Đặc điểm của cây
Cây còn có tên gọi: cây dầu nóng, kích nhủ chùm tụ tán. Có tên khoa học: Polygala paniculata L. Thuộc họ viễn chí Polygalaceac.
Cây thảo nhỏ hay bụi mảnh cao 30 – 40cm. Đặc điểm dễ nhận biết: nhổ cây lên ta ngửi phần gốc rễ thơm mùi tinh dầu salicylat methyl. Thân mảnh không lông. Lá có phiến nhỏ hẹp 1,5 x 0,15cm, đầu nhọn mỏng không lông, gân phụ không rõ. Chùm ở chót nhánh cao 5 – 6cm, hoa chít nhau trắng nhỏ, cao 2mm, không lông, vành hơi cao, mồng ít tua, tiểu nhụy 8. Nang trắng đẹp, bầu dục, cao 2mm.
Cây viễn chí lá nhỏ Polygala paniculata L. |
Phân bố
Trên thế giới, viễn chí lá nhỏ phân bố ở Nam Mỹ, châu Đại Dương, châu Á, Malaysia. Ở nước ta thường gặp ven đường đi, đất hoang, trong bồn cây cà phê, vườn chè từ Madagui, thị xã Bảo Lộc, Lạc Dương, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) theo điều tra của chúng tôi thấy trữ lượng khá.
Thu hái bảo quản
Khi cây đang ra hoa tháng 9 – 12, nhổ cả cây, giũ sạch đất, bó từng bó nhỏ phơi trong râm mát cho đến khi khô (thường 5 – 7 ngày), cho vào bao kín để dành khi nào dùng mới cắt ngắn (để khỏi bay hết tinh dầu và những hoạt chất khác làm giảm tác dụng điều trị).
Thành phần hóa học: rễ chứa nhiều tinh dầu có salicylat methyl nên có mùi rất thơm.
Tính vị, tác dụng: như các loài viễn chí (Từ điển cây thuốc Việt Nam . V.V. Chi) . Viễn chí có vị đắng the, tính hơi ấm vào 2 kinh tâm và thận; có tác dụng an thần, ích trí, chỉ khái, khan đàm, hoạt huyết, ích tinh, tiêu lỏng, tán ứ, giải độc.
Công dụng: người ta thường dùng toàn cây làm thuốc chữa sổ mũi, còn dùng chữa chứng đầy hơi, nấu nước để tắm; dùng thân rễ ngâm với cồn xoa bóp chữa tê thấp, nhức mỏi.
Những bài thuốc sử dụng cây viễn chí lá nhỏ
Trị cảm hàn sổ mũi, tay chân lạnh: toàn cây viễn chí 50g tươi hoặc 15g khô, lá đại bi, lá tía tô, lá ngũ trảo 20g, gừng sống 8g. Nấu với 2 chén rưỡi nước còn 1 chén, chia 2 lần uống trong ngày, nên uống thuốc lúc còn nóng rồi trùm mền cho ra mồ hôi, không ra ngoài trời hoặc ngồi chỗ gió lùa khi uống thuốc. Dùng bài thuốc này 1 ngày đã thấy kết quả, đơn này không dùng quá 5 ngày.
Trị viêm xoang mũi dị ứng: dễ hắt hơi sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, mỏi gáy khi thời tiết thay đổi: toàn cây viễn chí 100g, lá màng tang (Folium Litsea cubeba), lá ngải cứu 60g đều dùng tươi, nấu với nước pha âm ấm, tắm toàn thân và gội đầu mỗi sáng sớm 1 lần, làm 7 ngày liên tiếp. Nếu thấy diễn tiến tốt, sau đó dùng cách ngày 1 lần. Đồng thời có thể dùng bài thuốc sau đây: toàn cây viễn chí 12g, lá hoặc quả từ bi biển (viticis Rotundifoliae), lá cây chỉ thiên (clerodendrum indicum L.) mỗi loại 10g. Nấu với 600ml nước còn 200ml chia 2 lần uống/ngày. Đơn thuốc này dùng liên tục 7 – 10 ngày, nghỉ 7 ngày rồi tiếp tục liệu trình. Theo dõi trên một số bệnh nhân, chúng tôi thấy diễn tiến rất tốt.
Chữa tê thấp, tay chân nhức mỏi: lấy phần rễ của cây viễn chí lá nhỏ ngâm với cồn 600 theo tỷ lệ 1:1, ngâm sau 7 ngày là có thể dùng được, xoa bóp tay chân nơi tê mỏi, đau nhức rất hay. Chú ý phụ nữ có thai, cấm dùng viễn chí.
Lương y NGUYỄN ĐỨC NGHĨA
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…