“Năm 2013, tôi quyết định cạo hết tóc để mong hiểu được phần nào cảm giác của những bệnh nhân ung thư vú”, em gái của Thương Sobey tâm sự.
Cuộc sống đang viên mãn, hạnh phúc, Thương Sobey phát hiện mình mắc ung thư vú. Trong thời gian điều trị, không thụ động, cam chịu, chị xây dựng Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (BCNV).
Tháng 3/2015, Thương Sobey qua đời. Nhưng câu chuyện của BCNV, thật may mắn vẫn không dừng lại. Nó được duy trì, tiếp lửa tiếp bởi cô em gái Thủy Tiên. Vượt lên nỗi đau mất người thân, Thủy Tiên đi tiếp con đường dang dở của chị mình, với sứ mệnh tăng cường phát hiện sớm ung thư vú (UTV) và cải thiện chất lượng sống cho những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh.
Tin cho các Mẹ xin giới thiệu những dòng tâm sự xúc động của “cô gái đầu trọc” Thủy Tiên, viết về người chị của mình.
Thương Sobbey và thông điệp “Hãy sống như một chiến binh”.
Nhiều đêm mẹ tôi nằm thổn thức và nói: Thương thằng An quá (An là tên gọi ở Việt Nam của anh rể tôi), vợ nó điều trị về bệnh tật, đau yếu thế, lại vừa cưới nhau được mấy bữa… rồi không nói nữa và lại nằm thổn thức.
Lúc đó, tôi đã không đủ hiểu sự lo lắng của mẹ. Nhưng càng đọc nhiều tài liệu liên quan tới việc điều trị UTV bằng phác đồ điều trị hooc-môn, tôi hiểu rằng lúc đó người phụ nữ bị khóa hooc-môn sinh dục và vì thế, bộ phận sinh dục khô hạn như một hệ quả tất yếu.
Việc chẳng hòa hợp và cân bằng nhu cầu tình dục trong đời sống lứa đôi có thể là một mâu thuẫn âm ỉ làm tổn thương lẫn nhau và nghiêm trọng hơn nó làm một tổ ấm có thể rạn nứt và đổ vỡ.
Tôi hiểu vì sao họ lo lắng và hiểu hơn vì sao nhiều người phụ nữ lại đau khổ và tiều tụy hơn. Sự tiều tụy đó không đơn giản chỉ vì điều trị hay thuốc men.
Tiếp xúc với bệnh nhân ung thư vú hàng ngày tôi lại càng thấu hơn cái sự buồn bã ấy, mà không phải ai cũng có thể dễ dàng nói ra.
Và đúng, UTV cũng đã làm chị tôi thay đổi hình hài bên ngoài thật. Đầu tiên đó là mất hết bộ ngực, mất cả cảm giác khi chạm sờ vào nó và dĩ nhiên là mất cả khả năng làm mẹ, và rồi là cả mái tóc.
Chị bị tác dụng phụ phù nề khi truyền hóa chất. Hồi đầu mẹ tôi tưởng chị mập ra do chịu khó ăn uống và giữ tinh thần lạc quan. Nhưng rồi, khi biết đấy là do tác dụng của thuốc, cả khuôn mặt chị cứ tiếp tục phù ra, không còn giữ được nét hài hòa… thì đêm nào mẹ tôi cũng khóc.
Chị tôi đã từng viết trên facebook của mình rằng: “Rồi tóc rụng. Cái đầu trọc lốc tố cáo rằng: Tôi đang bị ung thư. Da dẻ nhăn nheo, cháy xạm, khuôn mặt tiều tụy, hốc hác và mệt mỏi vô cùng. Nói trắng ra, tôi là một phụ nữ không đủ khả năng làm vợ, làm mẹ. Với nhiều phụ nữ, rơi vào cảnh như thế thì chết cho rồi, sống sao nổi. Với nhiều đàn ông nhìn vào tôi thì sẽ tự hỏi mình làm sao mà yêu được 1 phụ nữ như thế”.
Nhưng may mắn với chị tôi và cả gia đình vì chị ấy có một người chồng yêu thương hết mực. Tình yêu ấy lại càng mãnh liệt hơn khi được thử thách bởi sự thay đổi vẻ bên ngoài của người vợ.
Tôi yêu chị gái mình và lúc nào cũng thấy chị thật đẹp. Trong thời gian điều trị hóa chất, chị chẳng có một cọng tóc trên đầu, nhưng lúc nào trông cũng rạng rỡ. Trong mắt tôi, dù đầu trọc, chị vẫn đẹp, theo một cách riêng biệt.
Thủy Tiên đầu trọc và Thủy Tiên với các bộ tóc giả
Năm 2013, tôi quyết định cạo hết tóc để mong hiểu được phần nào cảm giác của những bệnh nhân UTV. Tôi giữ cái đầu trọc lốc trong một thời gian dài và đối mặt với không ít định kiến của những người xung quanh.
Tôi tự hỏi, những người mắc bệnh UTV, họ sẽ cảm thấy như thế nào, nếu ai cũng đánh giá và nghĩ họ như thế?
Chứng kiến những đau đớn và tổn thương của chính chị gái mình, tôi thấu cảm hơn nỗi đau khó diễn đạt được bằng lời của những người không may mắc UTV. Căn bệnh tai ác không chỉ làm thay đổi hình hài bên ngoài của một con người mà còn gây những mất mát trong tâm hồn họ. Những nỗi đau không bao giờ có thể bù đắp.
Đây là lần đầu tiên, kể từ bé tới giờ, tôi mặc một chiếc váy dài và bộ quần áo thướt tha như thế này. Nhưng nhìn xem, cho dù đầu trọc đi chăng nữa, tôi vẫn thấy mình thật xinh xắn, như chị gái của tôi vậy. Nhiều người nhìn những bức ảnh này chắc cũng sẽ thốt lên: Ôi, Thương Sobey!
Và tôi tự hào vì điều đó.
Thương Sobey (trái) và Thủy Tiên, đồng sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam
Không ai biết trước được liệu ngày mai sẽ có sóng gió hay bất hạnh nào đến với cuộc đời mình. Tôi nghĩ rằng còn nhiều việc phải làm và vẫn phải sống thay vì ngồi một chỗ khóc thương chuyện đã xảy ra. Và quan trọng hơn, thay vì ngồi khóc hay chờ đợi thì mỗi ngày qua đi, tôi muốn đó sẽ là một ngày SỐNG trọn vẹn cho mình và cho những người tôi yêu thương.
Các hoạt động của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam sẽ còn được tiếp tục. Những giá trị và thông điệp nhân văn sẽ được lan tỏa. Những điều đó, Thương Sobey – chị tôi – một bệnh nhân UTV đã từng phải đánh đổi nhiều thứ để gây dựng.
Trải qua những giai đoạn khó khăn dồn dập. Hơn hai năm chiến đấu để giành giật sự sống và bình thản chấp nhận sự ra đi của người thân yêu nhất. Vượt lên những đau buồn, tôi nhận ra được những giá trị tích cực khi UTV gõ cửa gia đình tôi. Tôi biết trân trọng những giây phút sống hằng ngày và hiểu sâu sắc hơn về giá trị của con người. Với mái tóc này, tôi vẫn luôn thấy mình đáng yêu và nữ tính vì “Con người của tôi có nhiều giá trị hơn hình hài này”.
Tôi có niềm tin mãnh liệt vào điều đó, cho dù bệnh tật có làm cho hình hài, và thân thể bạn ra sao chăng nữa”./.
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…