Chủ Nhật, 13/09/2015 | 09:05

Thư gửi con nhân kỳ thi ĐH: Rất nhiều đường đến tương lai!

Hôm qua con thi xong ở trường thi thứ nhất. Ba đi làm xa nên không thể đưa con đi thi nhưng qua nói chuyện với mẹ thì biết con không mấy vui vì có sơ suất trong bài thi môn Toán.

Con dự cảm (vì sơ suất ấy) sẽ khó lọt vào được cánh cửa hẹp của ngôi trường mà mấy năm trước con hỏi ba về những ngành học ở đó.

Ba nhớ khi ấy đã trả lời con: Đó là ngôi trường đào tạo ngành nghề kỹ thuật nổi tiếng miền Nam trước đây và hiện nay. Từ đó con quyết tâm thi vào ngôi trường ấy, cũng như dùi mài những môn cần thiết với ước mong vượt qua kỳ thi một cách nhẹ nhàng.

Con thân yêu!

Trong đời đi học, đi thi, không ai mà không sơ suất. Chính vì vậy con hãy quên những điều ấy để bảo đảm sức khỏe cho trường thi thứ hai (khối B) mà con lựa chọn thi tiếp.

Quả thật lòng ba không biết ở trường thứ hai đó, con có thật sự đam mê, hay chỉ là cách “ thi hai chọn một” như bao học sinh làm trước mỗi kỳ thi đại học.

Một kỳ thi mà như nhiều người Việt Nam nghĩ là mang theo niềm vui, nỗi buồn của cả triệu thí sinh và gia đình họ. Nó lấy đi không ít tâm sức của phụ huynh và của học sinh cả một năm trước đó, cũng như ngay lúc mùa thi bắt đầu.

Ba hình dung có không ít người mẹ quê, bằng tất cả sự lo toan đã bán đi những gì có thể bán để đưa con đến trường thi. Ba nghĩ phải có tình thương con vô bờ bến, người cha Hoàng Văn Tuyên ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, một người dân tộc Tày mới lặn lội nhiều ngày trong rừng để bắt được mười con chim sáo mang về Hà Nội bán lấy tiền lo cho con trai đi thi mà báo chí đề cập những ngày vừa qua.

Đó cũng là điều mẹ con làm với con, hôm con thi trường thứ nhất qua việc chở con đến trường thi rồi ngồi trước cổng trường thấp thỏm đợi con ra. Có thể nói, khi con cái thi cử, phụ huynh cũng thi theo con.

Trước sự thành công hay chưa thành công của con cái, những người làm cha làm mẹ đều sẻ chia, dự phần, song như ba biết khó lòng mà chia sẻ hết những gì mà con cái nếm trải, bởi phải là người trong cuộc mới cảm nhận hết niềm vui, nỗi buồn một khi nó xảy đến…

Thế nhưng, có một điều ba cần nói: Cho dù kết quả thi thế nào, con cũng không nên dằn vặt mình đến suy kiệt. Con coi đó là một lần vấp. Có vấp, những bước đi sau mới vững chãi hơn. Cũng như có rất nhiều con đường vào đời.

Có người vào đời sau khi học hành hanh thông, kiếm được việc làm mong muốn, song cũng có người rẽ nhánh và ở nhánh rẽ đó họ tìm thấy niềm vui công việc, có người vượt đường dài theo cách đi từng chặng, có người đi thẳng vào thực hành để trở thành người đầy kinh nghiệm, giỏi giang trong sản xuất.

Đây là lý do vì sao nhiều nước trên thế giới công nhận những người có tay nghề cao là những kỹ sư thực hành mà ngay cả kỹ sư tốt nghiệp hạng ưu của các trường đại học danh tiếng cũng phải kính nể.

Nhân đây ba muốn nhắc lại con câu chuyện về một nhân tài đất Việt. Đó là giáo sư toán học Ngô Bảo Châu. Trước khi đoạt huy chương Fields cao quý, con người có trình độ thâm sâu về toán học đó mất không ít năm “loay hoay” tìm ý tưởng, đề tài nghiên cứu, trước khi bảo vệ thành công tiến sĩ năm 1997.

Một con người có năng lực nghiên cứu kiệt xuất mà còn như vậy huống chi là người bình thường. Vì vậy, ba không quá buồn lòng khi thấy con vì lý do nào đó không vào được trường, bởi không chỉ có bằng đại học mới có cơ hội tiến thân.

Từ lâu, báo chí viết nhiều về tình trạng: Người người đều muốn con cái vào đại học. Một bộ phận không nhỏ lấy chuyện học đại học làm thước đo, là niềm vinh dự với xóm làng, trong khi đó nhu cầu việc làm của xã hội lại có giới hạn.

Kết quả là, thống kê mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến hết quý 1/2014, cả nước có hơn 160 ngàn cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp, tăng hơn 88 ngàn so với thống kê năm ngoái (chưa tính 79 ngàn người có trình độ cao đẳng cũng thất nghiệp).

Điều này giải thích vì sao nhiều cử nhân phải học lại một ngành khác, hoặc làm những việc không cần nhiều đến kiến thức. Đó là một sự lãng phí ghê gớm, không chỉ cho xã hội mà còn cho từng gia đình.

Trong khi đó con biết không, nhiều nhà máy, các khu chế xuất đang khát công nhân lành nghề, kể cả việc nước ngoài tuyển công nhân lành nghề của Việt Nam sang nước họ làm việc với đồng lương tương đối khá.

Đơn cử, ngay trong ngành du lịch của Bình Thuận, cũng đang khát ứng viên có kinh nghiệm, tay nghề với mức lương khá. Vì vậy con cần lựa chọn học lấy một nghề cho giỏi trong vô số nghề mà con biết.

Đó cũng là con đường để đi đến tương lai, không nhất thiết phải là cử nhân, thạc sĩ, nhưng khi nhận việc lại không hoàn thành, hoặc hoàn thành với mức thấp, trong khi yêu cầu của bên tuyển dụng lại khá cao.

Hãy bình tâm suy xét con nhé. Tương lai đang chờ con. Yêu và thương con!

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook