|
Tăng huyết áp có thể do các nguyên nhân: do thận như viêm cầu thận cấp tính, ứ nước bể thận, u tủy xương thận, hẹp động mạch thận; do nguyên nhân khác như: hẹp eo động mạch chủ, nhiễm độc thai nghén; do nguyên nhân thần kinh, cường tuyến giáp trạng, hở van động mạch chủ, hoặc có thể là tăng huyết áp không rõ nguyên nhân. Việc điều trị tùy thuộc nguyên nhân để dùng thuốc thích hợp. Trong y học cổ truyền cũng có nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả.
Dược thảo điều trị tăng huyết áp
Dâu tằm: vỏ rễ dâu chữa phù thũng, bụng chướng to, tiểu tiện không thông, tăng huyết áp. Ngày dùng 4 – 12g, có khi đến 30g, sắc uống. Lá dâu chữa tăng huyết áp, nhức đầu, mất ngủ, sốt nóng, ho, viêm họng. Ngày dùng 6 – 12g, sắc uống.
Cúc hoa trắng: được dùng làm thuốc chữa tăng huyết áp, nhức đầu, chóng mặt, đau dây thần kinh. Ngày dùng 10 – 15g, sắc uống.
Ngưu tất: ngưu tất có tác dụng hạ cholesterol máu, hạ huyết áp, chống viêm. Chữa đái rát buốt, đái ra máu, được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa tăng huyết áp, thấp khớp, sỏi đường tiết niệu.
Mạch môn: được dùng để lợi tiểu, chữa tăng huyết áp, điều hoà nhịp tim khỏi hồi hộp, chữa mất ngủ.
Đương quy: có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu. Được dùng điều trị huyết ứ trệ, tăng huyết áp, thiếu máu.
Dành dành: có tác dụng hạ huyết áp, hạ cholesterol máu, gây trấn tĩnh, giảm đau, lợi tiểu. Quả dành dành được dùng chữa tiểu tiện khó khăn, tiểu tiện ra máu. Ngày dùng 6 – 12g sắc uống. Rễ dành dành có tác dụng chữa viêm thận, phù thũng. Ngày dùng 15 – 30g sắc uống.
Đảng sâm: có tác dụng bổ toàn thân và kích thích miễn dịch. Đảng sâm Trung Quốc có tác dụng gây tăng hồng cầu, hạ huyết áp do làm giảm mạch ngoại vi. Đảng sâm được dùng chữa viêm thận, nước tiểu có albumin, chân phù đau. Ngày dùng 20 – 40g, sắc uống.
Táo ta: hạt táo có tác dụng an thần gây ngủ và gây hạ huyết áp kéo dài. Ngày dùng 1 – 1,5g tương đương với khoảng 15 – 20 nhân hạt. Nếu dùng liều cao (6 – 8g) phải sao đen, nghiền thành bột uống.
Trạch tả: có tác dụng hạ huyết áp, lợi tiểu, hạ lipid huyết và chống vữa xơ động mạch. Trên lâm sàng, ở những bệnh nhân tăng lipid máu, có tác dụng làm giảm cholesterol, bêta-lipoprotein và triglycerid trong máu. Ngày dùng 10 – 20g, sắc uống.
Ngũ vị tử: gây hạ huyết áp do tác dụng giãn mạch và là thuốc bổ. Ngày dùng 6 – 12g, sắc uống.
Đỗ trọng: Gây hạ huyết áp và lợi niệu, dùng điều trị chứng tăng huyết áp và thận hư, sưng tê phù. Ngày dùng 12 – 20g, có khi tới 30g, sắc uống.
Cúc hoa trắng. |
Các bài thuốc điều trị tăng huyết áp
Bài 1: Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có vữa xơ động mạch, chóng mặt, ù tai: Thục địa 25g, hoài sơn 15g; phục linh, sơn thù du, mỗi vị 12g, mẫu đơn bì, lá dâu tằm, cúc hoa trắng, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có nhịp tim nhanh, ra mồ hôi, có hiện tượng ứ trệ huyết ở mạch máu ngoại biên: thục địa, mạch môn, đương quy, long đởm thảo, dành dành, hoàng liên, hoàng bá, thạch cao mỗi vị 30g; ngưu tất 25g; tri mẫu 10g, mộc hương 6g. Tất cả các vị tán bột, làm thành viên hoàn 0,5g. Mỗi lần uống 4 viên, ngày 3 lần.
Bài 3: Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có bệnh cơ tim: phục linh 15g, bá tử nhân 12g; toan táo nhân (sao đen), thục địa, hoài sơn, đương quy mỗi vị 10g, mộc hương 6g, hoàng liên 3g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 4: Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân mắc bệnh thận: phục linh, thục địa, hoài sơn, thạch hộc mỗi vị 12g; cúc hoa trắng, kỷ tử, sơn thù du, trạch tả, mỗi vị 10g, mẫu đơn bì 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 5: Chữa tăng huyết áp ở bệnh nhân có giãn tim, chóng mặt, khó thở, ra mồ hôi, có biểu hiện ứ trệ huyết: mạch môn, hà thủ ô đỏ mỗi vị 15g; thục địa, đương quy, ngũ vị tử, toan táo nhân (sao đen), huyền sâm, mỗi vị 10g; phục linh, thạch xương bồ, cúc hoa trắng, cam thảo bắc, đảng sâm mỗi vị 6g; dành dành 3g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 6: Chữa tăng huyết áp mức độ vừa: hoài sơn, tri mẫu, bắc sa sâm, huyền sâm, vỏ rễ dâu, mỗi vị 15g; thục địa, mẫu đơn bì, toan táo nhân (sao đen), hà thủ ô đỏ mỗi vị 10g; phục linh, thạch xương bồ, đương quy, hoàng cầm mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 7: Chữa tăng huyết áp ở người cao tuổi có vẻ mặt khoẻ mạnh: hạ khô thảo 30g; mẫu đơn bì, bạch thuợc mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Có thể dùng trong thời gian dài.
GS. Đoàn Thị Nhu
Nguồn: SKDS
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…