nhưng có khi trẻ không có triệu chứng này, chỉ khi đoạn ruột thừa viêm bị vỡ thì mới sốt. Ngoài ra, bé sẽ có tình trạng mệt mỏi, chán ăn, bụng trướng do ruột bị kích thích kèm theo buồn nôn, nôn. Tiêu chảy có thể có hoặc không. Biểu hiện nôn và tiêu chảy ở trẻ viêm ruột thừa cũng dễ bị nhầm với rối loạn tiêu hoá.
Các triệu chứng điển hình của đau ruột thừa có thể xuất hiện không đầy đủ. Do đó, các bậc phụ huynh cần đưa con đi khám nếu trẻ đau bụng nhiều, không giảm sau 1 – 2 giờ, kèm theo nôn, đi ngoài lỏng hoặc sốt để được theo dõi tại BV vì việc theo dõi ở nhà rất nguy hiểm. Ngoài ra, bác sĩ Trương Anh Mậu khuyên các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc giảm đau cho trẻ nếu trẻ đau bụng mà chưa xác định được nguyên nhân vì thuốc có thể làm mất các triệu chứng bệnh và gây khó khăn cho việc chẩn đoán của bác sĩ. Việc phát hiện trễ cũng như chẩn đoán sai lệch có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Nếu không điều trị, ruột thừa bị hoại tử, dẫn đến viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết và cuối cùng là tử vong./.
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…