Năm 18 tuổi, Phạm Quang Duy – sinh năm 1990 ở Nam Định – sang Mỹ để thực hiện ước mơ trở thành một chuyên gia tin học. Tuy nhiên, chàng trai bỏ lỡ ước mơ khi mắc căn bệnh xơ gan.
Hồi tưởng về con trai của mình, ông Phạm Quang Nam chia sẻ, Duy vốn tài giỏi và mạnh mẽ, đam mê tin học và dồn hết tâm sức của mình với chuyên ngành ấy. Duy đã tự mình mày mò, học hỏi và tự tìm học bổng sang Mỹ.
|
Chàng trai Phạm Quang Duy. |
Sang Mỹ được một năm, Duy bỗng nhiên phát bệnh. Ban đầu là một trận cảm mạo, sau đó nhanh chóng phát bệnh nặng. Tại Mỹ, Duy được chẩn đoán bị tắc nghẽn đường mật. Đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như xơ gan do ứ mật, nhiễm khuẩn đường mật, nhiễm khuẩn máu…
Nhận được tin con trai bạo bệnh ở xứ người, vợ chồng ông Nam tức tốc sang Mỹ. Lúc này, Duy đã trong tình trạng nặng. Cậu nằm viện 10 ngày, sau đó làm thủ tục về Việt Nam. Nhìn đứa con trai vốn khỏe mạnh, năng động nay nằm bất động trên giường bệnh, người cha không kìm nổi nước mắt.
Giấu nước mắt vào trong, ông Nam quyết tâm đưa con về Việt Nam và cứu con bằng mọi cách. Duy nhập viện Bạch Mai sau khi trở về. Tại đây, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành đã tham gia cứu chữa, song không được vì căn bệnh xơ gan đã ở giai đoạn muộn. Sau ba tháng nằm tại Bạch Mai, Duy ra đi vào đầu năm 2009.
|
Duy quyết định hiến thi thể cho y học. |
Hòa chung niềm tiếc thương trước sự ra đi của Duy còn có sự ngưỡng mộ và tôn kính với chàng trai trẻ này. Trước khi mất, Duy có một quyết định khiến gia đình bàng hoàng: hiến xác cho khoa học. “Lúc nằm điều trị tại Bạch Mai, nó đặt vấn đề với bác sĩ và bố mẹ. Nó bảo ‘con được hưởng nhiều thứ từ xã hội, đáng tiếc là chưa cống hiến được gì, con muốn đóng góp thân xác mình cho ngành y nước nhà, biết đâu nhờ vào thân xác này mà ngành y phát triển hơn, nhiều người sẽ được cứu sống…’. Nghe đến đây, vợ chồng tôi bàng hoàng, không nói được thành lời và cũng không biết nói gì vì quá sửng sốt và đột ngột”, ông Nam chia sẻ.
Duy tâm sự với bố, khi nằm tại bệnh viện, Duy chứng kiến bao cảnh đời khốn khổ vì bệnh tật, cậu còn thấy cảnh bác sĩ bất lực, đau đớn khi không cứu được bệnh nhân. Duy cũng hiểu được tình hình y học của nước nhà và mong muốn góp một phần nhỏ để y học phát triển hơn. Trước tâm nguyện đó, người cha thương con và tự hào về con hơn bao giờ hết. Ông hứa thực hiện mong muốn ấy cho Duy.
Ông Nam là công chức nhà nước, được tiếp xúc với xã hội, thông tin nhiều nên ông chấp nhận được. Vợ ông ban đầu chưa đồng ý, nhưng cuối cùng khi nghe chồng, con giải thích bà cũng không ngăn cản. Ông Nam bảo, khó khăn lớn nhất là thông báo quyết định của Duy cho ông bà, họ hàng biết. Họ sống ở quê, có phong tục tập quán riêng, người chết là phải đem chôn để mồ yên mả đẹp… Chính vì vậy khi nghe tin xác của Duy sẽ được phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, cả nhà đã phản đối. Phải mất một thời gian, ông Nam mới thuyết phục được họ hàng.
Sau khi mất, thi thể của Duy được đưa về Đại học Y Hà Nội để phục vụ công tác học tập và nghiên cứu.
Nhiều năm trôi qua, câu chuyện của chàng trai trẻ hiến xác cho y học vẫn khiến thầy Hoàng Văn Sơn, giảng viên bộ môn Giải phẫu học Đại học Y Hà Nội xúc động khi nhắc tới. Thầy Sơn nói, Duy là một chàng trai trẻ, suy nghĩ cũng trẻ. Quyết định của Duy khiến bao người nể phục và tri ân. Dù không có tượng đồng, bia đá nhưng trong trái tim của thầy trò ngành y, những người hiến thi thể vẫn là những người thầy bất tử.
Thi thể của Duy phục vụ công tác học tập và nghiên cứu trong 5 năm, năm 2014 Đại học Y Hà Nội đã bàn giao lại thi thể cho gia đình để tiến hành an táng tại quê nhà. Ông Nam chia sẻ thêm, bản thân ông cũng được an ủi vì nhà trường rất có trách nhiệm và chu đáo trong việc bảo quản và đưa thi thể Duy về. Hôm đó, xã và huyện cũng tổ chức lễ đón Duy rất ấm áp. Sau 5 năm cống hiến cho y học, Duy lại được trở về trong vòng tay của gia đình và người thân.
>> Xem thêm
Chàng trai mù ở Sài Gòn – người Việt đầu tiên hiến xác cho y học
Thiếu thi thể nghiên cứu, sinh viên y ít thực hành giải phẫu xác người
Lê Nga
Nguồn: VnExpress
Theo thống kê của WHO đến thời điểm hiện tại toàn cầu có hơn 300…
Gan đảm nhiệm vai trò thanh lọc và đào thải độc tố trong cơ thể…
Sắc mặt và âm lượng giọng nói phản ánh sức khoẻ của mỗi người. Người…
Ngứa là hiện tượng tự nhiên khi da bị kích ứng gây ảnh hưởng đến…
Cây hoa quỳnh được sử dụng như một bài thuốc trong đông y có tác…
Cây hoa quỳnh không chỉ là loại hoa quý mà còn được dùng làm vị…