Ứng dụng telemedicine tại các nước đang phát triển
Nhu cầu sử dụng telemedicine tại các nước đang phát triển có thể nói còn cao hơn so với các nước phát triển khi mà số lượng bác sĩ chưa đủ so với dân số tương ứng, vùng nông thôn còn thiếu các bác sĩ chuyên khoa và được cần hỗ trợ trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Năm 2009, Tổ chức y tế thế giới đã đếm trên mạng thông tin có đến 104 định nghĩa khác nhau về “telemedicine”. Trong đó, định nghĩa telemedicine được nhiều người đồng tình nhất như sau: “Telemedicine là loại hình cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi khoảng cách là một trở ngại chính, khi đó các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sử dụng công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông để trao đổi thông tin hợp lệ để chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh và thương tích, để nghiên cứu và đánh giá, và để đào tạo liên tục về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tất cả vì lợi ích của việc nâng cao sức khỏe của các cá nhân và cộng đồng.”
Theo định nghĩa này, telemedicine cũng có thể được gọi một cách chính xác là sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong y học. Telemedicine không chỉ để chẩn đoán bệnh hoặc theo dõi người bệnh từ xa, mà còn là công nghệ học tập điện tử và là các dịch vụ y tế viễn thông (tư vấn từ xa) trên mạng hoặc liên kết video (Facetime, mạng nội bộ, Internet, Skype, v.v.) trái ngược với tư vấn trực tiếp. Các mục tiêu chính của các dự án ứng dụng telemedicine bao gồm:
Hệ thống chẩn đoán và tư vấn từ xa (Remote diagnosing and teleconsulting system): Với loại hình chẩn đoán từ xa (Remote diagnosing), dữ liệu bao gồm tín hiệu và hình ảnh của bệnh nhân có được và lưu trữ, và sau đó được chuyển đến bệnh viện, nơi các bác sĩ chuyên khoa để phân tích những dữ liệu đó, sau đó sẽ gửi lại chẩn đoán. Chẩn đoán từ xa có thể được thực hiện ngay cả khi không có bác sĩ, chỉ có điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, tình huống như vậy thường xảy ra ở các vùng nông thôn của các nước đang phát triển, và trong một số trường hợp, chẩn đoán sơ bộ được thực hiện tại địa phương bởi sự trợ giúp của một hệ thống hỗ trợ ra quyết định (DSS).
Với loại hình tư vấn từ xa (Teleconsulting), bác sĩ không chuyên khoa cần được tư vấn từ xa với một hoặc nhiều bác sĩ chuyên khoa. Thông thường, tình huống này xảy ra ở các khoa cấp cứu ở các bệnh viện vùng nông thôn, hoặc ở các phòng khám chữa bệnh ban đầu, những nơi thường chỉ có bác sĩ thực hành tổng quát, không có bác sĩ chuyên khoa.
Hệ thống theo dõi người bệnh từ xa (Remote monitoring system):
Bệnh nhân được theo dõi ở xa, tín hiệu của bệnh nhân liên tục có được chuyển đến bệnh viện và có thể được phân tích tại chỗ bởi một hệ thống hỗ trợ ra quyết định DSS. Báo động được phát hiện từ xa và truyền trở lại phía bệnh nhân. Hệ thống giám sát có thể được quản lý và kiểm soát tại địa phương bởi bác sĩ hoặc y tá.
Hệ thống can thiệp từ xa (Remote intervention system):
Bệnh nhân vào phòng mổ, can thiệp được thực hiện thông qua một robot (phía bệnh nhân) được điều khiển từ xa bởi một bác sĩ trong phòng khám chính. Can thiệp từ xa yêu cầu một số hỗ trợ tại địa phương được thực hiện bởi bác sĩ hoặc điều dưỡng.
Hệ thống đào tạo từ xa (Remote education system, e-learning): Học viên (chủ yếu là bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên) tham dự các lớp học được giảng dạy từ các tổ chức học thuật từ xa, và có thể bằng giao tiếp hai chiều tương tác với giáo viên bằng cách đặt câu hỏi.
Dưới đây là tóm lược một số dự án ứng dụng telemedicine tại các nước đang phát triển được trích dẫn từ bài viết “Telemedicine for Developing Countries” của Carlo Combi đăng trên Tạp chí “Applied Clinical Informatics”
Ứng dụng telemedicine tại Trung Quốc
Mặc dù nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, nhưng hiệu quả hệ thống y tế của Trung Quốc chỉ được xếp hạng 144 (2007). Ở Trung Quốc, 20% tài nguyên có sẵn dành cho 900 triệu người dân nông thôn, chiếm 70% toàn bộ dân số Trung Quốc.
Hầu hết các dự án telemedicine nhằm kết nối một bệnh viện ở nông thôn với một bệnh viện lớn ở Trung Quốc. Tín hiệu, hình ảnh chẩn đoán và video được thu nhận tại bệnh viện tuyến dưới trong lần khám đầu tiên, được gửi đến bệnh viện lớn, sau đó được chẩn đoán và đánh giá bởi chuyên gia từ xa.
Một trong những dự án telemedicine ở khu vực Tứ Xuyên (Tây Trung Quốc) từ năm 2002 đến 2013: đã kết nối khoảng 249 bệnh viện ở 112 khu vực nông thôn với một số bệnh viện chuyên khoa của thành phố, tập trung vào 40 lĩnh vực chuyên khoa khác nhau. Trong thời gian 12 năm, đã có 11.987 lượt tư vấn từ xa được thực hiện, chủ yếu dành cho chẩn đoán ung bướu, chấn thương và bệnh tim mạch. Một nghiên cứu chứng minh hiệu quả thực sự của dự án telemedicine: 39,8% chẩn đoán ban đầu đã được sửa đổi sau khi hội chẩn truyền hình; 55% các phương pháp điều trị ban đầu đã được sửa đổi sau khi tư vấn từ xa. Nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động này đã tiết kiệm khoảng 2,3 triệu đô la Mỹ cho bệnh nhân (được chẩn đoán ở bệnh viện nông thôn, bệnh nhân không cần phải chuyển đến bệnh viện chính) và khoảng 3,7 triệu đô la Mỹ cho các bác sĩ chuyên khoa (bác sĩ chuyên khoa không cần phải di chuyển đến bệnh viện nông thôn để hoàn thành chẩn đoán hoặc xác nhận điều trị).
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở Trung Quốc hiện tại (2014) đã cải thiện đáng kể về chất lượng giao tiếp của các dự án telemedicine, và hầu hết các địa điểm nông thôn hiện nay (2014) được bao phủ bởi một cơ sở hạ tầng truyền thông tốt. Những khó khăn chính gặp phải bao gồm: khó có thể ứng dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc vì chủ yếu dựa trên sự tương tác trực diện; không có động lực kinh tế để các bác sĩ chuyển sang điều trị từ xa, vẫn thích tiếp tục với các phương pháp truyền thống; các bệnh viện Trung Quốc thiếu nhân sự để duy trì hệ thống liên lạc; thiếu tiêu chuẩn về dữ liệu sức khỏe sẽ ngăn cản việc triển khai thành công các dự án telemedicine.
Ứng dụng telemedicine tại Ấn Độ
Khoảng 80% các cơ sở y tế chính nằm ở các khu vực đô thị, nơi chiếm khoảng 30% dân số. Do đó, 20% cơ sở y tế chủ yếu được quản lý bởi các chuyên gia thiếu kinh nghiệm ở các khu vực nông thôn, nơi phải chăm sóc khoảng 770 triệu công dân. Ở Ấn Độ, tuổi thọ trung bình là 52 tuổi và cơ sở hạ tầng công nghệ chỉ đạt hơn 65% diện tích đất liền và bao phủ 80% dân số.
Các dự án telemedicine chính được được biết đến như Apollo, Otri và Asia Heart Foundation. Tất cả liên quan đến các địa điểm trên toàn quốc, và tập trung vào các nhu cầu chính như khoa tim mạch, cấp cứu, X quang, nhãn khoa và thận. Tín hiệu, hình ảnh chẩn đoán và video được chuyển giữa các máy trạm dựa trên máy tính Intel đã đạt được 750 lượt hội chẩn từ xa mỗi tháng.
Những khó khăn chính mà các dự án telemedicine gặp phải là chính sách quan liêu và bảo hộ, mặc dù các dịch vụ được cung cấp miễn phí và người nhận thường hài lòng với các dự án. Để cải thiện chất lượng giao diện thân thiện với người dùng, bao gồm dịch hệ điều hành Linux sang ngôn ngữ tiếng Hindi chính thức của quốc gia và để tăng độ bao phủ của kết nối điện thoại cố định.
Ứng dụng telemedicine tại Brasil
Chính quyền thành phố Paraiba (Đông Bắc Brazil) đã triển khai dự án telemedicine để sàng lọc từ xa bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em với dân số khoảng 3,7 triệu người. Đã có 73.751 trẻ em đã được sàng lọc từ xa tại các cơ sở y tế trong năm 2012-2014. Trong trường hợp không chắc chắn, hình ảnh siêu âm tim sẽ được gửi qua Internet cho một nhóm chuyên gia tim mạch gồm 7 bác sĩ tim mạch, 3 bác sĩ nội trú và 4 nhân viên, cung cấp dịch vụ hỗ trợ từ xa 24/7, khi cần, bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ đến cơ sở y tế để chẩn đoán. Đã có 857 bệnh bẩm sinh đã được xác định, hầu hết trong số chúng sẽ không được phát hiện và điều trị nếu không có chương trình chẩn đoán từ xa được triển khai.
Dự án từ xa này cần khoản đầu tư ban đầu lên đến 1,2 triệu đô-la cho năm đầu tiên, bao gồm 12 trung tâm lớn, chi phí hàng năm tăng lên 2,0 triệu đô-la Mỹ trong năm thứ hai vì được mở rộng lên 21 trung tâm.
Và nhiều dự án ứng dụng telemedicine khác tại nhiều nước
• Một dự án ở Chad của Fondazione Cumse của Ý, chủ yếu dành cho việc ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm như AIDS và sốt rét.
• Một dự án ở Ethiopia, thực hiện bởi Liên minh Viễn thông Quốc tế, liên quan đến teledermatology, teleradiology and telepathology.
• Một dự án ở Rwanda, thực hiện bởi Bộ cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia, liên kết 3 bệnh viện với các cơ sở hội nghị truyền hình để tăng cường cách tiếp cận, trong đó có đào tạo nhân viên y tế.
• Một dự án chủ yếu nhắm đến Châu Phi, dành cho đào tạo từ xa về phòng chống dịch bệnh (đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tình dục) và dựa trên dịch vụ tin nhắn ngắn (SMS) được gửi tới người dùng điện thoại di động. Đây là một kiểu giáo dục một chiều vì không có phản hồi nào được cho phép từ các địa chỉ SMS.
• Một dự án ở Trung Đông (Iraq, Afghanistan, Pakistan, Kuwait), nơi các bác sĩ có thể yêu cầu tư vấn từ xa về các trường hợp quan trọng bằng cách gửi tin nhắn, e-mail cho các đồng nghiệp của họ ở các nước phát triển.
• Một dự án thí điểm ở Nepal của chính quyền địa phương, liên quan đến khoảng 30 bệnh viện ngoại ô thành phố, chủ yếu tập trung vào các thách thức trong điều trị từ xa. Dự án đã chỉ ra những vấn đề quan trọng bao gồm cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn nhân lực, năng lực và tài chính.
Yhocvn.net
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
+ Kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ trong triển khai bệnh án điện tử
+ Mô hình quản lý chuỗi cung ứng trong bệnh viện (Hospital logistics)
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…