Đến phố Lãn Ông – phố bán thuốc đông y lâu năm của Hà Nội, có thể dễ dàng tìm bất cứ loại dược liệu này dù ở shop hàng to đẹp hay cửa hàng bé xíu, từ hàng quốc nội cho đến hàng nhập khẩu Trung Quốc, Mã Lai… Dĩ nhiên, người tiêu dùng mua hàng bằng tiếng tăm truyền miệng, bằng trực quan, và bằng chính niềm tin cho sức khỏe của mình giữa bát nháo chất lượng và xuất xứ.
“Hàng nào cũng có, giá rẻ nhất… Vịnh Bắc Bộ!”
Đi trên phố Lãn Ông (Hà Nội), mùi thuốc đông y quen thuộc váng vất khắp con phố ngắn nhưng dày đặc hàng quán, bản thân tôi khá bối rối khi không biết nên rẽ vào hàng nào để mua thuốc. Tấp đại vào một cửa hàng nhỏ xinh có vị chủ tóc bạc hoa râm nhìn khá là tin tưởng, lập tức tôi được mời chào nhiệt tình. Bà B.V – tự xưng là chủ nhiệm của hợp tác xã dược liệu, nói rằng tôi đã vào đúng cửa hàng uy tín, chất lượng mà giá cả lại rẻ nhất… Vịnh Bắc Bộ. Tại đây, sạp hàng của bà V, bán rất nhiều loại dược liệu khác nhau, mỗi thứ được buộc trong một chiếc túi nhỏ làm hàng mẫu. “Cháu mua nhiều hay ít, nếu mua buôn thì đi vào trong ngõ, có kho hàng tha hồ chọn!” – bà đon đả.
Khi tôi ngỏ ý muốn hỏi mua thuốc chữa đau xương khớp cho bố, bà quảng cáo luôn là thuốc nội là dạng thuốc sắc uống nước, nhưng bà còn có cả thuốc ngoại nhập từ Malaysia, dạng viên nén. “Thuốc này nhà cô bán chạy lắm, chữa bệnh hiệu quả nên toàn khách quen lấy!” – bà V vừa nói vừa đưa cho tôi một lọ thuốc bé, viết bằng chữ Trung Quốc, không có nhãn mác niêm phong hay chữ phiên âm tiếng Việt. Là người “mù” tiếng Trung, tôi hoàn toàn không biết liệu đây có phải là thuốc chữa xương khớp hay không. Thôi thì tặc lưỡi mua một lọ hơn 100.000đ bằng… niềm tin của mình.
Ở cửa hàng còn bày bán cơ man nào là thuốc đông y đóng hộp của Trung Quốc, Hàn Quốc. Riêng mặt hàng táo khô và nấm linh chi, bà V tự hào cho biết, táo Hàn Quốc thì bà “bao” giá toàn Hà Nội. “Táo khô Hàn là 220.000đ túi 1kg, còn nấm linh chi thì 800.000đ. Cháu xem chỗ nào bán rẻ hơn thì cô sẵn sàng biếu không cho cháu!”. Chỉ những túi táo khô không nhãn mác gồm táo đen và táo đỏ, bà V. Cho biết 100% đều là táo từ Trung Quốc, nhập với số lượng lớn không nhãn mác.
Những mặt hàng bà quảng cáo nằm ngan ngát trên kệ, nhiều loại đã đóng một lớp bụi phủ. Được nằm trên kệ là còn tử tế, đa phần mặt hàng dược liệu trong nước khác đều cùng chung “số phận” nằm sàn nhà la liệt, buộc túi bóng rất thô sơ và chất đống như hàng xén. Tình trạng này xuất hiện hầu hết ở các cửa hàng đông y tại con phố này. Khi tôi hỏi nguồn gốc của mấy loại thảo dược này thì bà V khua tay bảo: “Cứ yên tâm, cô là chủ nhiệm hợp tác xã, làm ăn quy củ, không lấy hàng trôi nổi”. Nhưng khi được hỏi tên hợp tác xã thì người phụ nữ này chỉ lên tấm biển hiệu có tên của chính mình, ý là hợp tác xã mang tên của… chính bà.
Xuất xứ thả nổi, còn chất lượng thì chắc phải nhờ đến các “cao thủ” ngành đông y may ra mới phân biệt được hàng sạch hay hàng “xông” lưu huỳnh. Ông Nguyễn Đình, một chủ hiệu thuốc đông y làm nghề lâu năm ở Quảng Bình thường xuyên “đánh” hàng từ đây về cho biết, nếu không phải là người trong nghề thì không thể phân biệt được hàng chất lượng hay hàng ngâm tẩm. Việc xông lưu huỳnh nhằm giúp dược liệu không bị mốc, đẹp bắt mắt và tăng trọng lượng của dược liệu. Nếu không ngâm tẩm, chỉ cần để nửa tháng không tiêu thụ được thì dược liệu sẽ chuyển màu và sớm vứt đi. “Một số loại chắc chắn có xông lưu huỳnh là đẳng sâm, ngưu tất, bạch thược… Đẳng sâm trắng bán tươi chưa bào chế thì sực mùi lưu huỳnh luôn! Hoặc như hoàng kỳ còn bị ngâm tẩm lung tung để tăng trọng lượng, nếu mua loại thái sẵn thì dễ bị “dính” phải hàng như vậy. Còn nếu mua nguyên cây thì an toàn hơn và phải chịu giá cao hơn” – Ông Đình cho hay. Về giá cả, ông Đình cho biết cũng “vô thiên lủng”, ví dụ như củ tam thất có giá từ 1,3 – 3triệu tùy kích cỡ và độ tuổi của củ, nhưng nếu không biết thì người mua dễ bị qua mặt như thường.
Mất kiểm soát khâu kiểm định?
Theo thống kê của Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), hàng năm ngành dược sử dụng từ 60.000 – 80.000 tấn dược liệu các loại. Trong khi đó, thông qua các đơn vị được cấp phép nhập khẩu dược liệu, tính từ đầu tháng 3 đến nay có khoảng hơn 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc, chiếm khoảng 2,3% so với nhu cầu sử dụng dược liệu hiện nay. Điều này cũng cho thấy tình hình dược liệu “lậu” có nhiều diễn biến phức tạp. Nguồn dược liệu thông quan qua cửa khẩu có rất nhiều tồn tại.
Cụ thể, dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, phần lớn được đóng trong các bao dứa, thùng giấy gây khó cho việc kiểm tra cụ thể từng mặt hàng. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ có thể kiểm soát về số lượng, trọng lượng bao hàng, không kiểm tra được chất lượng dược liệu… Một thông tin đáng chú ý do Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư cung cấp là qua công tác giám sát chất lượng thuốc trên thị trường hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm nhận thấy nhóm dược liệu và thuốc đông y là nhóm thuốc có tỷ lệ không đạt chuẩn chất lượng và thuốc giả cao nhất. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do nguồn dược liệu chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc hoặc cơ sở nhỏ lẻ trong dân không được kiểm soát chất lượng, gây ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe người dân.
Trước tình trạng thuốc đông y vẫn chưa được kiểm soát chất lượng một cách triệt để, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khuyến cáo người bệnh không nên sử dụng thuốc đông y một cách tùy tiện, đặc biệt không nên mua thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa. Thuốc đông y dược lậu, kém chất lượng có thể khiến người bệnh bị tổn thương gan, nhiễm độc, thậm chí tử vong… đang len lỏi vào các bệnh viện công.
Yhocvn.net/Theo Tạp chí thử nghiệm ngày nay
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…