Tật khúc xạ là gì? Các loại khúc xạ thường gặp
Mắt của chúng ta khỏe mạnh thì khi nhìn đồ vật sẽ hiện đúng trên võng mạc của mắt, khi đó chúng ta nhìn đồ vật thấy rõ nét.
Khi mắt bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) tức là mắt có bất thường ở các thành phần quang học (như giác mạc, thể thủy tinh) làm cho ánh sáng đi vào mắt qua các thành phần này không hiện đúng trên võng mạc của mắt khi đó chúng ta nhìn đồ vật sẽ bị nhòe mờ, nhìn không rõ. Khi nhìn lâu ta thấy mắt nhức và mỏi.
Tật khúc xạ (TKX) bao gồm tật cận thị, viễn thị và loạn thị của mắt trong đó chủ yếu là cận thị.
Cận thị: Mắt không nhìn thấy rõ các vật ở xa
Viễn thị: Mắt không nhìn thấy rõ các vật ở gần
Loạn thị: Hình ảnh xung quanh đều bị mờ hoặc méo mó
Đối với người trung niên (từ 40 tuổi trở lên), khi cơ thể bắt đầu lão hóa, sẽ xuất hiện hiện tượng lão thị ở mắt.
Hiện nay ở nước ta cận thị đang là căn bệnh báo động trong lứa tuổi học đường, tỷ lệ cận thị trong giới học đường hiện khoảng 30 – 40%, ở một số thành phố lớn con số này còn lên tới 80%.
Các loại tật khúc xạ thường gặp
Cận thị: là tật khúc xạ rất quen thuộc và hiện nay đã trở thành một hiện tượng rất phổ biến, đặc biệt ở các em đang trong độ tuổi đến trường. Khi bị cận thị người bệnh nhìn xa thì mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ nhờ vào chức năng điều tiết của mắt trừ khi cận thị quá nặng. Cận thị trước hết làm ảnh hưởng trực tiếp đến học tập, khả năng tiếp nhận và cảm nhận cuộc sống bằng thị giác. Cận thị nặng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ; nếu để bệnh biến chứng nặng, có thể bị thoái hóa võng mạc, bong võng mạc dẫn đến mù lòa.
Viễn thị: là khi nhìn xa rõ hơn nhìn gần, bệnh thường gặp ở tuổi bắt đầu học cấp 1. Viễn thị thường gây nhược thị và có thể là yếu tố gây ra lác điều tiết nên cần phải được phát hiện và điều trị sớm. Với biểu hiện, trẻ đọc sách hay nhìn gần bị mỏi mắt, nhức mắt, nhức đầu, cố gắng nhìn lâu có thể bị đỏ mắt. Mắt có khuynh hướng quay vào trong làm lé trong. Nếu có các triệu chứng này, cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt.
Loạn thị: là khi nhìn xa hay gần đều mờ. Loạn thị xảy ra khi mặt trước của mắt (giác mạc) hoặc ống kính bên trong mắt, có một độ cong bề mặt hơi khác nhau theo một hướng khác. Thay vì ngay thẳng và mịn trong tất cả các hướng, bề mặt có thể có một số khu vực cong hoặc dốc hơn. Loạn thị làm mờ tầm nhìn ở mọi khoảng cách. Loạn thị thường xuất hiện lúc mới sinh và có thể xảy ra kết hợp với cận thị hoặc viễn thị. Các dấu hiệu và triệu chứng của loạn thị bao gồm: Bóp méo trong các phần của lĩnh vực thị giác; mờ mắt; mỏi mắt; nhức đầu… Trẻ bị loạn thị thường bị mờ khi nhìn lên bảng hay đọc nhầm, chẳng hạn như chữ H đọc thành chữ N,…
Lệch khúc xạ: là hiện tượng có sự khác nhau về khúc xạ giữa hai mắt, có thể là một mắt cận còn mắt kia viễn hoặc cả hai mắt cùng cận hay cùng viễn nhưng khác nhau về mức độ. Đôi khi là một mắt chính thị còn mắt kia là cận thị đơn thuần, viễn thị đơn thuần hay cận loạn hoặc là viễn loạn.
Lão thị: lão thị là do khi càng nhiều tuổi thì tính chất đàn hồi của thủy tinh thể giảm dần, vì vậy những người từ 40 tuổi trở lên khi nhìn gần hoặc đọc sách thấy mờ, muốn nhìn rõ phải để xa mắt, đọc sách lâu thường chóng mỏi mắt.
Nhìn xa không thay đổi, nhưng muốn nhìn gần tốt cần phải mang kính lão thị (là thấu kính hội tụ, tương tự như kính viễn thị, nhưng chỉ dùng để nhìn gần mà thôi).
Triệu chứng khi mắt bị tật khúc xạ
Ở người lớn khi bị tật khúc xạ có thể phát hiện sớm nhưng ở các em nhỏ thường chỉ phát hiện khi các em bắt đầu đi học (đa số là bị cận thị), cô giáo thấy đọc sai chữ trên bảng, nhầm chữ hoặc bé học sa sút. Do vậy các bậc cha mẹ cần lưu ý và cho trẻ đi khám mắt khi nhận thấy các bé có dấu hiệu sau:
– Nhìn vật gì cũng phải đưa sát vào mắt mới nhìn rõ: ngồi quá gần tivi, cúi sát mắt vào sách vở.
– Hay nheo mắt để nhìn mọi vật, đặc biệt khi ánh sáng yếu
– Nghiêng hoặc quay đầu để nhìn cho rõ
– Thường dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ
– Sợ sáng, chói mắt, hay chảy nước mắt
– Tránh né những hoạt động nhìn xa như ném bóng, đá cầu, thích thú với các hoạt động nhìn gần như đọc truyện, xem phim, chơi game…Kết quả học tập sút kém, kêu nhìn mờ hoặc nhức mắt
Điều trị tật khúc xạ
Đeo kính
– Những trường hợp tật khúc xạ nặng cần được phát hiện sớm, đeo kính đúng để tránh nhược thị cho trẻ (là tình trạng mắt không nhìn rõ khi đã được đeo kính đúng, dù không có bệnh lý gì khác ở mắt), việc đeo kính sớm và đúng thường xuyên còn giúp thị giác của trẻ phát triển.
– Những trẻ có chênh lệch khúc xạ lớn giữa hai mắt cũng cần được đeo kính đúng và đủ số, nên đeo kính thường xuyên để tránh nhược thị.
– Đối với trường hợp loạn thị, việc đeo kính thường xuyên giúp cho mắt nhìn rõ và đỡ mệt mỏi, nhức đầu (vì mắt loạn thị luôn điều tiết), nhất là với các công việc cần nhìn gần.
– Trẻ bị tật khúc xạ nên tái khám mỗi 3 – 6 tháng (là khoảng thời gian đủ để có những thay đổi đáng kể phải thay đổi kính). Tùy trường hợp mà các bác sĩ hoặc kỹ thuật viên khúc xạ sẽ có hướng dẫn cụ thể.
– Vì một lý do gì đó, bệnh nhân không muốn dùng kính gọng thì có thể lựa chọn cách khác như đeo kính áp tròng .
Phẫu thuật
Nếu bệnh nhân trên 18 tuổi, không muốn đeo kính thì có thể lựa chọn phẫu thuật để điều trị tật khúc xạ.
Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay là sử dụng Laser Excimer. Đây là phương pháp có độ an toàn rất cao, có tính chính xác lớn, có thể điều trị độ cận thị từ -1,00D đến – 15,00D; điều trị độ viễn thị từ +1,00 đến + 7,00D và độ loạn từ 1,00 đến 5,00D. Ngoài ra nó cũng có thể điều trị lão thị.
Các vấn đề vệ sinh thị giác và phòng bệnh:
– Cần bàn học vừa với kích thước cơ thể của trẻ (ở những trường có từ cấp I đến cấp II thì trẻ lớp 1 ngồi chung bàn với trẻ lớp 9 – như vậy sẽ không đúng với tiêu chuẩn)
– Khi làm việc gần (như đọc sách, học bài) cần có khoảng cách thích hợp (khoảng cách từ mắt đến sách đọc khoảng 30 – 40 cm là tốt nhất).
– Nơi trẻ học cần đủ ánh sáng và phải có sự phân bố và cường độ tốt, không gây lóa mắt. Ngoài sự chiếu sáng trong phòng nên có một ngọn đèn bàn đặt phía bên tay trái (nếu thuần tay phải và ngược lại). Không đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính quá nhiều vì sẽ dẫn đến mỏi mắt.
– Chữ viết trên bảng cũng như chữ in trong sách phải rõ ràng, bảng và giấy không quá bóng, gây mỏi mắt.
– Trẻ sẽ được khuyên nên đeo kính khi đọc sách hay không tùy trường hợp. Trong lớp, trẻ có tật khúc xạ cần được xếp ngồi gần bảng, vì một số trẻ dù đã được đeo kính đúng nhưng tình trạng nhược thị vẫn còn.
– Không nên làm việc bằng mắt liên tục kéo dài. Mỗi giờ nên cho mắt nghỉ ngơi 5 – 10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc thư giãn nhìn ra xa. Trẻ em có độ cận thị nặng cần được điều hòa giữa công việc sách vở và các hoạt động giải trí ngoài trời.
– Bồi phụ các vitamine A-E-C, các khoáng vi lượng như Kẽm, Mangan và Đồng cũng góp phần làm giảm bớt hình thành và tiến triển của cận thị cũng như đề phòng các biến chứng có thể gặp
Yhocvn.net (Theo cẩm nang chăm sóc và bảo vệ mắt BV Mắt TƯ)
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…